Trên chuyên trang chăm sóc sức khỏe WebMD, tiến sĩ, bác sĩ Minesh Khatri (đang giảng dạy tại Trường Y khoa NYU Long Island, Mỹ) chỉ ra rằng ngoài thận và các tạng khác của đường tiết niệu, thì dưới đây là nơi sỏi dễ hình thành nhất trong cơ thể mà chúng ta thường không ngờ tới.
Cổ họng
Thức ăn, xác vi khuẩn hoặc các mảnh vụn khác có thể bị kẹt lại ở cục amidan (hai mô phía sau cổ họng giúp lọc vi trùng), cứng lại dần hình thành sỏi. Nó được gọi là "sỏi amidan".
Loại sỏi này có thể khiến bạn bị đau họng, hơi thở có mùi hôi và sưng amidan. Nếu thấy dấu hiệu bất thường như trên, hãy nhanh chóng đi bác sĩ khám.
Miệng
Ngoài cổ họng, sỏi cũng có thể xuất hiện ở các nơi khác trong khoang miệng. Chúng có thể chặn các ống dẫn nước bọt, gây đau và sưng.
Thông thường, các loại sỏi tuyến nước bọt không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, bạn nên gặp bác sĩ để loại bỏ nó sớm nhằm tránh gây khó chịu.
Mũi
Sỏi có thể hình thành từ một mảng bụi nhỏ kẹt trong mũi của chúng ta. Qua thời gian, nó sẽ trở thành nơi tích tụ thêm các khoáng chất như canxi, magie hay sắt rồi trở nên to và cứng hơn.
Cuối cùng, khi bạn đã bắt đầu cảm nhận được cơn đau, mũi bị nghẹt và chất nhầy chỉ còn chảy ra ngoài thông qua một bên mũi thì lúc này viên sỏi đã bắt đầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến mũi. Bạn nên gặp bác sĩ để được điều trị sớm.
Tĩnh mạch
Khi tĩnh mạch phát triển không bình thường, chúng có thể gây ra các vết thương, vết sưng. Sỏi tĩnh mạch có thể hình thành do quá trình bơm máu qua khu vực này chậm hơn bình thường, khiến một số khoáng chất tích tụ ở khu vực đó và cuối cùng đông cứng lại thành sỏi.
Lúc này, bạn có thể bị đau và đổi màu da, đặc biệt là vùng da quanh miệng, môi, má, đầu và cổ. Nên sớm gặp bác sĩ để được điều trị nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường trên.
Bình luận (0)