'Để an toàn trong các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt'

30/03/2022 07:27 GMT+7

Nhân dịp ra mắt trang Công nghệ - Game, sáng nay Báo Thanh Niên phối hợp cùng Ví điện tử MoMo, Ví điện tử ZaloPay, Ví điện tử ShopeePay, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), Công ty cổ phần TNHH Tiki và Công ty TNHH Bảo mật Nam Trường Sơn tổ chức buổi tọa đàm 'Để an toàn trong các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt'.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, nhà báo Hải Thành, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên thông tin, thanh toán không dùng tiền mặt đang thay đổi một cách đáng kể trên thế giới nhờ sự góp mặt của những tập đoàn công nghệ lớn như Paypal, Grab, Revolut (hay còn gọi là các Fintech). Các đơn vị này mang đến cho khách hàng những hình thức giao dịch tiên tiến, tiện lợi, an toàn, với hệ sinh thái dịch vụ đa dạng, chi phí cạnh tranh. Đó cũng là một trong những động lực thúc đẩy các tổ chức truyền thống như các ngân hàng, tổ chức thẻ quốc tế như Visa, MasterCard phải nhìn lại mô hình kinh doanh của mình, có những nâng cấp về sản phẩm dịch vụ, hệ thống CNTT để đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.

Nhà báo Hải Thành, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên

Đào Ngọc Thạch

Sự kết hợp giữa Fintech và các tổ chức truyền thống cùng với sự thay đổi thói quen sau đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Chi tiêu trực tuyến đã gần chạm ngưỡng 25% tổng chi tiêu bán lẻ so với 15% trước đại dịch.

Tại thị trường Việt Nam, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chính, tuy nhiên từ một nhóm người dùng nhỏ, ví điện tử đang nhanh chóng giành thị phần. Điều này thể hiện qua sự tăng trưởng hơn 15% hằng năm về giá trị thanh toán qua ví điện tử. Theo khảo sát của ZaloPay, 57% người dùng dự định sử dụng ví điện tử nhiều hơn trong 6 tháng tới, điều này cho thấy tiềm năng của thị trường ví điện tử còn rất nhiều dư địa. MoMo, ShopeePay và ZaloPay là những ví điện tử phổ biến nhất, chiếm tổng số 87% người dùng ví điện tử. Trong số các nhà cung cấp hàng đầu này, MoMo và ZaloPay chiếm được cảm tình của người dùng nhờ giao dịch chuyển tiền nhanh, trong khi các chương trình khuyến mãi thúc đẩy sự phổ biến của ShopeePay.

Xu hướng liên kết với các siêu ứng dụng và tăng cường tính bảo mật sẽ giúp thu hút người dùng mới cho các ví điện tử, hứa hẹn tạo nên một thị trường hết sức sôi động trong tương lai gần. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi, nhanh chóng, thanh toán không dùng tiền mặt cũng khiến người tiêu dùng đối mặt với nguy cơ mất an toàn, từ đó làm gia tăng tâm lý ngần ngại của công chúng khi chuyển đổi thói quen mua sắm. Để hóa giải vấn đề này, cần có những giải pháp tổng thể cả về cơ chế chính sách của cơ quan quản lý nhà nước lẫn sự vào cuộc tích cực của các bên tham gia trực tiếp vào quá trình thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là nỗ lực của các đơn vị vận hành ví điện tử, các ngân hàng thương mại. Và cũng không thể thiếu việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức cơ bản về bảo mật cho người tiêu dùng trong bối cảnh đối tượng này đang mở rộng nhanh chóng ra các vùng mới đô thị hoá, vùng nông thôn, thậm chí là người lớn tuổi. Do vậy, vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông là rất quan trọng trong việc lan tỏa các thông tin nhằm nâng cao nhận thức của người dân về thanh toán không dùng tiền mặt.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Đào ngọc thạch

Sáng kiến tổ chức cuộc tọa đàm hôm nay chính là một đóng góp nhỏ của Báo Thanh Niên vào việc thực hiện mục tiêu nói trên. Điều đáng mừng là ban tổ chức đã nhận được ủng hộ, hậu thuẫn nhiệt tình của nhiều doanh nghiệp đối tác mà sự hiện diện của các vị đại diện trong hội trường này là minh chứng. Chúng ta có các diễn giả từ MoMo, Shoppee Pay và Zalo Pay là ba ví điện tử quen thuộc; có Tiki là sàn thương mại điện tử hình thành rất sớm ở Việt Nam; có HD Bank là ngân hàng danh tiếng cả về mảng bán lẻ và doanh nghiệp; có Kaspersky là tập đoàn công nghệ quốc tế mạnh về an ninh mạng. Điều này cho thấy sự quan tâm lớn và cam kết nghiêm túc của toàn ngành Fintech đối với nhu cầu bảo mật thanh toán.

Là cơ quan của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, có chức năng thông tin sâu rộng về mọi mặt của đời sống xã hội trong nước và quốc tế cho các tầng lớp nhân dân, nhất là người trẻ, Báo Thanh Niên luôn xác định công nghệ là ngành kinh tế-kỹ thuật then chốt cho tương lai phát triển của đất nước trong thời kỳ cách mạng khoa học - công nghệ. Trong nhiều năm qua, báo điện tử Thanh Niên luôn duy trì chuyên mục Công nghệ và chuyên trang Game như là sân chơi, là cửa sổ thông tin mở ra cho các bạn học sinh, sinh viên, thanh niên cập nhật kiến thức để chuẩn bị cho hành trình phía trước.

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc, và cũng để tạo ra không gian kết nối giữa công chúng và các doanh nghiệp công nghệ nói riêng và các doanh nghiệp nói chung đang chuyển đổi số, Ban Biên tập báo Thanh Niên đã quyết định hợp nhất, tạo ra chuyên trang Công nghệ-Game. Nội dung chuyên trang tập trung nhiều hơn vào các xu hướng phát triển công nghệ mới như blockchain, thành tựu và triển vọng của quá trình chuyển đổi số, hướng mạnh tới nhu cầu tiêu dùng công nghệ của giới trẻ… Bên cạnh phát triển nội dung, chuyên trang Công nghệ-Game sẽ luôn đồng hành với các doanh nghiệp để ghi nhận, phản ánh những vấn đề tồn tại, từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn chung…

Sự kiện hôm nay như một viên gạch nhỏ đánh dấu cho quá trình đổi mới của báo điện tử Thanh Niên và chuyên trang Công nghệ-Game, Ban Biên tập báo Thanh Niên chân thành cảm ơn bạn đọc gần xa, các doanh nghiệp đối tác đã tin tưởng và động viên, cổ vũ chúng tôi tiếp tục làm tròn sứ mạng của mình.

Không dùng tiền mặt là xu hướng phát triển chung của toàn cầu

Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Bá Diệp - Đồng sáng lập kiêm Phó chủ tịch Ví điện tử MoMo cho biết thanh toán không tiền mặt là xu hướng phát triển chung của toàn cầu mà trong đó nổi lên mạnh mẽ là hình thức giao dịch qua ví điện tử. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, chỉ trong 2 năm (2020, 2021), thanh toán điện tử đã tăng trưởng 3 con số.

Ông Nguyễn Bá Diệp - Đồng sáng lập kiêm Phó chủ tịch Ví điện tử MoMo

đào ngọc thạch

"Đặc biệt giao dịch thanh toán điện tử trong lĩnh vực hành chính công, trường học, bệnh viện, điện nước đã tăng rất mạnh. Không những vậy, người dân đã và ngày càng quen với việc đi chợ, mua vé máy bay, tàu xe...online. Điều này cho thấy hình thức thanh toán này như một giải pháp không thể thiếu để giải quyết nhu cầu đời thường của người dân", lãnh đạo Ví MoMo đánh giá.

Là một trong những ví điện tử hàng đầu tại Việt Nam hiện nay, MoMo dễ dàng quan sát được sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng không tiền mặt của người dân khi có tới 31 triệu người dùng ứng dụng này, riêng 2020, 2021, mỗi năm có thêm 10 triệu người dùng mới.

Theo khảo sát của ZaloPay thực hiện, 57% người dùng dự định sử dụng ví điện tử nhiều hơn trong 6 tháng tới, điều này cho thấy tiềm năng của thị trường ví điện tử còn rất nhiều dư địa. MoMo, ShopeePay và ZaloPay là những ví điện tử phổ biến nhất, chiếm tổng số 87% người dùng ví điện tử. Trong số các nhà cung cấp hàng đầu này, MoMo & ZaloPay chiếm được cảm tình của người dùng nhờ giao dịch chuyển tiền nhanh, trong khi các chương trình khuyến mãi thúc đẩy sự phổ biến của ShopeePay.

Bà Trương Cẩm Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần ZION (đơn vị chủ quản ví điện tử ZaloPay)

đào ngọc thạch

Bà Trương Cẩm Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần ZION (đơn vị chủ quản ví điện tử ZaloPay) nhận định Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để bắt kịp xu hướng tiêu dùng không tiền mặt. Cụ thể, Việt Nam có dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người đang được cải thiện những năm gần đây...

Lãnh đạo ZaloPay giải thích thêm: "Bên cạnh đó, tăng trưởng 2 con số hàng năm về doanh thu của thị trường thương mại điện tử, sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng 4G đã làm giảm đáng kể chi phí internet di động giúp Việt Nam trở thành quốc gia có chi phí internet rẻ thứ 10 trên thế giới... Tất cả đều đang góp phần đưa tiêu dùng không dùng tiền mặt ngày càng khởi sắc".

Không chỉ tại Việt Nam, các giao dịch thanh toán không tiền mặt đều được thúc đẩy tại nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước phát triển dưới nhiều phương thức khác nhau (thẻ ngân hàng, ví điện tử...). Ưu điểm của hình thức này là các giao dịch được ghi nhận nhanh, đồng bộ, dễ dàng đối soát, hướng đến nền kinh tế phát triển minh bạch và bền vững. Mặt khác, xu hướng này còn là nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển nền kinh tế không tiền mặt của một quốc gia.

đào ngọc thạch

Thanh toán không tiền mặt còn tạo sự tiện, minh bạch về dòng tiền, hạn chế tiền mặt trong lưu thông, giảm lãng phí chi phí xã hội trong việc phát hành in ấn tiền. "Có thể thấy tiêu dùng không tiền mặt giúp giảm thiểu, xóa bỏ những rào cản, hạn chế, chi phí 'ngầm' của xã hội tiền mặt. Đặc biệt, khi các yếu tố bất định như thiên tai, dịch bệnh xảy ra, thanh toán không tiền mặt đã cho thấy vai trò quan trọng trong việc giúp nền kinh tế, hệ thống thanh toán duy trì vận hành thông suốt, đảm bảo giao dịch của quốc gia, doanh nghiệp đến từng người dân không bị gián đoạn", theo ông Nguyễn Bá Diệp.

Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số HDBank

đào ngọc thạch

Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số HDBank cho biết: Nhiều năm gần đây, khách hàng dần chuyển dịch sang kênh online đặc biệt tập trung vào kênh Mobile. Không nằm ngoài xu thế đó, HDBank cũng liên tục triển khai các chương trình kích thích thanh toán không tiền mặt như: Ngân hàng số, HDBank liên tiếp thực hiện giảm phí giao dịch, miễn phí các dịch vụ, hoàn tiền, chiết khấu… khi khách hàng thực hiện mở tài khoản thanh toán online hoặc thanh toán trực tuyến. Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt qua kênh Ngân hàng điện tử của HDBank đều tăng trưởng cả trong và sau dịch. Thẻ, nhằm giúp khách hàng tối đa lợi ích khi sử dụng thẻ, HDBank đã phối hợp với các nhà cung cấp, đối tác lớn như Vietjet, Pharmacity, Thegioididong, Tiki, PNJ… để mang đến các dòng thẻ đồng thương hiệu cùng nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn.

Đại diện ShopeePay Việt Nam - ông Vũ Minh Đức, Giám đốc Vận hành, cho rằng, dịch bệnh không chỉ làm thay đổi phong cách sống, làm việc, thói quen mua sắm của người tiêu dùng mà còn là nhân tố thúc đẩy nhà bán lẻ chuyển đổi sang nền tảng trực tuyến để tiếp cận nhiều khách hàng đồng thời nắm bắt cơ hội tăng trưởng mới. Tại ShopeePay, chúng tôi nhận thấy ngày càng nhiều người dùng ưu tiên lựa chọn phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm bởi tính liền mạch, tiện lợi, an toàn và có nhiều chương trình giảm giá đi kèm. Nổi bật tại sự kiện Shopee 15.3 Siêu Hội Tiêu Dùng vừa qua, chúng tôi ghi nhận số lượng giao dịch qua ví ShopeePay tăng gấp 4 lần trong khi số lượng người dùng ShopeePay tăng hơn gấp đôi so với trung bình ngày thường. Trong bối cảnh nhu cầu người dùng sử dụng ví ShopeePay gia tăng, chúng tôi phối hợp cùng Shopee, ShopeeFood và các đối tác kinh doanh mang đến nhiều chương trình khuyến mãi, cùng cam kết mang lại sự thuận tiện khi thanh toán trực tuyến và trực tiếp tại điểm bán; đồng thời hỗ trợ tăng độ hiển thị trực tuyến tạo điều kiện cho các đối tác kinh doanh dễ dàng tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng và nắm bắt cơ hội tăng trưởng tốt hơn trong tương lai.

An toàn từ người dùng cuối

Góp ý tại tọa đàm, nhà báo Phạm Hồng Phước phát biểu: Thanh toán không tiền mặt là xu hướng chung toàn cầu, vấn đề là triển khai thực hiện như thế nào. Theo tôi theo dõi, trong thanh toán không tiền mặt, người dùng online ngày càng gia tăng. Việt Nam vừa có người dùng trẻ, internet giá rẻ, đông người sử dụng smartphone. Nhưng đó cũng là điểm yếu về bảo mật, càng nhiều người dùng thì càng nguy cơ cao. Giờ tội phạm không tập trung vào các cơ sở hạ tầng tài chính mà nhắm vào người sử dụng và đó là lỗ hổng lớn nhất. Theo tôi biết, hầu hết người thanh toán điện tử quan tâm nhất là sự an toàn trong thanh toán. Nếu an toàn họ mới chấp nhận thanh toán điện tử. Đại dịch vừa qua đã cho thấy thanh toán không dùng tiền mặt tiện lợi thế nào. Bên cạnh đó còn nhiều tiện lợi như không phải chờ đợi đổi tiền, trả lại tiền lẻ. Nhưng giờ mất điện thoại có thể là mất tiền. Mà giờ mất điện thoại dễ hơn mất ví tiền rất nhiều.

Nhà báo Phạm Hồng Phước

đào ngọc thạch

"Vậy trách nhiệm ở đâu? Các Fintech cần phải thường xuyên cảnh báo tới người dùng. Có một thực tế đúng là vấn đề đang nằm phần nhiều ở người tiêu dùng. Bây giờ các tổ chức tài chính, ngân hàng, ví điện tử nên chuyển hướng quan tâm bảo mật từ lớp người dùng, làm sao để họ sử dụng ngày càng an toàn hơn nên cần thường xuyên nhắc nhở, khuyến cáo họ. Ngoài ra nên có tổ chức đứng ra tập hợp, tổ chức, phản ánh về những sự cố liên quan tới tiêu dùng điện tử để các bên cùng xử lý. Rồi từ đó bàn thảo những vấn đề xảy ra trong xu hướng này. Các Fintech cũng nên chuyển hướng cách tiếp thị. Lâu nay chỉ xuất hiện chuyện mất tiền dù đó là số ít, nhưng lại đang tạo ra thông tin “hot”, trong khi sự tiện lợi, an toàn thế nào thì không ai nói. Tôi cho rằng phải làm sao để người dùng thấy được lợi ích, còn sự cố chỉ là những hạt sạn mà thôi", nhà báo Hồng Phước nói.

"Câu chuyện về an toàn không dùng tiền mặt phần lớn đều quy về người tiêu dùng. Đó là thực tế, nhưng chỉ nghĩ vậy thì rất khó cho người tiêu dùng và có thể khiến họ thấy mình không được an toàn. Nếu giờ cứ nhắc nhở sử dụng an toàn bảo mật thì người dùng nghe cũng sẽ nhàm chán, không quan tâm tới nữa. Fintech phải có sự chủ động để nâng an toàn lên tối đa, giảm thiểu mối nguy tới mức thấp nhất. Khi gặp sự cố xảy ra người tiêu dùng phải làm sao? Họ chỉ có cách cầu cứu bên dịch vụ nhưng mất thời gian, mất công sức mà chưa chắc đã xử lý được vấn đề. Tâm trạng cũng không thoải mái. Chi bằng ví điện tử, fintech cho người dùng cảm thấy thoải mái nhất, cùng chung sức với người dùng. Fintech nên áp dụng chân lý kinh doanh người tiêu dùng luôn luôn đúng, không phải luôn đẩy trách nhiệm về họ. Tôi nghĩ vậy mới an toàn. Như tôi đã nói cần có tổ chức đứng ra làm trung gian giữa nhà cung cấp dịch vụ tài chính và người tiêu dùng. Hiện người dùng cảm thấy bơ vơ, không tạo được áp lực trước nhà cung cấp khi xảy ra vấn đề. Nếu không còn cảm thấy an toàn, người tiêu dùng sẽ phải tìm phương án khác", nhà báo Phạm Hồng Phước cho biết thêm.

Ông Ngô Trần Vũ - Giám đốc điều hành NTSS đóng góp ý kiến tại buổi tọa đàm

đào ngọc thạch

Ông Ngô Trần Vũ - Giám đốc điều hành NTSS đóng góp ý kiến: Lừa đảo trực tuyến ngày càng nhiều và trở thành “việc làm ăn” lớn của giới tội phạm mạng. Trong khi những vụ lừa đảo trên thế giới xuất phát từ những vụ việc do các nhóm hacker sừng sỏ thực hiện thì ở Việt Nam đa số lừa đảo bằng kịch bản và kỹ thuật đơn giản, nhưng vẫn làm bao nhiêu người bị mất tiền. Các vụ lừa đảo hacker chiếm lấy tài khoản của nạn nhân rồi dùng đi lừa bạn bè của họ vẫn còn phổ biến. Các vụ lừa đảo giả công an đòi kiểm tra thông tin cá nhân, lấy OTP… là những trò lừa đơn giản nhưng nhiều người sập bẫy. Kinh nghiệm của các nước cho thấy người dùng cuối là mắt xích yếu nhất và khó nâng cấp nhất của các thành phần của hệ thống bảo mật. Một khi người dùng cuối không có ý thức về bảo mật thì dù ngân hàng có bảo mật bao nhiêu vẫn không thể bảo vệ một người dùng sơ suất khi giao dịch online. Bên cạnh đó, ý thức sử dụng bản quyền tại Việt Nam cũng còn rất thấp. Một khi người dùng sử dụng bản quyền bẻ khóa thì các phương pháp bảo mật đều không có nhiều tác dụng.

"Các phương thức lừa đảo qua mobile đang phát triển nhanh vì người dùng điện thoại quá lớn và nhu cầu giao dịch tài chính qua điện thoại cũng tăng nhanh. Người dùng đang có một suy nghĩ sai lầm khi phó mặc bảo mật vào đơn vị cung cấp dịch vụ như ngân hàng, các trang giao dịch mua bán. Trong một giao dịch online nếu người dùng tự mình tiết lộ thông tin giao dịch hoặc sử dụng thiết bị không an toàn để cho tin tặc khai thác sẽ không được bồi thường. Rất nhiều người dùng mặc định giao dịch online an toàn mà không có một phần mềm bảo mật nào trên thiết bị để chủ động bảo vệ. Có phải phần mềm bảo mật cho điện thoại quá mắc tiền nên người dùng không mua nổi? Câu trả lời là “Không”, bởi giá bán phần mềm bảo mật cho điện thoại thực tế chỉ bằng tiền mua vài ly cà phê mà thôi. Qua đó có thể thấy rằng bảo mật cho thị trường còn quá sơ khai và phải còn một giai đoạn nữa để phổ cập bảo mật đến tất cả người dùng", ông Ngô Trần Vũ thông tin và cho biết thêm, hiện tại người dùng có thói quen cài nhiều app mà không kiểm soát kỹ vô hình chung tạo hành lang cho hacker có đường tấn công vào thiết bị.

Ông Ngô Tuấn Vũ Khanh - Giám đốc Kaspersky Việt Nam

đào ngọc thạch

Tiếp lời nhà báo Phạm Hồng Phước, ông Ngô Tuấn Vũ Khanh - Giám đốc Kaspersky Việt Nam chia sẻ về phương thức chống gian lận thanh toán trong người dùng cuối. Theo ông Vũ Khanh, tại Việt Nam hiện sử dụng phần mềm an toàn không phải ít, nhưng giải pháp chống gian lận thanh toán gần như hạn chế, hiện tại chúng ta chưa quan tâm nhiều tới vấn đề gian lận thanh toán. Chúng ta bảo vệ dòng thanh toán ở phần hệ thống nhưng gian lận thanh toán 80% đến từ người dùng cuối. Ngân hàng đang chưa thực sự quan tâm tới vấn đề này. Chúng ta triển khai hệ thống chống gian lận thanh toán ở người dùng khác với hệ thống của chúng ta (ngân hàng). Một trong những thách thức lớn nhất của ngân hàng là xác thực được giao dịch thực hiện bởi chủ tài khoản hay không phải chủ tài khoản. Chúng ta biết có nhiều phần mềm khả năng theo dõi màn hình điện thoại nên bảo mật OTP cũng không phải hoàn toàn an toàn. Một giao dịch tài chính có nhiều hoạt động, thì các phần mềm, giải pháp chống gian lận thanh toán phải theo dõi, gắn cờ lên hành vi trước khi tới người dùng cuối. Trên các app ngân hàng đều có bảo mật theo chuẩn thế giới (iSecure) nhưng vẫn là quan tâm tới bảo mật nhiều hơn là chống gian lận. Và điều này chưa bao giờ là đủ trong giai đoạn hiện nay. Hiện nay các giải pháp CNTT đều sử dụng AI, ML, DeepLearning cho giải pháp chống gian lận thanh toán. Kaspersky bảo vệ bằng cách dịch vụ phát hiện ra những giao dịch ở dark web (tài khoản, CreditCard, mã nguồn, tài khoản người dùng cuối…). Những đường link internet banking, tổng đài, app giả mạo cũng có thể bị phát hiện và cảnh báo.

Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số HDBank

đào ngọc thạch

Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số HDBank thông tin: Hiện HDBank đã liên kết với 7 ví điện tử: Shopeepay, Zalopay, MoMo, VNPTpay, Truemoney, VTCpay, Moca để tăng thêm tiện ích và lợi ích cho khách hàng. Đồng thời cũng sẵn sàng hợp tác với nhiều nền tảng fintech khác để tăng tiện ích cho HDBank và tận dụng lợi thế hệ sinh thái của HDBank. HDBank đang sở hữu một hệ sinh thái riêng có, rất đặc thù, được đánh giá là độc đáo ở khu vực và thuận lợi cho chiến lược phát triển bán lẻ. Cụ thể, HDBank đang hoàn thiện và thúc đẩy khai thác hiệu quả hệ sinh thái tài chính - hàng không - bán lẻ - tiêu dùng - năng lượng - viễn thông - bất động sản. Đây là cơ sở khách hàng bán lẻ rộng lớn, nhiều tiềm năng, chưa khai thác. Hiện HDBank đang ứng dụng công nghệ để chuyển hóa khách hàng của các thành viên trong tập đoàn thành khách hàng của HDBank. Trong thời gian tới. HDBank sẽ tích hợp hệ thống eCommerce trực tiếp trên App HDBank, theo đó khách hàng có thể nhận evoucher từ các sàn thương mại điện tử trực tiếp trên App HDBank. Song song, Ngân hàng sẽ triển khai nhiều dịch vụ thanh toán và các chương trình ưu đãi để thanh toán trực tiếp với các đối e-Commer và có kế hoạch để cộng hưởng từ 2 nhóm khách hàng tài chính và khách hàng e-Com.

Chương trình diễn ra tại tòa soạn Báo Thanh Niên (268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM) từ 8 - 11 giờ 30 và được tường thuật trên các kênh của báo như thanhnien.vn, các nền tảng Facebook, YouTube của Báo Thanh Niên…

Buổi tọa đàm xoay quanh xu hướng tiêu dùng không tiền mặt trên thế giới cũng như tại Việt Nam; những lợi ích - khó khăn mà hình thức giao dịch này mang lại cho cả người tiêu dùng lẫn đơn vị cung cấp dịch vụ, các nhà quản lý. Các chuyên gia cũng sẽ chia sẻ cái nhìn chi tiết hơn về những hình thức lừa đảo trực tuyến của giới tội phạm...


Tiền 'bốc hơi' khi sử dụng ví điện tử không an toàn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.