Dạy trực tuyến: Làm sao đừng để sinh viên mở màn hình xong để đó !

07/04/2020 08:28 GMT+7

Nhiều giảng viên cho biết chất lượng việc dạy trực tuyến phụ thuộc rất nhiều yếu tố, tuy nhiên giảng viên được xem là có vai trò quan trọng.

Nếu giảng viên chưa trải qua quá trình tích lũy kỹ năng và kinh nghiệm thì việc truyền đạt kiến thức qua màn hình sẽ không hiệu quả.

Tạo tương tác càng nhiều càng tốt

Là một giảng viên (GV) có cách giảng khá thu hút sinh viên (SV) trong việc dạy trực tuyến thời gian qua, thạc sĩ Lương Thị Nhung, Khoa Cơ bản, Trường CĐ thực hành FPT Polytechnic, chia sẻ: “Giảng trực tuyến có tâm thì GV phải chịu khó hơn, kết hợp nhiều công cụ giảng dạy và hỗ trợ cùng lúc. Khi thiết kế bài giảng trực tuyến, GV vất vả hơn vì phải làm sao để kéo được nhóm SV chưa có ý thức tự học cao tham gia vô lớp. Ngoài tiết dạy, GV thậm chí còn phải tham gia vào từng nhóm nhỏ (Zalo, Facebook của nhóm 3 - 5 SV) để có thể “lên tiếng kịp thời”, góp ý lúc SV trao đổi hoặc gọi cho SV, nhắn SV nhắc nhở học tập. Vì vậy, tốn nhiều thời gian hơn”.
Theo thạc sĩ Nhung, thiết kế bài giảng trực tuyến phải thêm phần thời gian tương tác, trò chuyện. Để SV phát huy sự sáng tạo, làm quen và áp dụng được công nghệ trong học tập, GV có thể yêu cầu SV làm bài tập bằng cách thuyết trình và quay lại, dàn dựng thành video clip vui...
Thạc sĩ Châu Thế Hữu, GV Khoa Quản trị kinh doanh quốc tế, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, cũng cho rằng việc chọn lựa và xây dựng bài giảng để giảng dạy trực tuyến cần phải được quan tâm đầu tư, nên đòi hỏi sự chuẩn bị công phu hơn.

Hà Nội hỗ trợ lương cho giáo viên vì dịch Covid-19 

Sở GD-ĐT Hà Nội vừa có văn bản báo cáo Bí thư Thành ủy Hà Nội về tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến đời sống, thu nhập cán bộ, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn.
Theo đó, Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị UBND TP hỗ trợ tiền lương cơ bản hoặc trợ cấp cho giáo viên, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn, phải thuê nhà, có con nhỏ hoặc sức khỏe yếu. Với những giáo viên, nhân viên đang tham gia đóng bảo hiểm xã hội, y tế và thất nghiệp quý 1 và 2, được miễn đóng cả 3 loại này. Sở GD-ĐT kiến nghị cho phép các cơ sở giáo dục ngoài công lập vay vốn với lãi suất 0% để duy trì hoạt động thường xuyên (trả lương, tiền thuê mặt bằng, điện, nước, chi phí vận hành khác).
Đến ngày 27.3, ở Hà Nội số giáo viên, nhân viên nhóm trẻ không được hỗ trợ lương chiếm nhiều nhất hơn 16.000 người; mầm non là 490, THPT là 355 và tiểu học là 38 người. THCS là cấp duy nhất không có giáo viên nghỉ không lương.
Ngoài ra, khoảng 14.000 giáo viên, nhân viên trường ngoài công lập chỉ được hỗ trợ dưới 50% lương và 14.000 người được hưởng 50% lương. 
Tuệ Nguyễn
“GV nên tập trung trình bày những nội dung tương đối dễ hiểu, với ngôn ngữ giảng dạy đơn giản hóa để người học có thể tiếp nhận dễ dàng. Ngoài ra, việc lặp lại câu nói nhiều lần, và nói chậm trong quá trình giảng là rất cần thiết. Việc triển khai các nội dung khó và nâng cao có thể tạm gác lại hoặc chuyển sang dạng bài tập về nhà để người học có thể tìm hiểu sau khi đã nắm được kiến thức cơ bản. Lý do cho việc này là vì người học không thể thấy được ngôn ngữ hình thể của GV khi giảng dạy - vốn được đánh giá là chiếm tỷ lệ rất cao trong hiệu quả truyền tải thông điệp. Thêm vào đó, việc viết bảng truyền thống được thay bằng tương tác với máy tính, đây vốn là một điều không dễ dàng đối với nhiều GV”, thạc sĩ Hữu đánh giá.

Cũng phải biết bắt “trend”

Thạc sĩ Lương Thị Nhung cho rằng để tương tác tốt với SV, giữ SV ngồi lại trước màn hình, đòi hỏi người GV phải có kỹ năng, có kinh nghiệm trong phương pháp dạy trực tuyến. Tôi đã phải sáng tạo rất nhiều cách nhằm lôi kéo, như khi bắt đầu bật camera lên là tôi khuấy động không khí bằng cách la lên “các bạn ơi, các bạn ơi, mọi người ơi, mọi người ơi” y như... bán hàng online vậy. Rồi bây giờ cũng phải biết “bắt trend”: “Mời các bạn quay trở lại kênh của cô Lương Thị Nhung nào...”.
Cũng theo thạc sĩ Lương Thị Nhung, dạy học trực tuyến, GV phải chú ý tạo thần thái tốt, giọng khỏe, nói rõ, kết nối mạng ổn. Các tình huống đưa vào bài giảng là các vấn đề gần gũi cuộc sống của SV, bắt được cảm xúc của SV. Vì việc tương tác với SV đòi hỏi nhiều kỹ năng và kinh nghiệm như vậy nên không khó hiểu khi tình trạng “học ảo” vẫn xảy ra, đó là SV vẫn bật màn hình nhưng thực tế có khi đang làm việc khác như: xem phim, chơi game, nghe nhạc chứ không tập trung vào bài giảng. Khi gọi mà không thấy SV trả lời, GV rất dễ bị tuột cảm xúc.
Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, cũng nhận thấy rào cản lớn khi dạy trực tuyến là tương tác giữa thầy - trò yếu hơn. “Nói chuyện qua màn hình rất khó, đòi hỏi GV phải biết hoạt náo, hài hước, năng động chứ không thể dùng phương pháp truyền thống. Chưa kể đang dạy có khi bị ngắt quãng bởi đường truyền không tốt, cũng làm “mất hứng” cho cả thầy lẫn trò. Nếu dạy ở ngoài, thầy có thể nhìn bao quát cả mấy chục học trò, kiểm soát được mức độ tập trung của các em, còn trực tuyến thì không thể. Có khi nhiều em bật màn hình rồi để đó làm việc khác”, thạc sĩ Lý cho hay.
Cho rằng giảng qua màn hình đôi lúc sẽ khiến GV thấy mình giống như đang “độc thoại”, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoàn, GV Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, hy vọng sau một vài buổi đầu, GV sẽ quen và có cách kiểm soát tốt lớp học bằng cách luôn có sự tương tác giữa các nhóm với nhau, giữa GV và SV. “Hơn nữa, ở bậc ĐH, SV ít nhiều phải có khả năng tự học nên GV cần hướng dẫn để các em phát huy kỹ năng này”, tiến sĩ Hoàn nhìn nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.