40% ca mắc lao ngoài cộng đồng chưa phát hiện
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) An Giang, tỉnh này chịu gánh nặng rất lớn từ bệnh lao, đặc biệt là bệnh lao đa kháng thuốc với số ca mắc đứng hàng thứ 2 trong cả nước, sau TP.HCM.
Chỉ 2 tháng đầu năm nay, An Giang phát hiện 3.462 người nghi lao; thu nhận điều trị lao các thể là 834 người; thu nhận lao kháng thuốc 31 người. Năm 2023, An Giang phát hiện gần 35.000 người nghi lao; thu nhận điều trị lao 5.467 người.
Đặc biệt, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt khoảng 60% so với số ước tính, nghĩa là có tới khoảng 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện ở cộng đồng.
Tỉnh Đồng Tháp đang xếp thứ 6 cả nước và thứ 2/13 tỉnh, thành ĐBSCL về số ca mắc lao. Số bệnh nhân lao các thể phát hiện, điều trị trong năm 2023 là 3.336 người; tỷ lệ phát hiện bệnh lao các thể là 208 người/100.000 dân; tỷ lệ điều trị thành công là 89,61%, tỷ lệ tử vong do lao là 3,88%.
Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đang nỗ lực tăng cường khám, phát hiện lao sớm; quản lý, điều trị hiệu quả, để phòng, chống lao bền vững và thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.
Tại TP.Cần Thơ, trung bình 9 người thử đàm thì phát hiện 1 ca lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học. Tỷ lệ thu nhận điều trị lao các thể đạt 221 ca/100.000 dân, tăng so với cùng kỳ (207 ca/100.000 dân). Trong đó, 2 tháng đầu năm, Cần Thơ thu nhận 454 ca lao các thể. Địa phương này đang xếp thứ 7 cả nước về số ca mắc lao.
Ở Cà Mau, dự án ACT5 chẩn đoán và điều trị nhằm xóa bỏ bệnh lao từ tháng 4.2022 đến tháng 3.2024, đã sàng lọc lao tiềm ẩn cho hơn 66.000 người tham gia ở độ tuổi từ 5 trở lên bằng xét nghiệm TST. Kết quả, có 226 ca mắc lao được chỉ định điều trị; 16.709 người được chỉ định điều trị lao tiềm ẩn; 11.446 người bắt đầu điều trị...
Khó khăn chung về nhân lực
Ông Phạm Quang Quốc Uy, Giám đốc CDC An Giang cho biết: "An Giang giáp biên giới Campuchia, có đường biên dài hơn 100 km, giao thông thủy bộ và nhiều đường mòn lối mở nên việc khám, phát hiện bệnh còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa lao, nhân lực tuyến tỉnh còn hạn chế, nhân lực tuyến huyện, xã thì thiếu, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ và chưa có bác sĩ chuyên khoa".
BS.CK2 Hứa Trung Tiếp, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Cần Thơ cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến công tác chống lao tại TP.Cần Thơ, dẫn đến đình trệ nhiều can thiệp phòng chống lao. Năm 2024, TP.Cần Thơ nỗ lực và đẩy mạnh triển khai các can thiệp tích cực phát hiện bệnh lao, lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn.
Tuy nhiên, như nhiều địa phương, khó khăn hiện nay là các tổ chống lao tuyến quận, huyện kiêm nhiệm nhiều công việc nên công tác phòng, chống lao chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh đó, thiếu cán bộ làm công tác chống lao và kinh phí hoạt động ngày càng thu hẹp, việc phát hiện, tư vấn điều trị lao gặp nhiều khó khăn; công tác quản lý bệnh nhân lao kháng thuốc còn nhiều trở ngại khi khâu cung ứng thuốc gián đoạn, quản lý biến cố bất lợi còn nhiều hạn chế…
Các địa phương ĐBSCL đang nỗ lực để tăng cường khám, phát hiện lao sớm; quản lý, điều trị hiệu quả, để phòng, chống lao bền vững. Tuy nhiên để hoàn thành mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035 như cam kết của Bộ Y tế tại lễ kỷ niệm ngày Thế giới phòng chống lao vừa qua (24.3) là rất khó khăn.
Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh lao và bệnh lao phổi thường gặp
Ho, ho ra máu, khạc đờm: ho trên 2 tuần, dùng thuốc kháng sinh không giảm. Ho ra máu cũng là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhưng phải nghĩ ngay đến bệnh lao để đi khám. Khạc đờm cũng như ho có thể do nhiều nguyên nhân mà thông thường là do viêm nhiễm. Tuy nhiên khạc đờm kéo dài, uống kháng sinh không giảm vẫn phải xét nghiệm tầm soát lao.
Gầy, sút cân không có nguyên nhân rõ ràng là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân lao phổi.
Sốt, ra mồ hôi: sốt ở bệnh lao có thể ở nhiều dạng như sốt cao, sốt thất thường nhưng hay gặp nhất là sốt nhẹ hoặc ớn lạnh về chiều, ra nhiều mồ hôi.
Các triệu chứng không đặc hiệu: chán ăn, mệt mỏi, sút cân, cơ thể suy yếu…
Bình luận (0)