ĐBQH Dương Trung Quốc: Từ nhiệm trước hạn cũng là một sự hy sinh

30/03/2016 12:54 GMT+7

Theo ông Dương Trung Quốc, các đại biểu Quốc hội đã nhận được thông báo về việc các chức danh chủ chốt đã có động tác từ nhiệm trước thời hạn.

Theo ông Dương Trung Quốc, các đại biểu Quốc hội đã nhận được thông báo về việc các chức danh chủ chốt đã có động tác từ nhiệm trước thời hạn.

duong-trung-quocĐBQH Dương Trung Quốc - Ảnh: Ngọc Thắng

Sáng nay (30.3) Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội trước khi các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận vấn đề này. Dự kiến chiều nay, Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín. Theo ĐB Dương Trung Quốc, các ĐBQH đã nhận được thông báo về việc các chức danh chủ chốt đã có động tác từ nhiệm trước thời hạn.

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 30.3 về quy trình miễn nhiệm và bầu các chức danh lãnh đạo, trong đó có Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng sẽ được tiến hành trong những ngày tới, ĐBQH Dương Trung Quốc cho biết: 

“Đây là một sự khác thường trong lần bầu các chức danh Nhà nước cao cấp trong nhiệm kỳ Quốc hội này. Thông thường các chức danh này được bầu cho một nhiệm kỳ mới và do nhiệm kỳ Quốc hội bầu. Mặc dù chúng ta đã nhiều lần chứng kiến có sự thay đổi do kết quả của những quyết định trong Đảng, ví dụ như thời kỳ Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh sang làm Tổng bí thư, giao lại (trọng trách này - PV) cho ông Nguyễn Văn An. Trong những trường hợp ấy thì tương đối đơn giản hơn vì các ông ấy vẫn ở cương vị Ủy viên Bộ Chính trị", ông Quốc nói.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, lần này có lẽ do kết quả của Đại hội Đảng 12 tạo ra một tình huống lần đầu tiên 3 chức danh quan trọng nhất trong “tứ trụ” sau Đại hội không tham gia Ban chấp hành T.Ư nữa, và đương nhiên cũng không tham gia Bộ Chính trị nữa.

"Kéo dài tình trạng những chức danh cao cấp ấy không có cương vị trong Đảng không phù hợp thiết chế chính trị của nước ta. Vì thế lần này chúng ta phải làm một lúc 3 chức danh quan trọng đó, trên cơ sở đó hoàn thiện bộ máy. Tôi cho đây là một giải pháp tình huống, phù hợp với hoàn cảnh, để bộ máy sớm đi vào hoạt động có hiệu quả trong công tác đối nội, đối ngoại", ông Quốc nói.

Nhìn nhận về việc này, theo ông Quốc, trong chừng mực nào đó, những người từ nhiệm trước nhiệm kỳ cũng là một sự hy sinh. Từ nhiệm là rời chức vụ để có cơ sở bầu người mới, còn việc bầu cũng như mọi quy trình khác, bảo đảm sự giám sát của Quốc hội trong việc đánh giá các nhân sự tương xứng với chức năng Hiến pháp quy định, cũng như những chuẩn mực, tiêu chuẩn đặt ra, mặc dù ai cũng biết công tác nhân sự cao cấp được quyết định trong tổ chức Đảng.

* Thưa ông, trong quá trình thực hiện quy trình miễn nhiệm, bầu các chức danh chủ chốt trong bộ máy Nhà nước nói trên, các ĐBQH sẽ phải thể hiện vai trò trách nhiệm của mình như thế nào?

ĐB Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ trước hết phải thực hiện đúng luật, không coi đây là vấn đề hình thức. Các ĐBQH hoàn toàn có quyền quyết định và giám sát tính chính xác của những dữ liệu liên quan đến các nhân sự đó và căn cứ tiêu chuẩn, kể cả sự tín nhiệm mà chúng ta cảm nhận trong xã hội trong quá trình các vị đó hoạt động. Vì các vị đó phần lớn là những người đã hoạt động trong các cương vị khác nhau.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên những gương mặt mới được đặt vào những vị trí mới cho nên tôi nghĩ đây cũng là điều làm cho mọi người hy vọng vào một sự thay đổi. Chúng ta đã trải qua công tác tổng kết, kể cả trách nhiệm cá nhân, kể cả các tổ chức trong bộ máy nhà nước. Việc này đã để lại nhiều bài học, nhiều di sản, gồm cả những di sản tích cực và không tích cực đòi hỏi người kế nhiệm phải gánh vác. Tôi nghĩ đây chính là cơ hội mà các vị được đặt vào vị trí mới thể hiện được năng lực của mình, trong năng lực đó có cả yếu tố đổi mới khác trước.

* Trong báo cáo về nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua cho thấy nhiều thành tựu song các ĐBQH cũng chỉ ra nhiều tồn tại. Theo ông, các nhân sự được bầu nhiệm kỳ tới phải chuẩn bị như thề nào để tiếp thu những bài học đó để phục vụ cho công tác lãnh đạo sắp tới được tốt?

Tôi thấy có 2 yếu tố, thứ nhất là cơ chế và thứ hai là con người. Mà cơ chế nào cũng phải thông qua con người thôi. Vì thế, nếu phân tích cho cùng, một nguyên nhân căn bản dẫn tới những tồn tại trong nhiệm kỳ hoạt động vừa qua là tính trách nhiệm cá nhân chưa được thể hiện rõ trong cơ chế lẫn con người.

Tôi mong trong nhiệm kỳ tới chúng ta sẽ hoàn thiện hơn cơ chế về pháp lý, trách nhiệm cá nhân. Mỗi cán bộ ở cương vị của mình đặc biệt là ở cương vị cao cấp phải thể hiện trách nhiệm cá nhân của mình ở chỗ thực hiện hết quyền năng của mình được pháp luật quy định.

Ví dụ một điều mà các ĐBQH đã nói nhiều, phải cách chức những người không xứng đáng, hay phải xử lý để ngăn ngừa tình trạng pháp luật không đi vào đời sống do cơ quan hành pháp không làm hết trách nhiệm của mình. Bản thân các quan chức cao cấp cũng phải nghĩ đến văn hóa từ chức nếu mình không thực thi được.

Tôi liên hệ không biết có đúng không nhưng các vị từ nhiệm trước nhiệm kỳ lần này cũng thể hiện văn hóa của mình. Văn hóa tự rời bỏ chức vụ vì trách nhiệm chung. Đây cũng là một thứ từ chức, nhưng từ chức được người dân chia sẻ, tôn vinh. Từ chức không chỉ thuần túy là tiêu cực. Đây là một cơ hội từ nhận thức xã hội đến xây dựng cơ chế chính trị, quan trọng nhất là ý thức của những người gánh vác trách nhiệm cũng thay đổi theo sự phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.