Mặc dù trong báo cáo thẩm tra dự luật Giá, Ủy ban Tài chính - Ngân sách chỉ đề nghị Nhà nước định giá đối với những khâu còn độc quyền về điện, các khâu khác quy định khung để doanh nghiệp tự quyết định giá, song thảo luận tại nghị trường, nhiều ĐBQH cho rằng ngành điện vẫn độc quyền hoàn toàn nên nhất thiết Nhà nước phải quy định giá điện cụ thể.
>> Giảm ngay độc quyền của các tập đoàn
>> Chưa đồng thuận đưa xăng dầu, điện vào diện Nhà nước định giá
>> Chính phủ không muốn duy trì độc quyền điện
Thay mặt Ủy ban Thường vụ QH báo cáo việc tiếp thu, chỉnh lý những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của luật Giá, trong đó có việc Nhà nước định giá với một số mặt hàng thiết yếu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, một số ý kiến cho rằng, để kiểm soát được giá điện, góp phần ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh thì Nhà nước nên định giá cụ thể đối với giá truyền tải điện; giá bán buôn điện; giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện vì đây là những khâu độc quyền nhà nước.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) phát biểu tại nghị trường sáng 28.5 - Ảnh Ngọc Thắng
Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, điện là mặt hàng thiết yếu đối với đời sống, sản xuất, kinh doanh; đồng thời lại là mặt hàng độc quyền kinh doanh. Trong điều kiện giá điện thường xuyên biến động như hiện nay, việc phải kiểm soát, giữ ổn định giá điện là cần thiết.
Tuy nhiên, để bảo đảm đúng định hướng thị trường theo tinh thần Nghị quyết số 10.2011 của QH, đề nghị việc định giá điện phải tuân thủ các nguyên tắc: khâu nào thuộc độc quyền Nhà nước thì khâu đó do Nhà nước định giá; việc định giá phải theo cơ chế thị trường nhưng phải có lộ trình; trong một số khâu cần có sự điều tiết của Nhà nước và phù hợp với tình hình thực tiễn; đồng thời, phải bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và ổn định sản xuất, kinh doanh.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị tiếp thu ý kiến ĐBQH theo hướng: có khâu Nhà nước định giá cụ thể, có khâu Nhà nước chỉ quy định khung giá, đồng thời quy định cơ chế điều chỉnh trong khung. Cụ thể, Nhà nước sẽ định mức giá cụ thể đối với giá truyền tải, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, vì đây là những khâu hiện đang thuộc độc quyền nhà nước.
Đối với các khâu như phát điện, bán buôn điện, về lâu dài sẽ áp dụng cạnh tranh theo lộ trình, phù hợp với cơ chế thị trường.
“Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, Nhà nước vẫn quy định khung giá đối với giá phát điện, giá bán buôn điện. Như vậy, các doanh nghiệp được quyền chủ động định giá trong khung, cạnh tranh về giá theo khung đó; bảo đảm có lợi cho người tiêu dùng; tạo chủ động cho doanh nghiệp song Nhà nước vẫn kiểm soát được giá điện”, ông Hiển báo cáo.
Về giá bán lẻ điện, cơ quan thẩm tra tiếp thu để quy định trong luật theo hướng Nhà nước quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, Thủ tướng quy định cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện nhằm bảo đảm điều chỉnh linh hoạt theo cơ chế thị trường và phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 10 năm 2011 của QH.
Thảo luận tại nghị trường sáng nay, ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) cho rằng, hiện ngành điện vẫn do EVN độc quyền hoàn toàn vì vậy “Nhà nước phải định giá cụ thể đối với giá điện chứ không thể để doanh nghiệp tự định giá”.
Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng nếu để doanh nghiệp tự định giá trên cơ sở khung của Nhà nước quy định thì chắc chắn sẽ dẫn tới nguy cơ đẩy giá bán lẻ điện tăng cao, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Bảo Cầm
Bình luận (0)