Đẩy mạnh chiến lược vắc xin

16/06/2021 06:29 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng một trong các giải pháp trọng tâm là kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”. Trong đó, mấu chốt chính là thực hiện chiến lược vắc xin để đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Kiên trì “mục tiêu kép”, đẩy nhanh chiến lược vắc xin, giải ngân vốn đầu tư công và giải quyết khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được coi là giải pháp cơ bản cho KT-XH 6 tháng cuối năm 2021.
Sáng 15.6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) tiếp tục phiên họp 57 để cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2021.

Sáng 16.6: Thêm 92 ca Covid-19, TP.HCM có 20 bệnh nhân

Kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”

Sau khi trình bày kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, đại diện Chính phủ là Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế trong nước những tháng cuối năm còn nhiều yếu tố rủi ro. Việc kiểm soát thành công dịch Covid-19 là nhân tố quan trọng, có vai trò quyết định tới ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế.
Thúc đẩy chiến lược vắc xin là mấu chốt trong thực hiện “mục tiêu kép” Ảnh: Ngọc Dương

Thúc đẩy chiến lược vắc xin là mấu chốt trong thực hiện “mục tiêu kép”

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Từ đó, giải pháp trọng tâm của Chính phủ trong 6 tháng cuối năm là tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, thông qua đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; điều chỉnh giải pháp thu hút FDI phù hợp, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác...
Tại phiên họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách 6 tháng đầu năm có “nhiều điểm sáng”. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong 6 tháng tới. Đặc biệt là tình hình dịch bệnh và chiến lược vắc xin tại Việt Nam gặp nhiều thách thức, “có thể lỗi nhịp”. Chủ tịch QH đánh giá lỗi nhịp nhiều hay ít phụ thuộc vào chúng ta và chúng ta “phải chạy đua thời gian thì mới khắc phục được rủi ro này”. “Việc này tác động đến cả hai thứ, cả mục tiêu phòng, chống dịch và mục tiêu tăng trưởng”, ông nhận định.
Chủ tịch QH cho rằng một trong các giải pháp trọng tâm là kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”. Trong đó, mấu chốt chính là thực hiện chiến lược vắc xin để đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng. “Kết luận 07 của Bộ Chính trị mới đây đã yêu cầu phải xây dựng và công khai lộ trình tiêm vắc xin cho người dân biết. Cụ thể đến hết tháng 6 được bao nhiêu, tháng 7, tháng 8 được bao nhiêu, hết quý 3/2021 là bao nhiêu và đến cuối năm được bao nhiêu. Bao giờ đạt được mục tiêu cộng đồng. Đề nghị các đồng chí bám sát kết luận này”, Chủ tịch QH nêu.

Bản tin Covid-19 ngày 15.6: Nỗi lo mới từ điểm nóng dịch bệnh

Thúc đẩy đầu tư công

Quan tâm tới vấn đề đầu tư công, Phó chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định cho rằng trong những tháng cuối năm phải tập trung thúc đẩy đầu tư công. Theo đó, hơn 460.000 tỉ đồng đầu tư công hiện nay mới giải ngân được hơn 100.000 tỉ đồng, tức là hơn 22%, theo báo cáo là thấp hơn cùng kỳ năm 2020. “Giải ngân được hơn 460.000 tỉ này thì sẽ thúc đẩy tăng trưởng”, ông Định nhấn mạnh.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công sẽ tạo động lực mới cho 6 tháng cuối năm. Đặc biệt nhấn mạnh đến các công trình trọng điểm, có tính chất lan tỏa như đường cao tốc Bắc - Nam và sân bay Long Thành, bà Thanh cho rằng việc thực hiện chậm, chưa tạo được sức bật và sự lan tỏa của 2 dự án này. “Đề nghị trong thời gian tới cần phải tập trung cao độ cho việc giải ngân và thực hiện 2 dự án này để tạo sức bật cho động lực mới của 6 tháng cuối năm cũng như năm 2022”, bà Thanh nêu.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 23%

Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết tốc độ tăng trưởng GDP quý 1 và dự báo 6 tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu theo kịch bản đề ra. Xuất nhập khẩu còn phụ thuộc vào một số ít thị trường, tỷ trọng xuất khẩu khu vực FDI còn cao (74,8%). Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách T.Ư 5 tháng đầu năm còn chậm, đạt 22,12% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (25,98%), trong đó vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 2,97%. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 14 tỉ USD, nhưng số dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần giảm trên 50% cho thấy tín hiệu còn nhiều khó khăn, sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu suy giảm. “Số DN rút lui khỏi thị trường tăng 23%. Đáng chú ý, số lượng các DN quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng cao, phản ánh sức chống chịu của các DN đã suy giảm bởi dịch bệnh”, ông Dũng nói.
Tổng thư ký QH Bùi Văn Cường cũng nhận định trong bối cảnh dịch bệnh thì yêu cầu chi tiêu của doanh nghiệp (DN) và người dân đều giảm, nhà nước phải đóng vai trò đẩy mạnh chi tiêu, đặc biệt là đầu tư công. Từ đó, ông Cường nhất trí với ý kiến của Ủy ban Kinh tế trong báo cáo thẩm tra, đề nghị Chính phủ làm rõ vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, đồng thời đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn tại các dự án đầu tư công lớn. “Nếu tình trạng giải ngân vốn đầu tư công cứ tiếp tục chậm, các dự án đầu tư lớn, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm ách tắc như vừa qua thì nền kinh tế của chúng ta không thể tăng trưởng được”, ông Cường nhấn mạnh.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Đồng tình với các giải pháp do Chính phủ đưa ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ chủ động bố trí nguồn lực và thực hiện các giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền, bao gồm cả các giải pháp về tín dụng, tài chính - ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí... để tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. “Khẩn trương đề xuất, xây dựng, triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ DN, người lao động và người dân bị ảnh hưởng, trong đó cần làm rõ đối tượng, điều kiện được hỗ trợ, khả năng cân đối nguồn lực, bảo đảm tính khả thi, dễ tiếp cận hiệu quả, tiết kiệm”, ông Thanh nói. Ông Thanh cũng đề nghị tiếp tục tạo điều kiện cho DN, người dân vay vốn hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh; hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội huy động vốn, giải ngân kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tháo gỡ các vướng mắc về thể chế để hỗ trợ người dân, DN cũng là vấn đề Chủ tịch QH Vương Đình Huệ quan tâm. Ông nhấn mạnh cần phải đánh giá làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và “phải có số hẳn hoi chứ không đánh giá chung chung” trong những vấn đề đã có nghị quyết rồi nhưng vẫn không thực hiện như việc hỗ trợ Tổng công ty hàng không Vietnam Airlines hay tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng.

 Ý kiến

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư

ẢNH: TIÊU PHONG

Theo khảo sát của Phòng Thương mại - Công nghiệp VN, khó khăn lớn nhất của DN nói chung vẫn là thị trường, tiêu thụ sản phẩm, nguyên liệu đầu vào, lao động... Tuy nhiên, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ đưa ra về thuế, phí mới chỉ dừng lại ở việc gia hạn nộp. Do đó, trong 6 tháng cuối năm cần xem xét có thêm những biện pháp hỗ trợ DN về chi phí phòng chống dịch, xem xét miễn thuế giá trị gia tăng cho các vật tư phòng chống dịch. DN cần được hỗ trợ để giảm tối đa chi phí. Ngoài ra, có lẽ Thủ tướng Chính phủ cần chỉ thị tạm thời dừng ban hành các quy định có thể làm gia tăng chi phí cho DN; yêu cầu thực hiện nhanh việc rà soát các quy định gây khó cho DN, có giải pháp kịp thời.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI)

ẢNH: TIÊU PHONG

Tôi rất mong muốn đề nghị với QH sẽ có một nghị quyết đặc biệt giao quyền cho Chính phủ trong việc chủ động triển khai các biện pháp thực hiện "mục tiêu kép" trong bối cảnh dịch bệnh. Bởi vì, khi triển khai các giải pháp đặc biệt về phát triển kinh tế trong bối cảnh Covid-19 sẽ có những vấn đề có thể đụng đến các quy định pháp luật. Nếu kỳ họp tới, QH ra nghị quyết vượt ra khỏi khuôn khổ pháp luật thông thường thì như vậy có thể là một giải pháp để giúp Chính phủ ứng phó nhanh hơn với dịch bệnh và phát triển kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Ngô Văn Tuyển

ẢNH: CHÍ HIẾU

Việc đầu tiên nhà nước cần xác định nguồn lực hỗ trợ, và nguồn lực đó phải khả thi về pháp luật. Ví dụ, có thể yêu cầu 4 ngân hàng có vốn nhà nước xem xét miễn giảm lãi suất cho các DN, chứ không nói chung chung. Nếu không cứu DN thì DN phá sản, khi đó ngân hàng cũng mất tiền và các DN bị tổn thương trước là DN nhỏ, vì vậy cần ưu tiên các đối tượng này trước. Cùng với đó, cần có thêm các chính sách trực tiếp “hà hơi thổi ngạt” bởi sau một thời gian dài, hầu hết DN đã "ăn" vào hết phần dự trữ, đơn cử như Chính phủ có thể đề xuất thêm về việc giãn thời gian nộp thuế VAT đối với hàng nhập khẩu, bởi vì thực chất hiện nay hàng chưa bán được. Ngoài ra, nhà nước có thể kêu gọi khối dân sự hỗ trợ cho nhau. Tức là nhà nước có thể phát động, kêu gọi dân sự và các khu công nghiệp giảm tiền thuê mặt bằng khi DN và hộ kinh doanh đóng cửa nhiều.
Tiêu Phong - Chí Hiếu (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.