Như Thanh Niên nhiều lần đề cập, câu chuyện dạy thêm, học thêm một lần nữa thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc (BĐ) khi Bộ GD-ĐT mới đây ban hành Thông tư số 29 quy định về dạy thêm, học thêm, kế thừa và cải tiến các quy định quản lý dạy thêm, học thêm trước đây, sẽ có hiệu lực từ 14.2.2025.
Thông tư 29 tập trung vào hướng "quản chứ không cấm", đồng thời cho phép dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng giáo viên phải báo cáo hiệu trưởng và chỉ được dạy học sinh không thuộc lớp chính khóa của mình; tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền phải đăng ký kinh doanh…
Chia sẻ trên Thanh Niên để làm rõ hơn tinh thần của thông tư, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) đã khẳng định dạy thêm, học thêm là nhu cầu của cả người học lẫn người dạy. Bộ GD-ĐT không cấm dạy thêm nhưng tìm nguyên nhân để có phương án quản lý phù hợp, hiệu quả.
"Hạn chế 3 đối tượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm", ông Thành cho biết.
"Hy vọng lần này tốt hơn"
Nhận xét câu chuyện dạy thêm, học thêm bao năm qua vẫn "tốn nhiều giấy mực", đa số BĐ cho rằng chính sự thay đổi liên tục các quy định, nhưng "bất lực" trong khâu kiểm tra, quản lý việc thực hiện các quy định ấy, mới là chủ đề gây mệt mỏi cho giáo viên, phụ huynh lẫn học sinh. BĐ Nghĩa đưa ví dụ: "Trước đây thì yêu cầu dạy thêm chỉ được tổ chức ở trường học; rồi các lớp học thêm, dạy thêm đổi tên thành trung tâm bồi dưỡng văn hóa…".
Tán thành, BĐ Minh cũng cho rằng: "Quy định thì rất tốt, rất hay nhưng khi thực hiện thì không tốt nên kết quả cũng không tốt. Các quy định trước đây cũng có nhưng không ai thực hiện đúng nên việc học thêm trở thành một nỗi lo. Hy vọng lần này việc thực hiện tốt hơn, đừng để mọi thứ vẫn như cũ, văn bản chỉ có trên giấy còn thực tế thì không có gì thay đổi".
Tuy nhiên, BĐ Nguyễn Mạnh lại băn khoăn: "Tôi thấy đa số học sinh giỏi đều nhờ học những thầy cô giỏi bên ngoài dạy, em nào cũng nhờ học thêm mới giỏi. Vậy chúng ta cần hiểu dạy thêm, học thêm thế nào cho đúng nghĩa vì đó là nhu cầu thực của các em, của gia đình". Đặt câu hỏi ngược lại, BĐ Thuy nêu: "Học thêm ở ngoài mà giỏi thì chẳng lẽ thầy cô trên lớp không chịu dạy hay sao? Trong khi chương trình Bộ Giáo dục đưa ra dạy trên lớp khẳng định là đủ kiến thức".
Thay đổi cách tiếp cận
BĐ Tuấn An cho biết rất tán thành quan điểm quản lý rõ ràng "Dạy thêm, học thêm là do nhu cầu của cả người học lẫn người dạy". Đồng thời, BĐ này cho rằng các gia đình phải chạy theo các lớp học thêm không chỉ vì muốn "ép thành tích" cho con em mình mà còn "phụ thuộc vào quy định xét đầu ra, đầu vào bậc phổ thông, bậc đại học; áp lực thành tích của trường; chương trình khung đào tạo nặng nhẹ ra sao… Vai trò nằm ở chính sách giáo dục, điều phối của cơ quan quản lý, chứ không thể trách riêng giáo viên hay phụ huynh".
"Thay đổi cách tiếp cận trong cả cách quản lý cũng như cách xây dựng chương trình học thì mới đỡ lo chuyện dạy thêm, học thêm được. Đơn cử như mục tiêu giảm tải chương trình học, ngành giáo dục đang làm tốt đấy thôi, như thế sẽ tự nhiên loại bỏ những lớp học thêm chỉ vì kiếm điểm trên lớp", BĐ Trường Lưu nêu ý kiến.
Chương trình thì quá khó với học sinh đại trà, nếu không dạy thêm thì giáo viên không thể đảm bảo chất lượng. Gốc rễ vấn đề là ở chương trình giáo dục. Còn các thầy cô cứ dạy thêm trên lớp, thu tiền vừa phải phù hợp với gia đình thu nhập thấp là được.
Lê
Các trường bây giờ không sử dụng từ "dạy thêm", thay vào đó, họ sử dụng những từ ngữ như "lớp học thuật", "câu lạc bộ Văn, Toán, Anh"… Học sinh bắt buộc phải tham gia và phụ huynh cứ thế mà đóng thêm tiền.
Anh Tài Phạm
Nếu xác định làm thì phải làm rốt ráo. Con tôi mới tiểu học đang "buộc" phải học thêm đây.
Mr Zero
Bình luận (0)