Dạy thêm - học thêm... nói mãi

21/09/2017 06:48 GMT+7

Cũng giống như lạm thu đầu năm học, cứ đến hẹn lại lên là rộ chuyện dạy thêm - học thêm.

Bao nhiêu quy định đã ban hành, cơ quan quản lý giáo dục đến chính quyền địa phương đều tham gia các “chiến dịch” chấn chỉnh nhưng rồi vẫn không cấm được.
Có lẽ chưa một quy định nào của ngành giáo dục lại gây nhiều tranh cãi như cấm dạy thêm - học thêm và cũng khó có quy định nào dù cấm nhưng thực tế vẫn diễn ra mặc cho cơ quan quản lý các cấp “nỗ lực” hết sức.
Mới năm học trước, khi lãnh đạo TP.HCM có biện pháp mạnh dứt khoát cấm dạy thêm - học thêm trong trường học, thậm chí nhà trường không được cho các trung tâm bồi dưỡng văn hóa thuê mặt bằng... thì ngay lập tức đã gây xôn xao dư luận, dấy lên những tranh luận gay gắt. Ý kiến đồng tình nhiều nhưng phản đối cũng không ít, liên tiếp có các hội thảo để mổ xẻ vấn đề. Cuối cùng đâu cũng hoàn đấy, mọi việc vẫn như cũ.
Tại sao khó cấm dạy thêm - học thêm dù phụ huynh nào cũng ngán ngẩm cảnh đưa đón con đến các lớp học thêm khi con đã rã rời sau giờ học chính khóa? Mặc dù dư luận đều lên án dạy thêm - học thêm tiêu cực (giáo viên bằng mọi cách ép học sinh phải học thêm, kể cả cho điểm thấp) nhưng khi có chủ trương siết dạy thêm thì sao nhiều phụ huynh lại than? Vì sao dù có quy định cấm hẳn hoi nhưng giáo viên vẫn tìm cách “vượt rào” dạy thêm?...
Thực tế này cho thấy nếu không đi từ gốc thì không bao giờ giải quyết được vấn đề cho dù cấm đoán. Một chủ trương đề ra nếu không phù hợp với đời sống thực tiễn thì không thể nào thực hiện được.
Trước tiên phải hiểu được nguyên do khiến học sinh có nhu cầu học thêm và giáo viên mong muốn dạy thêm.
Một khi chương trình học còn nặng nề, mang tính sách vở, thiếu ứng dụng thực tiễn trong khi sĩ số lớp học đông, chất lượng giáo viên chưa đồng đều, đánh giá nặng về điểm số và áp lực các kỳ thi tuyển sinh vẫn căng thẳng thì học sinh bằng mọi cách phải học thêm mới đạt kết quả như mong muốn. Bằng chứng là dù Bộ GD-ĐT thay đổi kỹ thuật kỳ thi THPT quốc gia, các sở GD-ĐT đổi mới kỳ thi tuyển sinh lớp 10 hay xét tuyển vào lớp 6 theo hướng kiểm tra năng lực... nhằm tránh dạy thêm - học thêm thì điều này vẫn diễn ra nhưng ở trạng thái khác.
Một khi đời sống của giáo viên nhìn chung còn khó khăn, đạo đức của người thầy đâu đó vẫn còn là vấn đề thì sẽ không tránh được dạy thêm. Bằng chứng là Bộ GD-ĐT có cả một thông tư quy định cấm dạy thêm - học thêm nhưng nào có thực hiện được rốt ráo. Đó là chưa kể, những quy định này xem ra thiếu thực tiễn nên không thực hiện được hoặc giáo viên cũng tìm cách lách.
Để chủ trương không phải đề ra cho có vì tách rời khỏi thực tế cuộc sống cũng như không giải quyết đúng bản chất của vấn đề, lãnh đạo Bộ GD-ĐT nên nhìn nhận, đánh giá lại để có những quy định khả thi hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.