ĐBQH lo ngại trục lợi chính sách nếu chuyển đổi đất thương mại không qua đấu giá

06/01/2022 13:41 GMT+7

Đề xuất mở rộng hình thức sử dụng đất được phép đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được nhiều đại biểu đánh giá là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, song cũng lo ngại sẽ có trục lợi chính sách.

Sáng 6.1, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đầu tư công, luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, luật Đầu tư, luật Đấu thầu, luật Điện lực, luật Doanh nghiệp, luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và luật Thi hành án dân sự.

Ông Nguyễn Trường Giang phát biểu thảo luận tại tổ

gia hân

Trong nội dung sửa đổi luật Đầu tư, Chính phủ đề xuất sửa đổi theo hướng mở rộng hình thức sử dụng đất được phép đầu tư xây dựng nhà ở thương mại so với quy định hiện hành, bao gồm các loại đất khác không phải đất ở, với điều kiện có quyền sử dụng đất hợp pháp và phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định này tạo thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng cũng bày tỏ lo ngại sẽ nảy sinh sự trục lợi về chính sách.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó tổng thư ký Quốc hội, dự thảo Luật không chỉ mở rộng hình thức sử dụng đất được dùng để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, mà còn sửa đổi cả thủ tục khi chính sách này cũng sẽ mở rộng diện giao đất cho doanh nghiệp không qua đấu thầu dự án và đấu giá quyền sử dụng đất.

“Nhà đầu tư đang có quyền sử dụng đất hợp pháp không phải đất ở, kể cả đất nông nghiệp, đều được đầu tư xây dựng nhà ở thương mại. Về mặt nhà đầu tư và doanh nghiệp là hoàn toàn thuận lợi, nhưng rõ ràng ở đây là phải đánh giá được lợi ích giữa cộng đồng, nhà đầu tư có quyền sử dụng đất hợp pháp và người dân như thế nào”, ông Giang nêu, và dẫn chứng nhiều dự án thực tế tại TP.HCM hiện nay đang sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng dự án nhà ở thương mại; nếu quy định này được thông qua thì các dự án này có thể chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án.

Lo trục lợi chính sách

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, theo đánh giá của Chính phủ hiện đang có nhiều vướng mắc cả ở Hà Nội, TP.HCM, nhiều dự án đang bị treo vì quy định chưa thật rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau. Trong khi luật Đầu tư, liên quan đến trình tự, thủ tục chấp thuận loại dự án này, thì chỉ quy định nhà đầu tư có quyền sử dụng đất hợp pháp thôi, mà không nói là đất gì.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, nêu ý kiến thảo luận tại tổ

gia hân

Do đó, nội dung sửa đổi chỉ làm rành mạch các hình thức sử dụng đất mà nhà đầu tư có thể sử dụng để xin chấp thuận dự án đầu tư nhà ở thương mại.

Tuy nhiên, ông Tùng nêu vấn đề: “Liệu sau khi quy định này được ban hành có dẫn đến tình trạng nhà đầu tư đổ xô đi thu gom đất chưa phải là đất ở dưới hình thức này, hình thức kia, để sau đó chờ quy hoạch kế hoạch sử dụng đất được duyệt sẽ bán đi để thu lợi hay không? Đó là trục lợi chính sách”, ông Tùng nêu, và đề nghị cần dự báo trước để có đánh giá và quy định cho rõ.

Bên cạnh đó, ông Tùng cho rằng cần làm rõ vấn đề hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư trong vấn đề cho phép sử dụng đất khác không phải đất ở để đầu tư xây dựng nhà thương mại (thực chất là chuyển đổi mục đích sử dụng đất khác sang đất ở) mà không cần qua đấu thầu dự án và đấu giá quyền sử dụng đất.

“Chúng ta hình dung ví dụ nhà đầu tư họ đang có diện tích đất sử dụng vào việc nuôi bò làm sữa rất lớn, đó là đất nông nghiệp hợp pháp, nhưng sau đó nhà nước quy hoạch toàn bộ khu vực đó thành đô thị, quy hoạch rồi, phê duyệt rồi, có kế hoạch sử dụng đất rồi. Thế thì nhà đầu tư có quyền sử dụng đất đó để đầu tư dự án nhà ở thương mại nếu họ có nhu cầu hay không? Họ có quyền đề nghị phê duyệt chủ trương để họ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại hay nhà nước sẽ thu hồi chỗ đó để đấu giá, đấu thầu dự án?”, ông Tùng nêu.

Ông Tùng cho rằng nếu đấu giá thì có thể thu được giá cao hơn nhưng cũng đặt ra những vấn đề như Thủ Thiêm vừa rồi “đấu giá đất với giá cao vô cùng bất thường cũng là vấn đề”.

“Nếu chúng ta quy định được giá đất đai ở trong luật Đất đai thực sự sát với thị trường thì chênh lệch đấu giá với tiền sử dụng đất khi nộp theo hình thức không qua đấu giá thì sẽ không chênh lệch quá lớn”, ông Tùng nói, và cho rằng đây là vấn đề liên quan tới bất cập của luật Đất đai và sẽ được sửa đổi trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.