ĐBSCL mùa lũ bất thường, hạn mặn khó đoán

26/12/2024 06:34 GMT+7

Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo "Đánh giá về diễn biến lũ ĐBSCL năm 2024" do Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ tổ chức ngày 25.12 tại TP.HCM.

ĐBSCL lũ bất thường

Theo báo cáo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ (Đài Nam bộ), mùa mưa năm 2024 trên Biển Đông xuất hiện 10 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới, ít hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Trong số này có bão số 3 (Yagi) và số 4 (Soulik) đi vào đất liền VN, ảnh hưởng đến khu vực thượng nguồn sông Mê Kông. Trong giai đoạn đầu mùa mưa bão từ tháng 6 - 8 ghi nhận lượng mưa thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và TBNN; giai đoạn từ tháng 9 - 10 do ảnh hưởng của 2 cơn bão nêu trên, nhất là bão Yagi, nên lượng mưa đặc biệt cao ở khu vực thượng nguồn sông Mê Kông. Điều này khiến mực nước sông Mê Kông tăng nhanh và ở khu vực đầu nguồn sông Cửu Long của VN đạt đỉnh trong tuần đầu tháng 10 ở mức tương đương báo động 1; so với năm 2023 cao hơn từ 20 - 30 cm và thấp hơn TBNN từ 40 - 55 cm. So với TBNN thì đây được xác định là một năm lũ nhỏ.

ĐBSCL mùa lũ bất thường, hạn mặn khó đoán- Ảnh 1.

Năm 2024 lũ nhỏ và đến muộn hơn trung bình nhiều năm khoảng 1 tháng

Ảnh: Q.Dũng

Trong khi mực nước lũ chỉ ở mức báo động 1 thì mực nước triều cường, đặc biệt tại khu vực vùng giữa ĐBSCL như Cần Thơ và Vĩnh Long, lại ở mức cao vượt báo động 3 từ 20 - 34 cm. Đại diện Đài khí tượng thủy văn TP.Cần Thơ, chia sẻ: Ở khu vực hạ nguồn sông Tiền, sông Hậu cơ bản nhiều khu vực có đê bao ngăn triều nên mỗi đợt triều cường, nước theo các nhánh sông vào sâu hơn bình thường. Ở khu vực hạ nguồn như Sóc Trăng và Vĩnh Long có nhiều đê bao và cống ngăn triều nhưng việc vận hành của các cống đập lại thiếu thông tin nên gây khó khăn cho công tác dự báo. Việc đê bao và cống đập này cũng khiến triều đi sâu vào các nhánh sông hơn, cụ thể như ở TP.Cần Thơ, khu vực vùng thượng nguồn là Q.Bình Thủy bị ngập nặng hơn những khu vực gần cửa sông.

Chuyên gia Nguyễn Minh Giám, nguyên Phó giám đốc Đài Nam bộ, nói: So với trước đây, mực nước lũ năm 2024 và những năm gần đây khá thấp nhưng tình trạng ngập do triều cường lại cao, gây ngập nhiều nơi ở vùng giữa và ven biển. Đây là một trong những vấn đề bất thường của mùa lũ những năm gần đây. Các yếu tố khí tượng thủy văn tác động mạnh mẽ đến công tác dự báo mưa, lũ, thủy triều tại ĐBSCL. Mùa mưa lũ năm 2024 với nhiều diễn biến bất thường đã đặt ra những thách thức lớn cho công tác dự báo và phòng chống thiên tai. Đáng chú ý, việc xây dựng các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông đã và đang gây ra những tác động sâu sắc đến chế độ thủy văn của khu vực này, đặc biệt là đối với thủy triều và lũ. Các hồ chứa thủy điện đã tích trữ một lượng lớn nước và điều tiết dòng chảy theo mục đích sử dụng của họ. Điều này dẫn đến việc giảm lưu lượng dòng chảy tự nhiên đổ về hạ lưu, làm thay đổi mùa lũ và khiến lũ về muộn hơn so với tự nhiên.

Theo các chuyên gia, so với thông thường nhiều năm thì năm 2024 đỉnh lũ xuất hiện vào đầu tháng 10, muộn hơn khoảng gần 1 tháng so với TBNN. Đây là một trong những yếu tố bất thường của mùa lũ ở ĐBSCL từ sau khi các đập thủy điện đi vào hoạt động.

Ông Giáp Văn Vinh, Trưởng Đoàn khảo sát khí tượng thủy văn Nam bộ, cho biết: Trong mùa khô năm 2024, các đập thủy điện thượng nguồn sông Mê Kông ở Trung Quốc xả rất ít nước. Trong khi đó, mùa lũ vừa rồi thì các con đập này có 3 kỳ xả nước lớn khiến mực nước lũ sông Mê Kông lên nhanh, thậm chí đạt đỉnh lịch sử tại một số trạm ngay dưới chân các con đập lớn. Tuy nhiên, hiện tại theo thông tin từ Dự án MDM (Giám sát hoạt động các đập thủy điện sông Mê Kông), các đập thủy điện thượng nguồn phía Trung Quốc đang tích một lượng nước rất lớn. Việc họ hoạt động xả nước như thế nào trong mùa khô vẫn là điều chưa chắc chắn. Do đó, diễn biến mực nước sông

Mê Kông mùa khô hạn, xâm nhập mặn sắp tới như thế nào vẫn rất khó dự báo. "MDM cũng là một kênh thông tin hữu ích giúp chúng ta có thể theo dõi diễn biến hoạt động các đập thủy điện phía thượng nguồn để bổ sung vào công tác dự báo", ông Vinh nói.

Thủy điện đầy nước, khô hạn ít gay gắt

Theo bản tin cập nhật của MDM đến ngày 15.12, trong mùa mưa năm nay, các đập thủy điện của Trung Quốc tích một lượng nước kỷ lục. Tổng lượng nước bị giữ lại ở các con đập là 23,1 tỉ m3, cao nhất từ trước tới nay. Đáng chú ý, lần đầu tiên sau 7 năm đưa vào hoạt động con đập lớn nhất trên sông Mê Kông là Nọa Trát Độ đã được tích đầy. Các hoạt động tích nước này đã làm giảm khoảng 18% lưu lượng dòng chảy tự nhiên trong mùa mưa về Chiang Saen (Thái Lan). Từ nay đến qua năm 2025, các con đập của Trung Quốc sẽ xả một phần lớn lượng nước tích trữ cao này xuống phía hạ lưu khiến mực nước sông dâng cao. 

Trong những năm trước, khi mực nước các hồ chứa của Trung Quốc cũng ở mức cao tương tự, việc xả nước để sản xuất thủy điện đã làm tăng gấp 3 lần lưu lượng dòng chảy hằng tháng tại Chiang Saen và gấp đôi lưu lượng dòng chảy hằng tháng tại Stung Treng (Campuchia). Mực nước sông dâng cao do hoạt động xả đập gây ra tác động cực kỳ nghiêm trọng đến hành vi di cư của các loài cá và những khu rừng ngập nước dọc theo sông Mê Kông, nơi các cộng đồng địa phương dựa vào để đảm bảo an ninh lương thực và nguồn nước.

ĐBSCL mùa lũ bất thường, hạn mặn khó đoán- Ảnh 2.

Mùa khô hạn năm 2025 sẽ ít gay gắt như năm vừa qua

Ảnh: Công Hân

Dự báo về mùa khô hạn năm 2024 - 2025, Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái học ĐBSCL, phân tích: Khả năng sẽ xuất hiện La Nina nhẹ và kéo dài sang tháng 3.2025. Theo đó, mùa khô năm 2025 sẽ ít khả năng có nắng nóng gay gắt. Đối với diễn biến mực nước trong lưu vực Mê Kông bắt đầu hạ và chuyển sang mùa khô. Đáng lưu ý là đỉnh lũ năm nay đến muộn hơn 1 tháng so với TBNN. Theo đó nước sẽ rút chậm hơn 1 tháng so với trung bình, có nghĩa là đầu mùa khô năm 2025, nước sông Mê Kông vẫn sẽ dồi dào, tương tự như hồi đầu mùa khô 2024 vừa qua. Hiện 58 con đập trên lưu vực Mê Kông đang trữ khoảng 46 tỉ m3 nước, chiếm 86% tổng dung tích. Thông thường vào cuối mùa mưa thì các đập đóng lại để dành nước và sang các tháng mùa khô sẽ xả ra phát điện. 

"Với các lý do trên có thể suy đoán với khả năng cao rằng mùa khô 2025, vùng ven biển ĐBSCL sẽ ít khả năng bị khô hạn. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những thời điểm mặn thọc sâu vào đất liền theo các nhánh sông Cửu Long, xảy ra vào những đợt triều cường vào ngày rằm và ba mươi âm lịch. Các đợt mặn này kéo dài vài ngày sau đó rút ra. Hiện tượng này không thực sự là "xâm nhập mặn" vì nó không diễn ra trong thời gian dài như mùa khô 2016 và 2020", ông Thiện giải thích. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.