Dạy thêm vì lương giáo viên chưa đủ sống?

17/12/2020 07:44 GMT+7

Mổ xẻ xung quanh 'vấn nạn' học sinh lớp 1 cũng phải học thêm mà Thanh Niên phản ánh, nhiều ý kiến cho rằng phải chăng nguyên nhân quan trọng là do đồng lương giáo viên tiểu học không đủ sống.

Vậy lương giáo viên (GV) hiện nay và thời gian sắp tới ra sao?

Lương giáo viên tiểu học hiện nay ở mức nào?

Theo quy định hiện nay về việc thực hiện chính sách tiền lương đối với nhà giáo, mức lương của GV tiểu học mới vào nghề (bao gồm phụ cấp ưu đãi nghề) là 3.264.300 đồng/tháng (theo hệ số khởi điểm 1,86). Bộ GD-ĐT tính toán: các GV này sau 25 năm làm việc sẽ có thêm ưu đãi thâm niên nghề và ưu đãi vượt khung, mức lương dao động từ 9,1 - 10,5 triệu đồng.
Theo Bộ GD-ĐT, chính sách tiền lương đối với nhà giáo đặc biệt quan trọng để bảo đảm đời sống nhà giáo và gia đình ẢNH: NGỌC THẮNG

Theo Bộ GD-ĐT, chính sách tiền lương đối với nhà giáo đặc biệt quan trọng để bảo đảm đời sống nhà giáo và gia đình

ẢNH: NGỌC THẮNG

Theo giải thích của Bộ GD-ĐT, do được ưu đãi vùng miền nên lương và thu nhập có tính chất như lương GV công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đang trong thời kỳ được hưởng đủ các chính sách như phụ cấp thu hút (70%), phụ cấp ưu đãi (70%) có thu nhập cao gần gấp đôi lương GV đang công tác vùng thuận lợi. Tuy nhiên, phụ cấp thu hút chỉ được hưởng tối đa 5 năm trong cả quá trình công tác.
Luật Giáo dục 2019 quy định nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.
Ngày 15.12, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đặng Văn Bình, Phó cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết để thực hiện theo quy định mới về xếp lương nhà giáo, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã xây dựng một loạt thông tư quy định về mã số tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV mầm non, phổ thông, trong đó có quy định về cách thức tính lương mới. “Các thông tư này đang được trình lãnh đạo Bộ GD-ĐT xem xét, ký ban hành trong tháng 12 này”, ông Bình thông tin.
Theo Bộ GD-ĐT, điểm mới đáng ghi nhận của dự thảo các thông tư là xếp lương đối với GV mầm non theo bằng CĐ với hệ số lương khởi điểm 2,10; xếp lương GV tiểu học, THCS theo bằng ĐH, với hệ số lương khởi điểm 2,34. Khi công bố dự thảo này, lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục từng chia sẻ bấy lâu nay, GV mầm non, tiểu học mới được tuyển dụng, hết thời gian tập sự có bằng tốt nghiệp trình độ CĐ, ĐH nhưng chỉ được xếp lương trung cấp (hệ số lương khởi điểm 1,86); GV THCS có bằng ĐH chỉ được xếp lương CĐ (hệ số lương khởi điểm 2,10). Đối với GV đang công tác, khi chuyển xếp vào bảng lương mới, hệ số lương của GV vẫn giữ nguyên theo nguyên tắc chuyển ngang bằng hoặc xếp vào bậc lương cao hơn liền kề (trong bảng lương mới) so với bậc lương đang hưởng; đồng thời sẽ được hưởng mức trần của hệ số lương cao hơn, phù hợp với trình độ đào tạo của GV.

Mong muốn lương nhà giáo cao nhất trong thang bậc lương

Trước đó, nội dung “xếp lương GV cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” đã được Ban soạn thảo luật Giáo dục 2019 đưa vào những dự thảo đầu tiên, nhằm thể chế hóa Nghị quyết 29 của T.Ư về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Tuy nhiên, nội dung này sau đó đã bị bỏ ra khỏi dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, do 2 bộ có liên quan trực tiếp tới vấn đề này là Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đều không đồng ý.
Theo giải thích của Bộ Nội vụ khi đó thì Ban Chỉ đạo T.Ư về nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đang xây dựng đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp trình Hội nghị T.Ư 7 khóa 12. Do đó, Bộ Nội vụ đề nghị không quy định tiền lương của nhà giáo trong dự án luật. Vấn đề này cần phải được nghiên cứu, xây dựng ban hành đồng bộ khi cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong hệ thống chính trị trong thời gian tới, bảo đảm tương quan chung, phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước.
GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng việc bỏ đề xuất này ra khỏi luật Giáo dục 2019 là rất đáng tiếc. Ông Thi giải thích: “Lương GV cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp thực ra đã nằm trong Nghị quyết T.Ư 2, khóa 8 của Đảng, nghị quyết từ 20 năm trước. Không có lý gì một quan điểm rất quan trọng, nhân văn của Đảng, liên tục khẳng định trong 20 năm qua mà đến nay vẫn bảo không thực hiện được vì không đủ điều kiện”.

Hệ số lương GV tiểu học

Dự thảo thông tư quy định về mã số tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV tiểu học quy định cách xếp lương áp dụng bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 204 năm 2004 của Chính phủ.
Cụ thể, chức danh nghề nghiệp GV tiểu học hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98); chức danh nghề nghiệp GV tiểu học hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2 (từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38); chức danh nghề nghiệp GV tiểu học hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1 (từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78); chức danh nghề nghiệp GV tiểu học hạng IV được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B (hệ số từ 1,86 đến 4,06) đối với GV tiểu học có trình độ trung cấp, áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 (hệ số từ 2,10 đến 4,89) đối với GV tiểu học có trình độ CĐ. 
GS Thi cũng nhấn mạnh cần phải tách bạch lương - phụ cấp. Phụ cấp không được ổn định như lương, không được tính để đóng bảo hiểm xã hội và không có giá trị khi GV về hưu. Phụ cấp chỉ mang tính chất giải quyết tạm thời chứ không phải là một chế độ chính sách ổn định như lương và không thể so được với lương.

Giáo viên phải “lách luật” mới đủ sống!

Ông Vũ Văn Dụ, nguyên Vụ trưởng Vụ GV (Bộ GD-ĐT), cũng cho rằng việc sửa luật lần này chỉ “đổi nhưng không sửa” đáng kể về vấn đề lương GV. Với quy định GV “được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề”, ông Dụ cho rằng, việc chỉ thêm cụm từ “ưu tiên” vừa không hợp lý, vừa không có ý nghĩa gì vì nhà giáo không cần thêm “ưu tiên” cái mà lẽ ra họ đã có.
Nhiều GV dạy tiểu học cũng bày tỏ tâm tư vì với GV mới vào nghề chỉ hơn 3 triệu đồng tiền lương một tháng mà không làm thêm nghề khác hoặc không dạy thêm thì khó có thể nói “đủ sống” cho bản thân họ, chưa nói đến việc phải chăm lo cho gia đình, bố mẹ, con cái; phòng ngừa lúc ốm đau hoặc kinh phí cho các khoản hiếu hỉ khác của người thân.
Một GV dạy Trường tiểu học Minh Khai (Bắc Giang) chia sẻ: đồng nghiệp của chúng tôi vẫn nói với nhau, không ai muốn dạy thêm, làm thêm vào thời gian lẽ ra được nghỉ ngơi sau khi làm việc cả ngày ở trường. Hơn thế lại phải dạy thêm “lén lút” vì chưa được cấp phép, vì cấm dạy thêm cho học sinh... “Tuy nhiên, cùng với các lệnh “cấm” thì ngành GD-ĐT cũng phải đảm bảo cho chúng tôi một mức lương không cần quá cao nhưng cũng không khiến GV phải lách luật để đủ sống”.

Lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính của giáo viên

Trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh việc thay đổi cách thức tính lương cho GV nói chung, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng chính sách tiền lương đối với nhà giáo là một chính sách đặc biệt quan trọng, tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính, bảo đảm đời sống nhà giáo và gia đình; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển đội ngũ nhà giáo ở các cấp học, tạo động lực cho nhà giáo yên tâm cống hiến, nâng cao chất lượng GD-ĐT; góp phần quan trọng thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và đổi mới giáo dục phổ thông, tạo điều kiện để GV yên tâm cống hiến. Chính sách tiền lương ngành giáo dục phải thể hiện được quan điểm của Đảng, Nhà nước nêu tại Hiến pháp và các nghị quyết T.Ư. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.