Đẩy mạnh phân quyền, tăng cường trách nhiệm

02/01/2024 04:16 GMT+7

"Đẩy mạnh phân cấp phân quyền, những gì địa phương có thể làm được, làm tốt thì để địa phương làm...", yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính có thể nói đã "điểm huyệt" nút thắt lớn nhất trong bộ máy hành chính cũng như thủ tục hành chính hiện nay.

Thủ tướng dẫn chứng, thủ tục phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng còn rất rườm rà. Chỉ 10 ha lúa, 20 ha rừng cũng phải trình lên đến Thủ tướng. Câu chuyện nghe vô lý nhưng đó là thực trạng mà nhiều dự án, nhiều doanh nghiệp (DN), nhiều địa phương gặp phải hiện nay. Còn nhớ hồi tháng 9.2023, lo ngại ảnh hưởng đến tiến độ cao tốc Bắc - Nam, tỉnh Bình Định kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho điều chỉnh, bổ sung diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ trở lên để thực hiện cao tốc Bắc - Nam, trong đó diện tích đất rừng phòng hộ tăng chỉ... 5,6 ha. Mà để thực hiện việc này phải qua quy trình nhiều bước, mất rất nhiều thời gian, trong khi cao tốc là công trình trọng điểm, cấp bách trong bối cảnh kinh tế cần cú hích hạ tầng để phục hồi sau đại dịch và khủng hoảng kinh tế trên toàn cầu kéo dài mấy năm nay. Đó chỉ là một dự án. Đặt trường hợp 10, 100, thậm chí cả ngàn dự án bị ách lại vì đợi trình, ký... thì cơ hội và nguồn lực bị lãng phí là không thể đong đếm, từ đó dẫn đến cản trở sự phát triển của đất nước.

Ngoài sự bất cập của cơ chế, chính sách, còn một thực tế khác tồn tại là căn bệnh sợ ký, sợ trách nhiệm đã được đặt ra và thảo luận rất nhiều lần lâu nay. Nhưng cũng phải nói thẳng, tới thời điểm này, căn bệnh có nguy cơ trở thành mãn tính. Chuyện một cửa khổ hơn nhiều cửa vì cửa này "đá" sang cửa kia vẫn được DN phản ánh trong các cuộc họp với chính quyền; có địa phương một năm gửi 500 - 600 công văn hỏi, xin ý kiến, trong đó rất nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của chính mình; có những sở, ngành ngâm hồ sơ không lý do, không hồi đáp; các cuộc tháo gỡ đình đám, "điểm danh" hàng trăm dự án cụ thể nhưng cả năm số lượng thực sự được giải phóng thủ tục chỉ đếm trên đầu ngón tay mà chủ yếu là trên danh nghĩa...

Dẫn ra để thấy, việc rút gọn thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính công chỉ thực sự khi đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; khi cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chứ cái gì cũng "đẩy" ra trung ương, cũng xin ý kiến cấp trên, cũng trình Thủ tướng, Quốc hội... không chỉ làm chậm tốc độ của nền kinh tế mà còn cho thấy năng lực, sự tự chủ của bộ máy phía dưới là đáng báo động. Trong thời đại số, thời đại công nghệ ngày nay, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt về cường độ, tốc độ thẩm định, phê duyệt dự án. Chỉ một sự chậm trễ có thể khiến nhà đầu tư bỏ qua nước khác; chỉ một người trì trệ có thể ảnh hưởng đến môi trường của cả một địa phương; chỉ một cửa ách tắc là dừng cả một quy trình. Vì thế, không thể rút ngắn thủ tục nếu tư duy, cách làm của bộ máy hành chính công không thực sự thay đổi.

Đây không phải lần đầu Thủ tướng Chính phủ mong muốn, yêu cầu sự chủ động của người dân, DN, chính quyền. Chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023, Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh quan điểm những gì luật không cấm thì để người dân, DN làm, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung. Thủ tướng nêu rõ 3 ưu tiên rà soát trong công tác cải cách hành chính hiện nay, gồm: rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; rà soát những thủ tục mà người dân, DN cần; rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức để có biện pháp xử lý phù hợp.

Có vẻ như chúng ta mới chỉ tập trung rà soát văn bản mà chưa thực sự rà soát đội ngũ cán bộ công chức nên chủ trương phân cấp, phân quyền, công cuộc cải cách môi trường đầu tư vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.