Sau gần 4 năm triển khai, toàn tỉnh hiện nay có 45 sản phẩm của 31 chủ thể được UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận đạt 3 sao trở lên (trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao là rong nho OKINAWA của Công ty cổ phần rong biển DT Khánh Hòa - DTGROUP và dưa lưới Ô xanh của Công ty TNHH Nông nghiệp Diệp Châu). Thông qua xếp hạng OCOP, các sản phẩm đã có bước tiến về chất lượng, mẫu mã bao bì ngày càng bắt mắt, đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân khu vực nông thôn và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Các chuyên gia nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản bền vững từ Hà Lan tham quan, tìm hiểu sản phẩm rong nho OKINAWA của DTGROUP |
Ảnh: Ngọc Phúc |
Ông Huỳnh Quang Thành, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn - Sở NN-PTNT Khánh Hòa, cho biết quá trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được thực hiện nghiêm túc, theo đúng các tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21.8.2019 và Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 8.6.2020 của Thủ tướng Chính phủ. Phải nói rằng, chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, làng nghề gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm; từng bước góp phần thay đổi nhận thức, tư duy của các chủ thể tham gia. Hầu hết, các sản phẩm sau khi được xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; trong đó nổi bật là các sản phẩm về rong nho, sầu riêng, mía tím, bưởi da xanh, nấm linh chi đỏ, xoài úc, gạo, yến sào, chả cá…
Tổ Tư vấn giúp việc Hội đồng OCOP tỉnh Khánh Hòa đang kiểm tra, đánh giá, thẩm định sản phẩm OCOP năm 2022 |
Giai đoạn 2019-2022, bên cạnh vốn đầu tư của các chủ thể, tỉnh Khánh Hòa cũng đã cấp hơn 20 tỉ đồng cho các đơn vị, địa phương để tổ chức triển khai thực hiện chương trình. Các sản phẩm sau khi được công nhận luôn có doanh thu và lợi nhuận cao hơn so với trước khi tham gia chương trình.
Ông Nguyễn Quang Duy, Giám đốc DTGROUP - đơn vị sản xuất sản phẩm 4 sao rong nho OKINAWA, cho biết chương trình OCOP là một trong những cách làm hay, không những giúp địa phương nâng tầm, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm mà còn giúp cho doanh nghiệp hiểu thêm về cách tạo ra sản phẩm một cách nghiêm túc. Tham gia chương trình OCOP thực sự đã giúp công ty ngày càng hoàn thiện hơn về khâu sản xuất, mẫu mã bao bì và là động lực để công ty phát triển thêm nhiều sản phẩm mới. Cùng với sản phẩm yến sào DTNest đang được xét duyệt 4 sao, hiện công ty đang hoàn thiện các tiêu chí đánh giá sản phẩm rong nho OKINAWA để Bộ NN-PTNT chứng nhận đạt chuẩn 5 sao cấp quốc gia.
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa trao chứng nhận cho 2 đơn vị đạt OCOP 4 sao giai đoạn 2019-2021 |
“Khánh Hòa có rất nhiều sản vật thiên nhiên có giá trị như yến sào, rong nho, trầm hương,… nếu được sự hỗ trợ, quan tâm sát sao của các cơ quan nhà nước, cùng sự đầu tư bài bản, nghiêm túc của doanh nghiệp thì những sản phẩm đạt OCOP 5 sao hay những sản phẩm vươn tầm ra thế giới sẽ là không quá tầm đối với địa phương”, ông Nguyễn Quang Duy khẳng định.
Ông Lê Bá Ninh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa, cho biết theo kế hoạch đến năm 2025, toàn tỉnh Khánh Hòa có ít nhất 200 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên và 3 sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia. Chương trình OCOP đang được các địa phương, hộ kinh doanh, tổ chức sản xuất, doanh nghiệp ở nông thôn quan tâm và đăng ký nhiều hơn qua từng năm vì tính hiệu quả lan tỏa của nó.
Sầu riêng Khánh Sơn |
Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, do nhận thức của người dân về chương trình OCOP với nhiều thủ tục giấy tờ, nhiều sản phẩm OCOP chưa tạo thành hàng hóa tập trung, quy trình chăm sóc, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa đồng bộ, chất lượng mẫu mã một số sản phẩm chưa đồng đều, sản xuất theo mùa vụ… Đặc biệt, quá trình đánh giá có rất nhiều sản phẩm 3 sao đạt từ 50 đến dưới 60 điểm (3 sao non). Do vậy, các sản phẩm này cần phải tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện để đạt thứ hạng cao hơn.
Để khắc phục những khó khăn, xây dựng được thị trường tiêu thụ bền vững cho sản phẩm OCOP, theo ông Ninh, các địa phương cần đẩy mạnh số hóa, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử, thúc đẩy hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, tổ chức hội nghị đối tác OCOP, hình thành các mô hình nông nghiệp chủ lực của tỉnh như sầu riêng, bưởi, tỏi… qua đó, hỗ trợ một phần kinh phí để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư máy móc, trang thiết bị nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao như tinh dầu bưởi, trà hoa bưởi, xoài sấy, tỏi đen, tinh dầu tỏi… Ngoài ra, để sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng, thời gian tới OCOP Khánh Hòa cần có địa điểm trưng bày, kinh doanh sản phẩm ở vị trí thích hợp và đa dạng sản phẩm trong đó cần phát triển thêm hướng OCOP du lịch nông thôn.
Bình luận (0)