Những "rối loạn" của năm đầu tiên đã có kinh nghiệm để xử lý nhưng việc chuyển đổi môn học, đặc biệt thi tốt nghiệp THPT ra sao với lứa học sinh (HS) này, vẫn là rào cản khi quyết định chọn môn của HS và tổ chức của nhà trường.
NỖ LỰC ĐỂ TĂNG LỰA CHỌN CHO HỌC SINH
Đánh giá sau năm đầu tổ chức dạy học lựa chọn, báo cáo của Bộ GD-ĐT cũng như đoàn giám sát của Quốc hội đều cho rằng, việc xây dựng và thực hiện giảng dạy các tổ hợp tại cấp THPT chưa thực sự đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp và nhu cầu của HS. Hầu hết các cơ sở giáo dục THPT không tổ chức dạy học các môn mỹ thuật, âm nhạc, ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện và việc định hướng nghề nghiệp cho một số đối tượng HS có năng khiếu nghệ thuật.
Tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), số tổ hợp môn năm học này là 10 tổ hợp, tăng 3 tổ hợp so với năm ngoái. Đáng chú ý, sau 1 năm chuẩn bị, trường đã có thể tổ chức dạy thêm môn âm nhạc. Không chỉ thêm tổ hợp, năm học này nhà trường còn cho phép HS đăng ký 2 nguyện vọng lựa chọn môn tổ hợp để có thể thuận lợi trong sắp xếp, tổ chức lớp.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, chia sẻ năm nay trường đã đăng ký thi tuyển dụng 1 biên chế giáo viên (GV) dạy âm nhạc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Hà Nội chưa thi tuyển GV cho năm học tới nên nhà trường đã hợp đồng để có GV dạy âm nhạc trước khi HS đăng ký lựa chọn môn học. Kết quả là đã có 1 lớp, HS lựa chọn tổ hợp có môn âm nhạc để học.
Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) năm nay cũng có 1 tổ hợp gồm cả môn mỹ thuật và âm nhạc trong số 4 tổ hợp để HS lựa chọn. Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên, trước đó nhà trường tư vấn cho HS hiểu rõ các tổ hợp để có lựa chọn.
XU HƯỚNG HỌC SINH NÉ CÁC MÔN KHOA HỌC TỰ NHIÊN?
Theo bà Nguyễn Bội Quỳnh, sau năm đầu dạy học lựa chọn cũng như việc chọn bài thi tổ hợp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhận thấy thực tế HS có xu hướng né các môn khoa học tự nhiên vì lo lắng học lý, hóa, sinh khó hơn khoa học xã hội. Do vậy, trong buổi gặp gỡ, tư vấn lựa chọn môn học cho HS năm nay, nhà trường đã tư vấn kỹ hơn về xu hướng tuyển sinh đại học (ĐH) theo hướng đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, đồng thời động viên HS nếu thích thì đừng sợ khó, bởi thầy cô giáo sẽ sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ các em trong quá trình học tập. Do vậy, năm nay số HS chọn các tổ hợp môn thiên hướng khoa học tự nhiên đã tăng lên, cân bằng hơn với khoa học xã hội.
Ông Đặng Quốc Thống, Hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), cũng cảnh báo thực trạng HS né tổ hợp có các môn lý, hóa, sinh vì khó, và nếu không có giải pháp khắc phục thì dần dần các trường ĐH sẽ thiếu sinh viên theo các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật.
Do vậy, ý kiến chung của các trường là phương án thi tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh của các trường ĐH cần sớm được công bố, càng rõ ràng, minh bạch, càng thuận lợi cho việc tổ chức dạy học lựa chọn ở cấp THPT. Đoàn giám sát việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra rằng: "Đến nay, Bộ GD-ĐT chưa ban hành hướng dẫn về phương thức và nội dung thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, gây khó khăn cho HS trong việc chọn tổ hợp môn học, đội ngũ GV lúng túng trong việc điều chỉnh cách dạy học, phương thức thi, kiểm tra đánh giá, ảnh hưởng tới chiến lược tuyển sinh của các trường ĐH".
KHUYẾN KHÍCH TỔ CHỨC LỚP HỌC LINH HOẠT THEO BỘ MÔN
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học tới với cấp THPT, đối với việc tổ chức dạy học các môn học và chuyên đề lựa chọn, Bộ GD-ĐT khuyến khích các nhà trường tổ chức xếp các lớp học (lớp dành cho các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc) và lớp học riêng theo từng môn học lựa chọn để đáp ứng tối đa nguyện vọng của HS. Lưu ý phân công GV, xây dựng thời khóa biểu giữa các lớp học theo tổ hợp môn học bắt buộc và các lớp học riêng theo từng môn học lựa chọn đảm bảo khoa học, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và đội ngũ GV của nhà trường.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu hỗ trợ tối đa cho người học
Trước ý kiến của một số địa phương về việc chuyển trường của HS lớp 10 nhưng gặp khó khăn do tổ hợp môn học lựa chọn khác nhau, phát biểu tại Hội nghị giám đốc Sở GD-ĐT cuối tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu các địa phương hỗ trợ tối đa người học và không đặt ra bất kỳ rào cản nào cho HS khi chuyển trường. Công tác hướng nghiệp, phân luồng cũng phải được thực hiện bằng sự thuyết phục, qua sự lựa chọn của người học, không được triển khai cứng nhắc.
Đại diện hệ thống giáo dục Alpha cũng cho biết năm học vừa qua nhà trường đã áp dụng cách làm này. Cụ thể, vẫn có những đơn vị lớp truyền thống nhưng chỉ ổn định sĩ số ở môn học bắt buộc, đến các môn học lựa chọn thì HS học môn nào sẽ đến lớp học theo bộ môn đó. Cách thức linh hoạt ấy sẽ giải quyết được khó khăn về việc chuyển trường, chuyển lớp.
Tuy nhiên, ở khối trường công lập, đặc biệt ở khu vực nội đô của Hà Nội thì cách làm này chưa khả thi. Bà Nguyễn Bội Quỳnh cho biết, tổ chức được lớp học linh hoạt theo môn học lựa chọn là cách làm tối ưu mà các nước có nền giáo dục tiên tiến đã làm khi dạy học tự chọn. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải có cơ sở vật chất rất tốt, có số HS không quá lớn, số phòng học, phòng chức năng đủ lớn để đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của HS. Trường THPT Việt Đức đến thời điểm này vẫn chưa thể thực hiện được mô hình lớp học theo môn học, vì điều kiện về phòng học không đáp ứng được.
CHUYỂN MÔN THẾ NÀO?
Đối với vấn đề chuyển đổi môn học lựa chọn, vào tháng 1, Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn, trong đó khẳng định việc lựa chọn môn học, cụm chuyên đề học tập của HS cần giữ ổn định cho đến hết lớp 12. Trong trường hợp đặc biệt, HS có nguyện vọng chuyển đổi thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học và phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức của chương trình môn học mới để đủ năng lực học tiếp môn học mới. Nhà trường có các giải pháp phù hợp hỗ trợ HS bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới để bảo đảm cho HS có đủ năng lực học tiếp môn học mới ở năm học tiếp theo.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh cho biết, hiện nhà trường có 3 HS xin chuyển môn, trong khi chờ hướng dẫn của Sở GD-ĐT thì nhà trường "bám" vào văn bản của Bộ GD-ĐT, trên cơ sở đăng ký tự nguyện của HS, phân công GV bồi dưỡng, dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến cho HS trong dịp hè để bổ sung kiến thức các môn mà HS chưa được học trong 1 năm qua. Trước khi vào năm học mới, nhà trường sẽ lập hội đồng đánh giá để quyết định HS có đủ điều kiện chuyển môn vào học tiếp các môn này ở lớp 11 hay không.
Ông Đặng Quốc Thống cho biết, HS muốn đổi sang tổ hợp khác hoặc chuyển trường, các em thiếu kiến thức môn học nào, nhà trường sẽ bố trí GV dạy bù trong hè và các ngày cuối tuần; không nên gây khó khăn cho HS về việc chuyển đổi môn học lựa chọn bởi có thể các em chưa được định hướng, tư vấn kỹ, nhiều em ngay từ THCS khó có thể biết được sẽ theo học ngành gì, trường học nào.
Đại diện lãnh đạo hệ thống giáo dục Alpha cho hay, kinh nghiệm cho thấy để hạn chế việc 1 năm học HS mới được chuyển môn học dẫn tới những khó khăn về bù đắp kiến thức quá nhiều, năm học trước, nhà trường cho phép HS lớp 10 có thể thay đổi môn học lựa chọn sau 1 tháng đầu tiên của năm học nếu thấy thực sự không phù hợp.
Bình luận (0)