Để an tâm cho trẻ đến trường

11/11/2021 05:04 GMT+7

Cha mẹ đã đi làm nhưng con trẻ vẫn học trực tuyến ? Câu chuyện nghị sự của các đại biểu Quốc hội cũng khiến nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên tranh luận.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trong phiên làm việc sáng 10.11, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) nêu thực trạng tại một số tỉnh, thành cha mẹ đã đi làm nhưng con trẻ vẫn phải học trực tuyến khiến nhiều gia đình gặp khó, đồng thời đặt câu hỏi liệu đây có phải là sự thận trọng quá mức.

Học sinh TP.HCM có thể sẽ quay trở lại trường vào tháng 12 tới

Nguyễn Loan

Trong phần trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh hiện nay các địa phương không nên chờ tiêm đủ vắc xin mới mở cửa lại trường học. “Chúng tôi đề nghị các địa phương không vì lo lắng quá mà hạn chế việc trẻ em đi học”, ông Long nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế giải thích thêm: “Vắc xin hiện nay chỉ tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, cho nên trẻ 6 - 11 tuổi không thể chờ vắc xin được bởi rủi ro ở lứa tuổi 6 - 11 không lớn. Chúng tôi khuyến cáo các địa phương mạnh dạn cho các cháu đi học, nhất là các địa phương ở cấp độ 1, 2”.

Phải an toàn

Chia sẻ trên Thanh Niên, bạn đọc (BĐ) Anh Tuan Nguyen cho biết bản thân mình là giáo viên và thực sự “mong học sinh được đến trường, nhưng phải theo một lộ trình đảm bảo an toàn”.

Việc ủng hộ các địa phương mạnh dạn đưa trẻ đến trường của BĐ Anh Tuan Nguyen còn đến từ… hiệu quả học trực tuyến: “Để có một tiết trực tuyến, giáo viên phải bỏ công sức nhiều gấp mấy lần dạy trên lớp. Nhưng buồn nhất là đi đâu cũng nghe phụ huynh than con học trên mạng cực quá, cha mẹ cực quá, học trực tuyến không hiệu quả... Nghĩ cũng ngộ, than đủ thứ nhưng khi Bộ Y tế đề nghị cho trẻ đến trường thì lại có ý kiến khác”.

Tán thành, BĐ Nhan Ho cho rằng đã xác định trạng thái bình thường mới thì phải chấp nhận việc ca nhiễm có tăng, nhưng với độ phủ vắc xin hiện nay, cùng với việc các ca nhiễm mới lại ít có triệu chứng, ít diễn biến nặng chứng tỏ các quyết sách hiện tại là chính xác.

Chỉ nên cho trẻ trở lại trường khi số ca cộng đồng ở mức thấp và khống chế được tốc độ lây lan dịch, đồng thời phải hoàn thành tiêm phủ vắc xin cho những trường hợp nguy cơ cao.

Hướng Dương

Nên cho trẻ đi học lại, đừng biện minh bất cứ lý do gì khi chính người lớn là đối tượng đi nhiều nơi và dễ mang mầm bệnh hơn trẻ!

Công Bình

BĐ Michael cũng cho rằng yếu tố an toàn rất quan trọng, nhưng nếu phản đối việc trẻ đến trường thời điểm này chỉ vì lo trẻ trở thành một “mắt xích lây nhiễm” thì đó là do chưa nhìn nhận hết vấn đề. BĐ Michael phân tích: “Cho trẻ ở nhà đâu phải là tránh hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm. Cha mẹ đi làm cả ngày liệu có chắc không mang mầm bệnh về nhà. Cuối tuần chở trẻ ra quán ăn, siêu thị các bé có chắc không tiếp xúc với F0. Khi đã mở cửa thích ứng an toàn với dịch thì trường học cũng phải thích ứng như mọi hoạt động xã hội khác”.

Trả lời những phân tích trên, BĐ Tấn Nghiệp Võ lưu ý rằng không chỉ gia đình cần thích ứng an toàn, mà xã hội cũng phải vận động khác đi, mới thực sự tránh được những “éo le” mà các bậc phụ huynh đang lo lắng. “Nếu con trẻ đi học nhỡ thành F0, thì theo quy định công ty, chúng tôi là F1 phải nghỉ làm, cách ly 14 ngày, xét nghiệm PCR âm tính mới được quay lại. Chưa kể đến khả năng gia đình bị phong tỏa, các con đưa đi điều trị, cha mẹ phải cách ly”, BĐ Tấn Nghiệp Võ nêu.

Còn không ít nỗi lo

Mặc dù người đứng đầu ngành y tế đã khẳng định “rủi ro ở lứa tuổi 6 - 11 không lớn”, nhưng nhiều BĐ vẫn muốn có thêm các dữ liệu cụ thể hơn để an tâm đưa trẻ đến trường. BĐ Huynh Quoc Vuong nêu: “Cần có số liệu cụ thể, chứ chỉ nhận định chung chung theo kiểu “có thể đưa bé đến trường” thì khó thuyết phục các bậc phụ huynh”. Suy cho cùng, nếu chưa thuyết phục được các bậc phụ huynh thì dù trường học có mở cửa trở lại cũng khó tránh khỏi cảnh… vắng học trò.

Bạc Liêu kiến nghị Bộ Y tế sớm cung cấp đủ cơ số thuốc điều trị Covid-19

Nhiều BĐ nhận xét chỉ cần xuất hiện một ca dương tính đã ảnh hưởng toàn trường học, đủ làm đau đầu các cấp địa phương và phụ huynh. Vấn đề là khi các địa phương quyết định cho học sinh đi học trở lại, cũng chính địa phương phải chịu trách nhiệm nếu chẳng may dịch bệnh lây lan. Điều đó khiến không ít địa phương “nâng lên rồi đặt xuống”. Nghị quyết 128 của Chính phủ đã nêu rõ tại các địa phương cấp độ 1, học sinh đi học bình thường. Nhưng đến nay, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, mới chỉ 22 địa phương lên kế hoạch này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.