Dạy và cấp bằng lái xe cho học sinh: Chỉ khả thi với một nhóm nhỏ

22/04/2018 08:50 GMT+7

Đó là ý kiến của hầu hết các trường học, trước đề xuất cho HS học và thi lấy GPLX mô tô, ô tô.

Ông Đoàn Minh Châu, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.Bắc Từ Liêm (Hà Nội), cho biết trường có 520 HS lớp 12, nhưng hiện chỉ khoảng hơn 100 em đủ tuổi hoặc gần đủ tuổi để được cấp bằng lái xe máy. Vì thế, với hầu hết HS trong trường, việc giáo dục luật GTĐB hiện nay chỉ dừng ở mức độ lý thuyết và cũng chỉ lồng ghép chứ không thể dạy thành môn riêng.
“Hiện các em phải học văn hóa mỗi tuần hơn 30 tiết, mỗi buổi 5 tiết, nên để dạy riêng về luật GTĐB là khó, chưa nói đến việc dạy thực hành lái xe máy, lái ô tô để cấp bằng”, ông Châu nói.
Với việc tổ chức cho HS học lái xe máy để lấy bằng, ông Châu cho rằng các trường chỉ có thể phối hợp với trung tâm bên ngoài (hiện nhiều trường đang thực hiện). Nhà trường không có chức năng dạy, không được phép dạy, không có người dạy đã đành, mà còn do mặt bằng sân bãi không đảm bảo, mà dẫu có sân rộng, đủ để tổ chức học thực hành lái xe vẫn không thể thực hiện được do hoạt động này ảnh hưởng tới các lớp khác đang học văn hóa. “Quan trọng là theo quy định hiện nay, việc đào tạo lái xe máy và ô tô chỉ khả thi với một nhóm (chứ không phải là tất cả do nhiều em sinh vào cuối năm) HS lớp 12. Mà thời gian này các em rất bận việc học. Thời gian phù hợp nhất để thực hiện việc đào tạo lái xe cho các em là hè năm lớp 11, nhưng học xong mà không được thực hành thường xuyên, không được thi lấy bằng, thì tôi e rằng không hiệu quả”, ông Châu phân tích.
Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Q.Đống Đa (Hà Nội), cũng cho biết trường vẫn triển khai giáo dục luật GTĐB cho HS, lồng ghép trong nội dung môn học giáo dục công dân, nhưng nếu kết hợp để đào tạo lái xe máy cho HS thì khó, chưa nói đến dạy lái ô tô. Hiện nay, trong số phụ huynh của trường, nhiều gia đình đã tự sắp xếp cho con đi học ở trung tâm, chờ khi con được 18 tuổi là có thể thi lấy bằng luôn. “Nếu đưa nội dung này vào chương trình cũng là điều tốt, nhưng phải nghiên cứu không chỉ là về vấn đề thời gian mà còn về cả kinh phí. Với các trường, những hoạt động mà cần phải thu tiền là khó khăn. Nếu sắp xếp được thời gian hợp lý (chẳng hạn có thể học vào thứ bảy, chủ nhật), trên tinh thần tự nguyện của HS thì có thể cũng sẽ được nhiều cha mẹ HS ủng hộ. Nhưng trong nhà trường thì chỉ học lý thuyết thôi. Còn thực hành khó thực hiện trong năm học. Vì với HS lớp dưới thì còn lâu mới đủ tuổi, HS lớp 12 là thời gian cao điểm học hành thi cử của các em”, ông Nhâm nói.
Theo ông Chu Văn Quân, Hiệu trưởng Trường THPT Lạc Long Quân, TP.Hòa Bình (Hòa Bình), việc tổ chức dạy luật GTĐB cho HS hiện vẫn đang thực hiện theo các nội dung của Ủy ban ATGT quốc gia hướng dẫn, còn đào tạo lái xe (xe máy và ô tô) để tiến tới tổ chức thi và cấp bằng cho HS trong trường thì cần phải cân nhắc về cơ sở vật chất, về áp lực chương trình chính khóa hiện vẫn bị kêu là nặng, cần giảm tải... “Xét một số khía cạnh thì chúng ta có thể đề xuất luật hạ độ tuổi người được điều khiển xe máy phân khối lớn.
Thực tế, hiện nay HS từ đủ 16 tuổi được điều khiển phương tiện có động cơ dưới 50 cm3; được dùng xe đạp điện mà về tốc độ cũng chẳng thua gì xe máy. Nhưng rắc rối ở chỗ là sẽ liên quan tới một số bộ luật liên quan. Cho các em quyền đi xe máy, nhưng trách nhiệm hình sự thì sao? Các em có phải chịu không, hay phải là cha mẹ hay người đỡ đầu? Như bây giờ, nếu HS đi xe máy mà để xảy ra tai nạn thì bố mẹ phải chịu”, ông Quân nêu hàng loạt vấn đề.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.