"Đưa ra ý này tôi thấy không thuyết phục"
Thảo luận tại tổ lần đầu về 2 dự án luật này, các đại biểu rất băn khoăn về việc tách luật Giao thông đường bộ ra làm 2 (luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ GTVT là cơ quan chủ trì soạn thảo và luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an là cơ quan chủ trì soạn thảo).
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải lý giải thật tốt việc này để thuyết phục các đại biểu. Theo đại biểu Vượt, nếu nói rằng việc chuyển qua Bộ Công an cấp giấy phép lái xe để hạn chế giấy tờ giả, thì hơi trái ý của Bộ trưởng Công an báo cáo trên hội trường, là bằng giả, giấy tờ giả, kể cả hộ chiếu giả, tiền giả… còn nhiều.
“Đưa ra ý này tôi thấy không thuyết phục”, đại biểu Vượt nhấn mạnh.
Ngay sau ý kiến của đại biểu Vượt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt, đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, cho biết nhiều đại biểu lo ngại tách luật ra thì phá vỡ kết cấu hệ thống giao thông đường bộ; một số đại biểu băn khoăn là giao thông có 4 thành tố cơ bản, tại sao không tách hàng hải, hàng không, đường thuỷ, đường sắt mà chỉ tách đường bộ? Nhưng “thế giới thì tách lâu rồi, tách bạch rất rõ ràng, rất sâu”, theo ông Việt.
Ngoài việc “có tính chuyên sâu, minh bạch, rõ ràng hơn”, ông Việt cũng cho rằng, việc tách luật không trái với hiến pháp, không xung đột với các luật khác và phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước.
“Phân tích đi phân tích lại, thì đa số các thành viên Uỷ ban (Quốc phòng - An ninh) đồng ý tách ra. Tách ra có lợi hơn, đảm bảo chuyên sâu hơn và người trong cuộc là Bộ GTVT và Bộ Công an đều đồng thuận cao. Tôi ủng hộ quan điểm là tách luật này”, ông Việt nêu quan điểm, đồng thời nói rằng “một số đại biểu gặp tôi cũng nói là không nên tách, nhưng quan điểm là cái gì có lợi hơn cho Đảng, cho đất nước thì mình làm”, ông Việt nói.
Về thời điểm tách 2 luật, ông Việt cũng đề nghị nếu thông qua luật trong 2 kỳ họp thì kỳ 10, kỳ 11 làm luôn vì 2 luật này gắn với nhau. Ông Việt cũng nhấn mạnh, chuyển giao cấp bằng lái xe là thẩm quyền của Chính phủ chứ không phải trong luật, nên khi thảo luận, các đại biểu không nên quá “nặng nề” nội dung này.
Nhiều đại biểu cũng lo là đưa sang Bộ Công an thì phát sinh bộ máy, phát sinh cơ sở (đào tạo, sát hạch lái xe), nhưng ông Việt cho biết, “thực ra thì các cơ sở đã xã hội hoá rồi, không ảnh hưởng gì cả; đào tạo cấp bằng thì lực lượng công an người ta có đủ cơ sở, nhân lực để triển khai”.
“Tóm lại, việc tách luật sẽ giúp chuyên sâu hơn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao hơn, nên Chính phủ chuyển từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, thì tôi nghĩ rằng cũng không nên nặng nề cái này nữa. Thế thì, cấp bằng lái xe mình nên ủng hộ đi thôi, khi thảo luận mình cũng không nên lấy cái này làm chính, vì không đưa vào luật”, ông Việt nói.
"Tôi là đại biểu, phải nói lọt cái lỗ tai tôi mới bấm nút được"
Mặc dù Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh cho biết việc chuyển đào tạo, sát hạch lái xe sang Bộ Công an không quy định trong luật mà thuộc thẩm quyền của Chính phủ, nhưng đại biểu Rơ Mah Tuân (Gia Lai) chỉ ra tại điều 66 dự thảo luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ có quy định rõ Bộ Công an chủ trì cấp, sát hạch giấy phép lái xe.
“Có mấy câu hỏi về việc có nên tách luật ra không; giao nhiệm vụ đào tạo, sát hạch lái xe cho Bộ Công an, tôi muốn được (giải trình) thoả mãn. Nghe phải lọt lỗ tai cơ”, đại biểu Tuân nói.
Thứ nhất, đại biểu đặt câu hỏi việc chuyển đổi có phù hợp với chức năng, nhiệm vụ hay không, vì đây là hoạt động dân sự, đúng chức năng của Bộ GTVT. Mặc dù ban soạn thảo có dẫn thế giới cũng vậy, nhưng theo đại biểu, công an Trung Quốc không phải lực lượng vũ trang như Việt Nam.
Thứ hai, có đảm bảo nguyên tắc khách quan về quản lý hay không. Đào tạo, kiểm soát, xử lý thì có phải vừa đá bóng vừa thổi còi không?
Thứ ba, bảo dù đang thực hiện ổn định nhưng chuyển sang Bộ Công an thì quản lý tốt hơn, vì tính từ năm 1995 trở về trước, khi chưa chuyển giao từ Bộ Công an sang Bộ GTVT thì thống kê của Bộ GTVT có đến 760 vụ tai nạn/100.000 giấy phép và tính từ thời điểm bàn giao cho Bộ GTVT, tính đến 2019 có 16 vụ tai nạn/100.000 giấy phép lái xe.
“Vậy nó tốt đấy chứ có phải không tốt đâu”, đại biểu bình luận và cho rằng chính Bộ Công an cũng không dám cam kết chuyển sang Bộ sát hạch lái xe thì sẽ không có giấy tờ giả và giảm tai nạn giao thông.
Về các bằng chứng cụ thể để chứng minh việc chuyển đổi sẽ tốt hơn, theo đại biểu, báo cáo giải trình chỉ mang tính định tính, chủ quan, không có đánh giá tác động mang tính thuyết phục.
“Nếu cơ sở đào tạo sát hạch đã xã hội hoá rồi thì cứ để Bộ GTVT làm đi, có vấn đề gì đâu. Tôi cũng là lực lượng vũ trang, tôi thấy nếu chuyển sang Bộ Công an quản lý, ít nhất giám đốc trung tâm sát hạch phải là thượng tá, các anh phó giám đốc phải là trung tá. Bây giờ có hơn 191 trung tâm đào tạo, hơn 2.100 sát hạch viên, chuyển sang Bộ Công an xử lý số này thế nào?”.
“Cái tốt chúng tôi cũng ủng hộ thôi, nhưng phải cân nhắc tất cả nội dung, ảnh hưởng đến nguồn lực thuế của người dân, ngân sách của Nhà nước để nuôi một bộ máy như thế. Tôi là đại biểu, phải nói lọt cái lỗ tai tôi mới bấm nút được”, đại biểu Tuân khẳng định.
Thảo luận tại tổ, các đại biểu băn khoăn dường như các bộ đang "chia việc" ra làm. Có người còn nói đùa, luật có thể tách ra làm đôi, nhưng 2 ban soạn thảo nên sáp nhập vào một.
Bình luận (0)