Dạy toán theo kiểu 'mì ăn liền'?

22/08/2018 18:58 GMT+7

Tiến sĩ Nguyễn Hà Thanh, Trưởng bộ môn Hình học khoa Toán - Tin học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng: Đề thi toán của mình từ lâu không ra lý thuyết mà không ra lý thuyết thì thầy cô dạy theo kiểu 'mì ăn liền'. Chỉ cần áp dụng công thức để giải dù không hiểu gì.

Sáng 22.8, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức hội thảo "Toán học và đổi mới phương pháp dạy học năm 2018".

Vấn đề được nhiều chuyên gia đề cập tại hội thảo này là cách thức ra đề thi hiện nay đang tác động mạnh mẽ đến việc dạy học môn toán tại các trường phổ thông và cả bậc ĐH.

Tiến sĩ Nguyễn Hà Thanh, Trưởng bộ môn Hình học khoa Toán - Tin học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, việc thi trắc nghiệm kéo dài sẽ khiến việc dạy học toán đi theo hai hướng hoàn toàn khác nhau: dạy toán và giải toán. Trong khi đó, giải toán thì thi gì sẽ giải đó.

Từ đó, tiến sĩ Thanh cho rằng: “Đề thi của mình từ lâu không ra lý thuyết mà không ra lý thuyết thì thầy cô dạy theo kiều 'mì ăn liền'. Chỉ cần áp dụng công thức để giải dù chả hiểu gì”.

Ông Thanh nêu ví dụ đề thi lớp 9 lên 10 của Sở GD-ĐT TP.HCM vừa qua. “Bản thân đề không khó mà chỉ thay đổi một xíu đã khiến người học 'la làng'. Không khó nhưng để thiết lập nên những hệ thức trong bài toán thực tế thì phải hiểu nhưng thầy cô chỉ dạy công thức. Trong khi thực ra đề này phù hợp và ý nghĩa”, ông Thanh phân tích.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Nga, Phó trưởng khoa Toán - tin học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng có cùng quan điểm học sinh không có khả năng vận dụng toán học để giải quyết vấn đề thực tiễn. Học sinh có thói quen bấm máy tính cho ra kết quả nhưng không hiểu nguồn gốc phương pháp sử dụng máy tính đó nên chỉ cần đổi một chút là sai liền.

Kết quả khảo sát với giáo viên dạy môn toán cũng cho thấy nhiều vấn đề. Cụ thể, từ sự thay đổi hình thức thi, giáo viên phải tự điều chỉnh cách dạy học, trong đó chú trọng hướng dẫn học sinh sử dụng máy tính cầm tay hơn.

“Theo kết quả khảo sát, một trong những khó khăn của giáo viên khi dạy học môn toán hiện nay lại chính là thái độ người học không tích cực, ỷ lại vào máy tính cầm tay và hình thức thi trắc nghiệm có đáp án cho sẵn”, tiến sĩ Nga chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Nga còn đề cập đến việc đào tạo giáo viên toán cho chương trình phổ thông mới. Theo đó, định hướng đổi mới trong dạy học môn toán ở bậc phổ thông nhấn mạnh sự phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, tạo cơ hội cho người học trải nghiệm, áp dụng toán học vào đời sống thực tiễn. Việc dạy toán còn phải có sự kết nối với các môn học khác và giữa toán học với đời sống thực tiễn, từ đó giúp học sinh thấy được ý nghĩa của việc học toán.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.