ĐBSCL đang dần trở thành trung tâm năng lượng quốc gia

29/11/2024 17:41 GMT+7

Ngành năng lượng vùng ĐBSCL phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây và đang dần trở thành trung tâm năng lượng quốc gia.

Ngày 29.11, Trường ĐH Cần Thơ phối hợp UBND TP.Cần Thơ tổ chức diễn đàn quốc tế SDMD lần 2, năm 2024 với chủ đề "Công nghiệp hóa - hiện đại hóa động lực cho phát triển bền vững ĐBSCL".

ĐBSCL đang dần trở thành trung tâm năng lượng quốc gia- Ảnh 1.

Hơn 400 khách mời tham gia diễn đàn quốc tế SDMD lần 2, năm 2024

ẢNH: THANH DUY

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó cục trưởng Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương), thời gian qua, chỉ số công nghiệp (IIP) của ĐBSCL liên tục tăng ở mức cao hơn so với mức tăng trung bình cả nước. Trong 9 tháng đầu năm 2024, chỉ số IIP của vùng đạt 11,7% (cả nước 8,6%); chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp đi đúng hướng; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn chiếm tỷ trọng cao và liên tục gia tăng. "Đặc biệt, ngành năng lượng của vùng ĐBSCL phát triển mạnh mẽ trong những năm trở lại đây và đang dần trở thành trung tâm năng lượng quốc gia", ông Thịnh nói.

Tuy nhiên, ĐBSCL vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Như việc đầu tư các khu, cụm công nghiệp khó khăn và chậm so với yêu cầu phát triển công nghiệp. "ĐBSCL phải ưu tiên đầu tư phát triển và khai thác tối đa các khu, cụm công nghiệp đã thành lập đến năm 2030. Trong đó, tăng cường các ngành công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ nông nghiệp. Hạn chế mở rộng, phát triển thêm mới khi các khu, cụm công nghiệp hiện hữu có tỉ lệ lấp đầy chưa cao", ông Thịnh đề nghị.

ĐBSCL đang dần trở thành trung tâm năng lượng quốc gia- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó cục trưởng Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương), phát biểu tại diễn đàn

ẢNH: THANH DUY

Tiến sĩ Trần Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường Bách khoa, Trường ĐH Cần Thơ thừa nhận, đầu tư và ứng dụng công nghệ ở ĐBSCL chưa nhiều, sức cạnh tranh còn yếu. Nguyên nhân do thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Trên 50% lao động tại ĐBSCL vẫn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, không qua đào tạo bài bản. Các ngành kỹ thuật công nghệ, đặc biệt là công nghiệp chế biến và công nghệ cao đang thiếu nguồn nhân lực trầm trọng, ảnh hưởng tới khả năng công nghiệp hóa - hiện đại hóa bền vững của vùng.

Vì vậy, ĐBSCL cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực. Đó là hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn và chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về các ngành như công nghiệp chế biến, công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, năng lượng tái tạo....

ĐBSCL đang dần trở thành trung tâm năng lượng quốc gia- Ảnh 3.

Bà Võ Thị Thu Hương, Phó giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng doanh nghiệp khoa học công nghệ rất mong sự hỗ trợ để các sản phẩm mới nhanh chóng đi vào thị trường

ẢNH: THANH DUY

Trong khi đó, bà Võ Thị Thu Hương, Phó giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng, trong việc thúc đẩy công nghiệp hóa - hiện đại hóa tại ĐBSCL không thể không nói đến vai trò của doanh nghiệp. Mặc dù thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đã được quan tâm, hỗ trợ nhiều chính sách từ Nhà nước, Chính phủ. Tuy nhiên, các thủ tục hành chính đối với những doanh nghiệp khoa học công nghệ vẫn không có sự ưu tiên để các sản phẩm mới nhanh chóng đi vào thị trường.

Bà Hương chia sẻ thêm, chính sách thúc đẩy đầu tư đối với các doanh nghiệp đi đầu trong những lĩnh vực mới (cảng, năng lượng) cũng chưa tạo được sự thuận lợi, thông thoáng như kỳ vọng. Điển hình là một số ngành mới hầu như hệ thống luật pháp chưa theo kịp. Do đó, nhiều dự án đầu tư bị vướng, phải nằm chờ vì thiếu văn bản hướng dẫn nên quá trình thực hiện tốn nhiều chi phí hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.