Từ thực tế này, đã đến lúc cần nhìn nhận lại gốc rễ của vấn đề dạy thêm, học thêm (DTHT).
THU NHẬP Ở TRƯỜNG LÀ PHỤ, THU NHẬP DẠY THÊM LÀ CHÍNH
Ngành GD-ĐT gây ồn ào khi nhắc lại một quy định vốn đã ban hành từ hơn chục năm trước, đó là: "Giáo viên (GV) đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh (HS) mình đang dạy chính khóa". Quy định cũ nhưng vẫn khiến người dân bàn tán như mới, bởi lẽ nó chưa đi vào cuộc sống từ lúc ban hành (năm 2012) cho đến nay.
Chưa hết, vài ngày gần đây dư luận lại xôn xao bởi thông tin một số báo đăng có GV ở Hà Nội mức lương sau 18 năm đi dạy ở trường công chỉ hơn 7,5 triệu đồng/tháng, nhưng thu nhập từ 4 lớp dạy thêm toán mỗi tháng lên tới 120 triệu đồng. Chưa rõ thực hư thông tin này ra sao, nhưng nhiều ý kiến cho rằng không thể phủ nhận thực tế thu nhập tại trường là phụ, thu nhập từ dạy thêm mới là chính của không ít GV ở Hà Nội, TP.HCM và các thành phố lớn khác.
Một phụ huynh có con học lớp 2 ở một trường tiểu học bình thường ở Q.Thanh Xuân (Hà Nội) cho hay, theo nhẩm tính của anh, thu nhập từ dạy thêm của GV con anh đang học chắc chắn lớn hơn nhiều so với lương dạy chính khóa. Từ lớp 1, cô giáo đã tổ chức dạy thêm cho hầu hết HS của lớp mình chủ nhiệm. Với lớp học hơn 50 HS, lớp dạy thêm của cô chia thành 2 ca vào sáng và chiều thứ bảy hằng tuần. Mỗi buổi học gần 30 HS, mỗi HS phải đóng 150.000 đồng/buổi và đóng theo tháng, không trừ tiền nếu HS nghỉ học vì lý do cá nhân.
"Tính sơ sơ mỗi tháng, riêng dạy thêm HS của lớp mình, cô đã thu nhập hơn 20 triệu đồng; ngoài ra cô còn tổ chức các lớp dạy "tiền lớp 1" và HS các lớp khác... So với tiền lương thì ai cũng sẽ hiểu vì sao không bao giờ hết tình trạng học thêm và không thể chấm dứt được tình trạng GV dạy thêm chính HS của mình", vị phụ huynh này nói.
CÓ HS TRẢ 1,5 TRIỆU ĐỒNG/BUỔI HỌC THÊM
Càng lên cấp học cao, theo kỳ vọng của gia đình về việc con đỗ vào trường chuyên, trường ĐH top đầu thì nhiều gia đình không tiếc tiền đầu tư cho con học thêm. Trên thực tế, GV của các trường THPT chuyên trên địa bàn Hà Nội không cần "ép" HS của mình đến lớp dạy thêm, vì bản thân tên tuổi của các trường mà họ đang dạy đã làm nên "thương hiệu" của GV khi phụ huynh chọn lớp dạy thêm cho con.
Một GV dạy ngữ văn khối THCS ở Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam lâu nay có thu nhập "không biết bao nhiêu mà kể", vì có rất nhiều lớp dạy thêm ngoài nhà trường. Điều đáng nói là cô không vi phạm quy định dạy thêm với HS chính khóa. Với lợi thế dạy cấp THCS, cô được phụ huynh có con học lớp 4, lớp 5 gửi gắm để luyện thi vào lớp 6, không chỉ của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam mà còn các trường tư thục danh tiếng, các trường chất lượng cao…
Ngoài ra, cô còn luyện thi cho HS đang học THCS để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10. Do vậy, dù lớp học vài ba chục HS/lớp và mức học phí "nhẹ nhàng" cũng là 300.000 đồng/HS/buổi nhưng lớp lúc nào cũng đông HS.
Chị M., phụ huynh có con học lớp 12 tại Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội), chia sẻ rằng để con chị thi vào ngành công nghệ thông tin của ĐH Bách khoa Hà Nội theo khối A1, với tình trạng "mất gốc" của con, gia đình đã tìm GV nổi tiếng luyện thi dạy 1 - 1 cho con với cam kết "đầu ra". Chi phí lên tới 1,5 triệu đồng/buổi trong khoảng 90 - 120 phút. Mỗi môn học 2 buổi/tuần, với 3 môn học, chi phí cho học thêm mỗi tháng của cậu con trai lên tới hơn 30 triệu đồng.
KHÔNG CẦN ÉP, GV VẪN CÓ ĐỦ CÁCH ĐỂ HS muốn học thêm
Với nhiều GV ở các trường THPT chuyên, việc có thu nhập "khủng" từ dạy thêm có thể vì họ là những GV giỏi, nhưng danh tiếng của các trường mà họ đang dạy chính khóa cũng khiến cho tên tuổi họ thu hút HS đến học thêm rất nhiều.
Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (thuộc Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) cả chục năm nay công khai mở trung tâm dạy thêm của chính nhà trường với tên gọi "Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức" với đủ loại hình luyện thi, cả lâu dài cũng như cấp tốc. Trước đây, trung tâm này thường chỉ dành cho đối tượng HS chuẩn bị thi vào lớp 10 và ĐH, nhưng vài năm nay đã mở ra cho tới đối tượng lớp 3 để ôn thi vào các trường THCS chất lượng cao trên địa bàn TP.Hà Nội. Ngoài các môn ngoại ngữ, trường còn ôn thi theo combo các môn phục vụ cho kỳ thi tuyển sinh của từng cấp, bậc học.
Vì trường THPT này không chỉ tuyển sinh HS ở Hà Nội mà còn tuyển sinh toàn bộ HS các tỉnh từ miền Trung trở ra, rất đông HS ở các tỉnh từ miền núi xa xôi như Sơn La, Điện Biên hay miền Trung như Nghệ An, Thanh Hóa… cứ cuối tuần lại khăn gói ra Hà Nội học liên tục vào 2 ngày nghỉ để luyện thi tại trung tâm của trường.
Điều đáng nói, các trường THPT chuyên trực thuộc Sở GD-ĐT Hà Nội quản lý thì sẽ thi theo đề thi của Sở GD-ĐT Hà Nội. Tuy nhiên, với các trường THPT chuyên trực thuộc trường ĐH thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội như Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, THPT chuyên Khoa học tự nhiên, THPT chuyên Khoa học xã hội; hay Trường THPT chuyên Sư phạm (thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) thì nhà trường chịu trách nhiệm ra đề. Việc một trường vừa ra đề, vừa tổ chức luyện thi mặc nhiên sẽ khiến phụ huynh nảy sinh tâm lý: nếu không luyện thi của chính thầy cô trường đó sẽ không "biết cách" làm bài để đạt điểm cao.
Nguyên nhân sâu xa
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, các đại biểu Quốc hội thảo luận nhiều về vấn đề DTHT từ các khóa trước, nhưng đến nay câu chuyện này chưa có hồi kết và kỳ tới chắc vẫn phải bàn.
Bà Nga nêu các vấn đề cần giải quyết mang tính chiều sâu như: giảm tải chương trình từ chương trình sách giáo khoa; đổi mới phương pháp dạy học, chuyển từ phương pháp dạy theo hình thức dồn kín, dồn ép kiến thức sang phương pháp dạy tư duy; cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nội dung, phương pháp thi cử. Cuối cùng là vấn đề tổ chức hệ thống trường học. "Nếu như chúng ta còn hệ thống trường chuyên thì đương nhiên nhu cầu DTHT là có. Điều quan trọng nhất phải thay đổi nội dung, những phương pháp trong chương trình dạy học và thi cử - đây mới là căn cơ của vấn nạn DTHT", bà Nga nói.
Nhiều ý kiến cho rằng nhu cầu DTHT là có thật, lâu nay các văn bản chống DTHT tràn lan chỉ tập trung vào việc GV ép HS học thêm. Các nguyên nhân sâu xa như nội dung chương trình, thi cử nặng nề, tâm lý chuộng bằng cấp… không có biện pháp cụ thể thì việc DTHT lành mạnh rất khó thành hiện thực.
Sẽ sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động DTHT
Cử tri một số địa phương gần đây đã sốt ruột gửi kiến nghị cần quản lý và xử lý nghiêm hơn việc DTHT. Trả lời bằng văn bản về kiến nghị trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhắc lại các quy định tại Thông tư số 17/TT-BGDĐT ngày 16.5.2012 quy định về DTHT như các trường hợp không được DTHT, trách nhiệm quản lý hoạt động DTHT của địa phương, cơ sở giáo dục.
Trong phần trả lời trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ tham mưu Chính phủ tiếp tục đề xuất Quốc hội đưa hoạt động DTHT vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, sau đó sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động DTHT (sửa Thông tư số 17) cho phù hợp cho việc quản lý DTHT trong và ngoài nhà trường.
Bình luận (0)