Không còn học thuộc đề cương
Phan Nguyễn Quỳnh Trang, học sinh (HS) lớp 10 Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho hay: “Môn ngữ văn không còn là những tiết dạy về tác phẩm, tác giả thuần túy mà chúng em học theo thể loại văn học. Sau khi học xong lý thuyết, chúng em có thể phân biệt được các thể loại văn học, cách thức phân tích từng thể loại…”.
Còn một HS lớp 10A7 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) nói rằng, tương tự như các môn học khác, ngữ văn cũng đòi hỏi HS trau dồi kỹ năng, biết phân tích, đánh giá vấn đề chứ không còn là học thuộc đề cương, học thuộc nội dung phân tích nhân vật, nghệ thuật hay tư tưởng của tác phẩm.
Giáo viên bớt thuyết giảng, lớp học sôi động
Theo hầu hết giáo viên (GV) giảng dạy môn ngữ văn lớp 10 bộ Chân trời sáng tạo tại TP.HCM, với việc áp dụng các phương pháp dạy học mới mà GV được tập huấn trong các mô đun, lớp học trở nên sôi động hẳn lên. HS rất tích cực phát biểu, tranh luận trong các hoạt động dạy học. GV tổ chức cho HS hoạt động nhóm nhiều hơn nên sự thuyết giảng của thầy cô cũng giảm bớt lại. Cùng với đó là các kỹ năng nói và nghe được thiết kế trong các bài học giúp HS có cơ hội bày tỏ chính kiến, nên lớp học lúc nào cũng sôi nổi.
Thầy trò trong một tiết học môn ngữ văn lớp 10 theo chương trình mới |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Cách xây dựng tiến trình từng bài học cũng tiện lợi cho GV khi triển khai bài dạy và HS dễ dàng tiếp thu. Chẳng hạn, đầu mỗi bài học có phần tri thức ngữ văn chung làm chìa khóa, định hướng cho việc tìm hiểu. Ở phần đọc có sự tích hợp, kết nối, mở rộng với các văn bản cùng chủ điểm, giúp HS hiểu sâu vấn đề hơn. Các bảng kiểm tra trong hoạt động viết, nói giúp GV dễ dàng có công cụ kiểm tra kỹ năng của HS và giúp các HS dễ dàng thực hiện. Hơn nữa, ở mỗi bài học đều có ngữ liệu tham khảo, rất tiện lợi cho HS trong hoạt động viết, không cần phải có thêm tài liệu tham khảo hỗ trợ. Chính vì vậy, HS cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc tự học.
Sẽ tránh được văn mẫu ?
Với những chia sẻ của HS lớp 10 về việc thay đổi phương pháp, hình thức học môn ngữ văn, thạc sĩ Phan Thế Hoài, Trường THPT Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân, TP.HCM), nhìn nhận HS phải học một cách chủ động. Đối với chương trình cũ, GV phải làm việc nhiều, còn đối với chương trình mới, người thầy đóng vai trò hướng dẫn để HS hiểu, biết, vận, dụng và thể hiện năng lực. “Trước đây, theo chương trình cũ, HS phụ thuộc rất nhiều vào thầy cô, vào những bài giảng về các tác phẩm của thầy cô. Nhưng với mục tiêu, phương thức tổ chức dạy học của chương trình mới thì GV đóng vai trò hướng dẫn kỹ năng sau đó học trò vận dụng vào để viết”, ông Hoài nói.
Tương tự, nói về môn ngữ văn trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ông Trương Minh Đức, GV Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) nói rằng ngày xưa HS học và sẽ kiểm tra những bài đã học nhưng nay tác phẩm văn học không còn là bài học mà trở thành bài tập. Do đó, HS sẽ không phải học thuộc lòng bài học để đi thi và GV giảng không chỉ kiến thức mà còn là kỹ năng phân tích, cảm nhận, xử lý yêu cầu của môn học.
GV của Trường THPT Lê Quý Đôn nhìn nhận, việc thay đổi này thời gian đầu đương nhiên sẽ khó. “Chẳng hạn qua đợt kiểm tra vừa qua phát hiện ra bài thơ có 10 ý nhưng HS làm được một số ý thì GV cũng phải mừng. Có thể bài viết không sâu sắc vì từ trước đến nay đa phần HS học văn theo kiểu học lại đề cương của GV cho nên bài viết rất hay. Nay thì phải chấp nhận bài viết chưa hay, nội dung không sâu sắc nhưng cần tôn trọng mức độ cảm thụ của HS”, ông Đức phân tích.
Theo chương trình mới, học sinh sẽ không phải học thuộc lòng bài học văn để đi thi |
đào ngọc thạch |
Lo ngữ liệu ra ngoài giáo khoa, quá sức học sinh
Thăm dò ý kiến HS lớp 10, chúng tôi thấy đa số các em khá thích thú về việc kiểm tra, đánh giá với ngữ liệu lấy ngoài sách giáo khoa. Tuy nhiên, nhiều em cũng thừa nhận khó khăn hơn khi làm bài. Đây là một thực tế nếu HS không nắm vững đặc trưng thể loại văn bản, kỹ năng đọc hiểu không tốt. Để “hóa giải” cho nỗi lo này, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu vừa nêu, HS cần dựa vào bảng kiểm tra kỹ năng viết trong từng bài học. Xem đây là “chìa khóa” để áp dụng cho các yêu cầu đồng dạng, các văn bản ngoài sách giáo khoa.
HS lớp 10 chọn lựa theo khối lớp có định hướng nghề nghiệp thiên về các ngành khoa học xã hội và nhân văn phải học thêm các chuyên đề ngữ văn. Theo đó, có 3 chuyên đề trong một năm học. Theo tiến trình giảng dạy thì hết tuần thứ 6 của học kỳ 1 là gần xong chuyên đề 1 (Tập nghiên cứu và viết báo cáo về một vấn đề văn học dân gian). Tuy nhiên, nhiều HS cho biết khó khăn trong việc nghiên cứu. Nhiều GV cũng lúng túng khi hướng dẫn HS vì chưa có kinh nghiệm.
Qua 6 tuần dạy và học môn văn theo hướng mới, nhiều GV đánh giá có phần quá sức với một bộ phận HS chưa tạo cho mình khả năng tự học. Theo các GV, những HS này học chương trình cũ qua 9 năm, khác lộ trình, mục tiêu, định hướng cũng như chưa quen với yêu cầu mới, cách dạy, đánh giá theo chương trình mới.
Riêng về việc sử dụng văn bản ngoài sách giáo khoa vào trong đề kiểm tra, ông Trương Minh Đức cho rằng điều này giúp HS có kỹ năng để phân tích một tác phẩm hoàn toàn mới. Nhưng văn học có khó là văn chương không theo một công thức chuẩn. Nó không phải là toán học, áp dụng công thức vào là được. Mỗi nhà văn, mỗi nhà thơ có hướng đi riêng. Văn chương còn là cái tôi của người nghệ sĩ, do đó GV chọn văn bản để ra đề kiểm tra HS cũng là một vấn đề.
Theo ông Đức, việc làm này đòi hỏi GV phải nâng cao trình độ, nắm chương trình nếu không sẽ bị lệch, đánh giá HS không chính xác.
Cũng theo ông Đức, với những thay đổi về việc học, việc biên soạn đề kiểm tra môn ngữ văn theo chương trình mới, nếu trong phạm vi nhỏ thì không sao nhưng với phạm vi rộng, có tính quốc gia cần có những lưu tâm. Chẳng hạn đề thi phụ thuộc vào người ra đề, ví dụ với một tác phẩm đưa vào đề thi, có thể GV này đã đề cập nhưng GV khác thì chưa nên HS sẽ gặp khó khăn hơn. Vì vậy, với HS lớp 10 năm nay, sau 3 năm nữa khi các em thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT cần tính toán về việc biên soạn đề thi chung cho HS trên toàn quốc.
Khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung
Ngày 21.7.2022, Bộ GD-ĐT đã ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH về việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Theo đó, với môn ngữ văn, công văn yêu cầu trong đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra và viết để đánh giá chính xác năng lực HS, khắc phục tình trạng HS chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn. Trong công văn, Bộ còn khuyến khích ra dạng đề mở để phát huy tính tích cực học tập của HS.
Ngày 22.8.2022, Bộ GD-ĐT tiếp tục ban hành Công văn số 4020/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023. Công văn này có sự giới hạn cụ thể yêu cầu của Công văn 3175 nói trên. Theo Công văn 4020, đối với môn ngữ văn, thực hiện kiểm tra đánh giá theo Công văn 3175 đối với khối lớp 6, 7 và 10; khuyến khích các trường vận dụng kiểm tra, đối với các khối lớp 8, 9, 11, và 12.
Bình luận (0)