Tương tự "gói hỗ trợ Covid-19" các đợt trước, chính sách hỗ trợ tiền nhà cho người lao động đang ở thuê, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm theo Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội (Quyết định 08 của Chính phủ triển khai) vấp nhiều bất cập khi thực thi.
Kể từ lúc ban hành (đầu năm 2022) đến nay cũng đã gần 1 năm rưỡi, TP.HCM - thị trường lao động lớn nhất nước - vẫn còn loay hoay với những cái khó khi triển khai chính sách này. Báo cáo của UBND TP.HCM mới đây cho thấy TP.HCM đã giải ngân 973 tỉ đồng trong tổng số 1.244 tỉ đồng được bố trí từ nguồn ngân sách T.Ư (đạt 78%), hỗ trợ 855.921/1,2 triệu người lao động (NLĐ).
Trong suốt thời gian đó, doanh nghiệp (DN) và NLĐ đi từ trạng thái trầy trật làm hồ sơ, vui mừng khi tiền hỗ trợ tháng đầu tiên về tài khoản cho đến chờ đợi, lo lắng. Đến nay, vẫn còn nhiều NLĐ chưa nhận được đủ số tiền. Dù khoản hỗ trợ cho mỗi cá nhân là không nhiều (từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng/người tùy diện, tối đa 3 tháng), song những gói an sinh khẩn cấp giúp giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng.
Ngoài những nguyên nhân về quy định thời gian cho quy trình tiếp nhận thì lý do dẫn đến "độ trễ" chính sách xuất phát chủ yếu từ sự hợp tác chưa hiệu quả của cơ quan chức năng với DN. Nhưng có một điểm rất đáng chú ý: công tác quyết toán. TP.HCM nói rằng nhiều DN chưa quyết toán kinh phí đã chi cho NLĐ nên TP không thể quyết toán được với Kho bạc Nhà nước. Điều này có nghĩa nhiều khoản tiền NLĐ đáng lý thụ hưởng vẫn còn nằm trong tài khoản của DN. Trong khi đó, chưa có chế tài các DN không chuyển tiền hỗ trợ cho NLĐ cũng như không thực hiện thanh quyết toán theo đúng quy định.
Trong một báo cáo vào tháng 6.2023, TP.HCM cho biết còn hơn 2.500 đơn vị (danh sách hỗ trợ gần 19.500 NLĐ) với kinh phí hơn 21,8 tỉ đồng vẫn chưa gửi hồ sơ quyết toán. Nhiều DN không tìm thấy tại địa chỉ đăng ký hoạt động hoặc đã giải thể. UBND TP.HCM đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có hướng dẫn cụ thể để thống nhất thực hiện trong cả nước về thanh quyết toán của DN sau khi đã hoàn tất chi trả.
Đến nay, chưa có hướng dẫn nào được công khai. Việc thực hiện chưa "tròn" khiến chính sách mất nhiều ý nghĩa về tác động xã hội. Thị trường lao động đang chứng kiến những thăng trầm khó đoán, các chính sách về việc làm, BHXH, tiền lương… chưa bao giờ được thảo luận sôi nổi và sát sườn đến vậy. Hiện nay, đời sống của hàng triệu công nhân, NLĐ còn rất khó khăn, nỗi đắn đo của họ là hằng ngày ra chợ, tần ngần trước cọng rau, con cá chênh nhau vài ngàn đồng. Việc thực thi chính sách hiệu quả nhất định phải bao gồm đánh giá liên tục, cải tiến và xử lý nhanh các vấn đề phát sinh.
Bình luận (0)