(TNO) Sáng nay 21.5, Hội nghị Đối thoại các vùng đồng bằng trên thế giới lần II chính thức diễn ra tại TP.HCM. Hội nghị được tổ chức với sự phối hợp của ĐH Quốc gia TP.HCM và Quỹ đất ngập nước Hoa Kỳ cùng một số tổ chức khác.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM nói: Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mỗi năm sản xuất hơn 25 triệu tấn lúa và xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo nhưng không vì vậy mà vùng đồng bằng này phát triển vững chắc hơn. Ngược lại, vùng này đang phải đối mặt với nhiều bất trắc.
Đóng góp của nông nghiệp trong toàn bộ GDP của đồng bằng đã giảm từ 42% năm 2005 xuống còn 30% vào năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người từ 115% so với bình quân cả nước năm 1999 đã giảm xuống chỉ còn 85% vào năm 2010.
|
Còn Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai thì cho biết: Lưu vực sông Mê Kông hiện đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn liên quan đến vấn đề nguồn nước, tình trạng ngập mặn và những tác động khác của biến đổi khí hậu. Hiện nước mặn đã vào đến tận khu vực Tân Châu, Châu Đốc của tỉnh An Giang - và đó là điều chưa bao giờ xảy ra trong thời gian trước đây.
Các đại biểu cũng lưu ý tác động của biến đổi khí hậu và yếu tố con người cũng đang gây ra những tác động to lớn đến ĐBSCL. Trong đó, đáng kể là việc hàng loạt các hồ chứa thủy điện sẽ được hình thành trong tương lai trên thượng nguồn Mê Kông sẽ làm cho tình trạng thiếu nước vào mùa khô và ngập lũ vào mùa mưa càng thêm khó kiểm soát.
Bài học từ nước Mỹ
Dẫn chứng bài học từ vùng châu thể sông Mississippi của Hoa Kỳ, Tổng lãnh sự quán nước này tại TP.HCM, ông Lê Thành n, nói: Vùng châu thổ sông Mississippi của chúng tôi đang bị xói mòn nhanh chóng. Các trầm tích và chất dinh dưỡng nay đang bị chặn lại bởi hệ thống đê đập được thiết kế để kiểm soát lũ lụt và giao thông hàng hải thông thoáng. Tuy nhiên, ngày nay, mỗi giờ, miền đầm lầy nơi đây đang xói mòn với diện tích tương đương một sân đá banh. Hệ thống sinh thái vốn có vai trò rất quan trọng trong nông nghiệp, trong phòng chống bão và thủy triều dâng đang bị đe dọa trầm trọng.
Ông n cũng cho biết, Việt Nam cũng như nhiều vùng châu thổ khác trên thế giới đang phải đối mặt với cùng một vấn đề là làm thế nào tạo ra sự cân bằng để duy trì những giá trị mà nguồn thiên nhiên đã và đang cung cấp cho con người và không rơi vào hoàn cảnh cạn kiệt. Vấn đề của ĐBSCL còn khó khăn hơn khi là hạ nguồn của châu thổ sông Mê Kông rộng lớn. Để phát triển bền vững đòi hỏi phải có sự hợp tác xuyên biên giới. Hoa Kỳ sẽ tích cực hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam, trong việc duy trì hệ sinh thái, ổn định tại khu vực ĐBSCL. Việc hỗ trợ thông qua sáng kiến Hạ lưu sông Cửu Long của Hoa Kỳ, nhằm hỗ trợ nỗ lực hợp tác giải quyết những mối quan tâm xuyên quốc gia của Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan.
Trong hàng chục năm qua, việc phát triển ĐBSCL được tiếp cận một cách riêng lẻ theo nhiều góc nhìn khác nhau. Điều này thực tế đã mang lại những lợi ích nhất định cho ĐBSCL. Tuy nhiên, với những yếu tố đã phân tích ở trên, ĐBSCL ngày càng dễ bị tổn thương hơn.
Vì vậy, cần có những chiến lược phát triển mang tính phối hợp liên ngành và liên khu vực với sự cộng tác của cộng đồng quốc tế. Việc phát triển vùng đồng bằng này cần phải đặt trong bối cảnh tổng thể gắn kết không những giữa các tỉnh trong vùng mà cả giữa các nước thuộc lưu vực Mê Kông.
Chí Nhân
>> TP.Hà Tĩnh "ngập nước" sau cơn mưa kéo dài
>> Lại tái diễn cảnh ngập nước, kẹt xe khủng khiếp
>> Ngập nước, kẹt xe nghiêm trọng tại TP.HCM
>> Bước tiến mới trong điều trị tim mạch ở ĐBSCL
>> ĐBSCL: Sản lượng lúa đông xuân tăng
>> ĐBSCL còn 3 tỉnh có tỷ lệ người mù chữ cao
>> 400 triệu USD xây dựng Trung tâm nghề cá ĐBSCL
Bình luận (0)