Đẩy nhanh quá trình xanh hóa nền kinh tế

03/11/2024 09:14 GMT+7

"Nhãn xanh" trên sản phẩm hàng hóa sẽ không chỉ là yêu cầu của thị trường mà việc sản xuất ra các sản phẩm này cũng giúp tiết kiệm chi phí thông qua việc tối ưu hóa tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Sản xuất xanh, hướng tới trung hòa carbon (net zero) là mục tiêu chung của cả hành tinh mà ở đó Việt Nam cam kết sẽ về đích vào năm 2050.

Đẩy nhanh quá trình xanh hóa nền kinh tế- Ảnh 1.

Lễ khởi công nhà máy thứ 6 và là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới của Tập đoàn Lego. Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp xanh hiện đại để thu hút “đại bàng” về xây tổ

ẢNH: VGP/HẢI MINH

Trái đất ngày càng nóng, sản xuất phải xanh hơn

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết: Ngày 22.7.2024, trái đất ghi nhận mức nhiệt độ trung bình ngày toàn cầu cao chưa từng thấy trong lịch sử: 17,16 độ C. Ngày liền kề sau đó mức nhiệt là 17,15 độ C, và ngày trước đó nhiệt độ cũng ở mức kỷ lục là 17,09 độ C. Cả 3 ngày liên tiếp đều cao hơn so với kỷ lục cũ 17,08 độ C, được ghi nhận vào ngày 6.7.2023.

Hiện tượng này tương ứng với nhận định của Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), tháng 7.2024 là tháng 7 ấm nhất từng được ghi nhận trên toàn cầu trong chuỗi số liệu kéo dài suốt 175 năm của tổ chức này. Cụ thể, tháng 7 năm nay ấm hơn 0,03 độ C so với tháng 7.2023 và ấm hơn khoảng 1,7 độ C so với mức bình quân chung của tháng 7 nhiều năm qua. Tháng 7.2024 cũng là tháng thứ 14 liên tiếp có nhiệt độ toàn cầu cao kỷ lục. Nhiều nơi ở hàng chục quốc gia trên thế giới ghi nhận mức nhiệt lên tới 50 độ C.

Những con số trên cho thấy trái đất đang ấm lên nhanh chóng và tác động tiêu cực đến môi trường, sức khỏe cũng như kinh tế toàn cầu. Vì thế, bà Celeste Saulo, Tổng thư ký WMO, nhấn mạnh: Chỉ thích ứng với khí hậu thôi là chưa đủ. Chúng ta cần giải quyết nguyên nhân gốc rễ và nghiêm túc giảm mức phát thải khí nhà kính vẫn ở mức cao kỷ lục.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế nhằm giải quyết tình trạng nhiệt độ cực đoan, hạn chế nhiệt độ tăng ở mức 1,5 độ C bằng cách loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và tăng quy mô đầu tư vào năng lượng tái tạo, thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, tuần hoàn.

Để đối phó tình trạng này, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã bắt tay vào công cuộc xanh hóa nền kinh tế từ sản xuất đến tiêu dùng.

Đẩy nhanh quá trình xanh hóa nền kinh tế- Ảnh 2.

Kho thành phẩm

Theo GS-TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (Đại học Kinh tế TP.HCM): TP.Kawasaki (Nhật Bản), vốn là khu công nghiệp nặng gây ô nhiễm, đã và đang nỗ lực để thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 bằng cách chuyển sang năng lượng tái tạo và tái chế chất thải công nghiệp. Vương quốc Anh thúc đẩy phát triển khu công nghiệp xanh bằng việc tích hợp công nghệ IoT (internet vạn vật) để quản lý năng lượng và nước, giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên. Hàn Quốc đang đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn thông qua việc xây dựng hệ thống tái chế và chuyển đổi năng lượng từ chất thải, giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện chất lượng môi trường sống.

Các thương hiệu toàn cầu cũng tích cực hướng tới sản phẩm xanh. Samsung vào tháng 2.2023 ra mắt dòng điện thoại thông minh Galaxy S có trên 10 linh kiện sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường đặc biệt là nhựa và nhôm tái chế. Samsung cũng có kế hoạch sử dụng vật liệu tái chế trong tất cả điện thoại thông minh Galaxy mới và chấm dứt sử dụng nhựa trong đóng gói vào năm 2025. Mục tiêu sử dụng 100% nhựa tái chế trong tất cả sản phẩm điện thoại của hãng vào năm 2050.

Gã khổng lồ Apple còn đi xa hơn khi tung ra các mẫu đồng hồ (Apple Watch) trung hòa carbon vào tháng 9.2023. Những mẫu đồng hồ được dán "nhãn xanh" - tạo ra lượng phát thải thấp. Quá trình sản xuất, Apple sử dụng 100% nguồn năng lượng tái tạo, bên cạnh đó 30% trọng lượng sản phẩm cũng được sử dụng vật liệu tái tạo và 50% quá trình vận chuyển không sử dụng vận tải hàng không. Để đảm bảo người dùng sạc thiết bị bằng năng lượng sạch, Apple đầu tư vào các dự án điện mặt trời và gió quy mô lớn trên thế giới. Nhờ đó, công ty và đối tác tạo ra khoảng 15 GW điện sạch, tương đương lượng tiêu thụ của hơn 5 triệu hộ gia đình tại Mỹ. Ngoài ra, Apple cũng mua các tín chỉ carbon chất lượng cao từ những dự án phục hồi đồng cỏ, đất ngập nước và rừng rậm để hoàn thành mục tiêu trung hòa carbon.

Các nước vào cuộc quyết liệt

PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn - ICED (Đại học Quốc gia TP.HCM), nhận định: Chúng ta đang ở trong nền kinh tế tuyến tính với mô hình "khai thác - sản xuất - tiêu dùng - thải bỏ". Tuy nhiên, hiện tại cũng đang là giai đoạn khởi đầu của nền kinh tế tuần hoàn với cách tiếp cận mới, nhiều ưu điểm hơn so với mô hình truyền thống như giảm thiểu nguồn đầu vào, kéo dài thời gian sử dụng bằng cách tái chế, tái sử dụng và tận dụng sản phẩm và phụ phẩm. Nhờ vậy, góp phần sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn và hạn chế phát thải các chất độc hại ra môi trường. Nhiều nước cũng thể hiện sự quyết liệt đẩy nhanh quá trình này.

Đẩy nhanh quá trình xanh hóa nền kinh tế- Ảnh 3.

Nhựa tái chế Duy Tân, một doanh nghiệp thuần Việt nỗ lực tham gia vào quá trình “xanh hóa” nền kinh tế

ẢNH: D.T

Trong một nghiên cứu về mô hình kinh tế tuần hoàn của TS Nguyễn Hồng Quân và các cộng sự ở Đức, nơi có nền công nghiệp tuần hoàn lớn thế giới, cho thấy chiến lược của nước này tập trung vào 4 lĩnh vực chính: sản xuất bền vững, tiêu dùng bền vững, giảm thiểu và tái chế chất thải, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Để thực hiện chiến lược của mình, Đức xây dựng các chính sách hợp tác liên ngành thông qua "Nền tảng quốc gia về kinh tế tuần hoàn" được thành lập vào năm 2018. Nền tảng này tập hợp các đại diện từ chính phủ, ngành công nghiệp, học viện và các bên liên quan dựng các chiến lược thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và xác định các rào cản đối với việc thực hiện để từ đó tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Đơn cử, Thỏa thuận Nhựa (Plastics Pact) đưa ra năm 2019 tập hợp các đại diện từ khắp chuỗi giá trị nhựa, bao gồm các nhà sản xuất, nhà bán lẻ và công ty quản lý chất thải, để phát triển tầm nhìn chung cho nền kinh tế nhựa tuần hoàn. Thỏa thuận này ra một loạt các mục tiêu và biện pháp nhằm giảm thiểu chất thải nhựa và tăng cường sử dụng nhựa tái chế, thu hút hơn 100 bên ký kết. Những lĩnh vực khác cũng có những sáng kiến hợp tác giữa các bên có liên quan.

Hay Trung Quốc, sau nửa thế kỷ phát triển mạnh mẽ theo chiều rộng, bên cạnh những thành tựu là nhiều vấn đề nhức nhối về tình trạng ô nhiễm môi trường, suy giảm tài nguyên, buộc nước này phải chuyển hướng sang xanh hóa. TP.Thẩm Dương và Đại Liên đang tiến hành quy hoạch lại các nhà máy sản xuất cũ gây ô nhiễm thành các quảng trường, khu vui chơi. Hệ thống hạ tầng giao thông được bố trí thêm cây xanh và trồng thêm hoa vào dải phân cách, nước thải cũng được thu gom. Đặc biệt, các khu công nghiệp mới có sự lựa chọn và thay đổi kết cấu ngành nghề so với trước đây. Bên cạnh những lĩnh vực ngành nghề được khuyến khích thì các lĩnh vực còn lại phải là các dự án áp dụng trình độ kỹ thuật, công nghệ cao theo hướng thân thiện môi trường nhằm hướng đến một nền kinh tế phát thải thấp.

Tại Thái Lan, Chính phủ đã công bố một đề xuất về mô hình BCG (sinh học - tuần hoàn - xanh), tập trung vào một số ngành chính: nông nghiệp và thực phẩm; năng lượng sinh học, vật liệu sinh học và hóa sinh; y tế và sức khỏe; du lịch và kinh tế sáng tạo. Nhóm ngành này hiện có giá trị kinh tế là 3,4 nghìn tỉ baht (21% GDP). Theo tính toán, nếu ứng dụng mô hình BCG có thể tăng giá trị kinh tế lên 4,4 nghìn tỉ baht (24% GDP) trong 5 năm tới. Trên quy mô toàn cầu, các nhà kinh tế học ước tính kinh tế tuần hoàn sẽ đem lại 4,5 nghìn tỉ USD cho toàn cầu vào năm 2030, tạo ra tác động trực tiếp tới hơn 11 trong tổng số 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.

Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình xanh hóa nền kinh tế

PGS-TS Nguyễn Hồng Quân nhận định: "Chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu và là cơ hội đối với nền kinh tế Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích về nâng cao hiệu quả sản xuất và chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra những kênh sản phẩm và việc làm mới, cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngoài ra việc áp dụng kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần thúc đẩy kinh doanh bền vững, giảm dần các ngành công nghiệp gây ô nhiễm và đảm bảo việc phục hồi kinh tế xanh trong tương lai".

Dấu ấn trong thu hút đầu tư xanh của Việt Nam trong thời gian gần đây phải kể đến trường hợp Tập đoàn Lego của Đan Mạch đầu tư nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em rộng 44 ha tại Khu công nghiệp VSIP III (Bình Dương), với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD. Đây là nhà máy thứ 6 của Lego trên thế giới và thứ 2 ở châu Á. Khu công nghiệp này áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường như xử lý nước thải tiên tiến, sử dụng điện tái tạo và tiết kiệm năng lượng, đầu tư vào hệ thống lọc khí thải hiện đại để giảm thiểu ô nhiễm.

Thực tế, từ năm 2015, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã hợp tác cùng Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) để tổ chức thí điểm hỗ trợ chuyển đổi các khu công nghiệp hiện có sang khu công nghiệp sinh thái. Ở giai đoạn đầu từ năm 2015 - 2019, triển khai thí điểm ở 3 khu công nghiệp tại Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ; giai đoạn 2 từ 2020 - 2024 tại Hiệp Phước (TP.HCM), Amata (Đồng Nai) và Đình Vũ (Hải Phòng). Dự án đã nghiên cứu đề xuất các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) góp phần tiết kiệm 69,2 tỉ đồng/năm tương đương 2,9 triệu USD thông qua việc giảm tiêu thụ năng lượng, tài nguyên và vật liệu, giảm 8.910 tấn khí CO2/năm.

Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) Lê Thành Quân đánh giá: Mặc dù có việc chuyển đổi từ mô hình khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp sinh thái mang lại hiệu quả bền vững về nhiều mặt, tuy nhiên nó không hề dễ dàng. Vẫn còn rất nhiều việc cần làm như yêu cầu phải tiếp tục đồng bộ, hoàn thiện khung pháp lý còn đòi hỏi việc thay đổi tư duy, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực rất lớn của nhà nước và doanh nghiệp.

TS Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh: Đối với TP.HCM, giai đoạn hiện tại là thời điểm rất phù hợp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền công nghiệp từ truyền thống sang xanh và tuần hoàn. Bởi TP có một số khu công nghiệp sắp hết thời gian hoạt động nên đây là cơ hội tốt để chúng ta thúc đẩy quá trình chuyển đổi cho một chu kỳ mới theo hướng xanh hơn. Với nhóm đối tượng này, chính quyền cần nghiên cứu các giải pháp vốn, công nghệ để hỗ trợ họ chuyển đổi. Bên cạnh đó, nhóm những khu công nghiệp đầu tư mới sẽ xây dựng các tiêu chuẩn xanh, sinh thái ngay từ đầu, hướng tới nhóm đối tượng là các khách hàng sử dụng công nghệ cao, hiện đại, phát thải thấp. Đây là đối tượng các doanh nghiệp và ngành nghề thường đi theo cả hệ sinh thái. Chính vì vậy, chúng ta cũng cần chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng phù hợp với nhu cầu của họ.

"Điều quan trọng nhất với nền kinh tế xanh trong thu hút đầu tư không chỉ là chính sách, cơ sở hạ tầng mà còn là nguồn nhân lực. Xây dựng và phát triển một nền kinh tế xanh hướng tới net zero là vấn đề thật sự khó khăn và phức tạp, nó cần rất nhiều nguồn lực khác nhau cũng như sự hợp tác giữa các bên có liên quan", TS Quân nói.

Nhân rộng các mô hình thí điểm

Nghị định 35 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế đã nêu rõ mục tiêu của các chính sách nhằm khuyến khích phát triển các khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam. Tuy nhiên, khu công nghiệp sinh thái dù đã được thí điểm tại Việt Nam từ những năm 2015 - 2020, tới nay mới chỉ có 6 khu công nghiệp sinh thái (so với tổng số 335 khu công nghiệp trên cả nước). Việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần đóng góp quá trình phát triển, chuyển đổi các khu công nghiệp sinh thái, cộng sinh công nghiệp ở Việt Nam. Quá trình này cần có những quy hoạch, chính sách, giải pháp kỹ thuật, tài chính… và quyết liệt thực hiện trong thời gian tới để vượt qua các rào cản, thách thức.

PGS-TS Nguyễn Hồng Quân (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn - ICED, Đại học Quốc gia TP.HCM)

Chìa khóa thúc đẩy chuyển đổi xanh

Quy hoạch và phát triển hạ tầng: Tích hợp không gian xanh, hệ thống xử lý nước và chất thải bền vững vào thiết kế khu công nghiệp để giảm thiểu tác động môi trường. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió giúp cung cấp năng lượng sạch và ổn định.

Xây dựng hệ sinh thái công nghiệp: Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, nơi doanh nghiệp tái sử dụng phế liệu của nhau, tối ưu hóa tài nguyên. Thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp để chia sẻ công nghệ và năng lượng, giảm chi phí và giảm tác động môi trường.

Chuyển đổi số và tích hợp công nghệ thông minh: Áp dụng IoT và Big Data để giám sát và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, nước, khí thải, giảm lãng phí và tăng hiệu suất. Quản lý thông minh tự động hóa quy trình sản xuất, cải thiện chất lượng và độ tin cậy.

Chính sách hỗ trợ và khuyến khích: Nhà nước cần đưa ra các chính sách thuế ưu đãi, trợ cấp cho các doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh. Áp dụng các chứng nhận quốc tế như ISO 14001 để nâng cao uy tín và mở rộng thị trường xuất khẩu.

GS-TS Võ Xuân Vinh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.