Dạy thêm và thói quen đổ lỗi

29/12/2020 05:43 GMT+7

Tại Đà Nẵng , các trường học đều thực hiện quy định về việc không dạy thêm học thêm đối với học sinh tiểu học, học sinh học 2 buổi/ngày.

Giáo viên (GV) hưởng lương ngân sách nhà nước cũng không được dạy thêm; đối với bậc THCS thì không được dạy thêm cho học sinh mình đứng lớp... Phần lớn, các trường đều cho GV ký cam kết không tổ chức dạy thêm... Nhưng trên thực tế, nhiều GV vẫn phải dạy hợp đồng ở các trung tâm kèm học sinh sau giờ học, hay kèm nhóm 5 - 7 học sinh. Vì sao?
Vì một cô giáo tiểu học tốt nghiệp bằng “đỏ”, nhận lương từ 4 - 5 triệu đồng/tháng thì không thể trang trải nổi chi phí đắt đỏ cho gia đình ở đô thị. Thu nhập quá thấp nên việc GV phải xoay xở việc làm thêm được cho là chuyện “chẳng đặng đừng”.
Ở góc độ quản lý, vì không thể nâng cao thu nhập cho GV, nhiều trường học đành “mắt nhắm, mắt mở” ở mức độ nhắc nhở GV chỉ nhận kèm cặp theo nhóm nhỏ những học sinh quá yếu, phải tuân thủ sự tự nguyện của phụ huynh và học sinh, không kèm cho học sinh mình trực tiếp đứng lớp, giám sát phân bổ thời gian dạy và giáo trình cân bằng, không phân biệt, hành xử cảm tính...
“Vì sao bác sĩ được phép mở phòng mạch làm thêm ngoài giờ còn GV thì không?”. Đó là điều mà nhiều GV thắc mắc. Nhưng nhiều GV “quên” rằng, việc dạy thêm không có nghĩa là dạy cho học sinh trước bài sẽ học trên trường. Điều này là không công bằng đối với những học sinh không học thêm.
Về phía phụ huynh, có người nại lý do không đủ thời gian và kỹ năng để nhắc nhở con, kèm cặp con em nên phải gửi con đến các lớp học thêm sau giờ học. Và có cầu thì tất sẽ có cung.
Câu chuyện dạy thêm, học thêm được “mổ xẻ” nhiều, cũng thêm nhiều cơ chế để “siết”, “quản”... nhưng xem ra vẫn chưa có hồi kết. Suy cho cùng, liên quan đến trẻ con thì không bao giờ là trách nhiệm từ một phía. Từ việc cấm dạy thêm, người ta nhìn thấy thói quen đổ lỗi lẫn nhau ở tất cả các bên liên quan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.