Để cải cách hiệu quả

01/12/2020 04:27 GMT+7

Tại hội thảo khoa học chủ đề Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng giai đoạn 2021 - 2030 diễn ra hôm qua 30.11, ông Phạm Minh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, đánh giá CCHC 10 năm qua đạt nhiều kết quả tích cực, gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế xã hội.

Chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam liên tục tăng hạng từ năm 2014 đến nay, năm 2020 xếp thứ 86/193 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm 2018; chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 xếp thứ 67/141 quốc gia và nền kinh tế, tăng 10 bậc so với năm 2018.
Nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm, bộ máy hành chính giữa T.Ư và địa phương được phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; khắc phục được tình trạng chồng chéo, bỏ trống chức năng quản lý.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng nhìn nhận tốc độ CCHC còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Trong đó, cải cách về thể chế còn hạn chế và bất cập, cải cách thủ tục hành chính chưa thực sự là động lực mạnh mẽ cải thiện môi trường kinh doanh. Một số thủ tục hành chính được cắt giảm nhưng lại phát sinh thủ tục hành chính ở nội dung khác.
Đáng chú ý, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, năng lực phát hiện vấn đề và tham mưu biện pháp giải quyết vẫn còn yếu. Đáng lo ngại hơn, tình trạng cán bộ, công chức chưa làm hết trách nhiệm khi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp vẫn còn diễn ra, thậm chí nhiều nơi còn có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.
Liên quan tình trạng vừa nêu, bà Đỗ Thanh Huyền, đại diện Chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam, nhận định có phần do Việt Nam vẫn chưa có hệ thống KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc) để đánh giá hiệu quả công vụ đối với cán bộ, công chức. Thực tế, khi có hệ thống KPI kết hợp cùng các công cụ đánh giá, kiểm soát, đặc biệt là dựa trên kết nối thông qua công nghệ thông tin, thì chắc chắn tình trạng nhũng nhiễu sẽ thuyên giảm.
Đại diện Bộ TT-TT nhìn nhận dù các bộ ngành, địa phương đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục hành chính, nhưng vẫn còn tình trạng cát cứ dữ liệu, hoạt động của các cơ quan nhà nước vẫn chủ yếu vẫn dựa trên giấy tờ. Do đó, công tác quản lý dữ liệu trong thời gian cần phải được chia sẻ tối đa giữa các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Như vậy, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp thì CCHC mới đột phá thực sự, đem lại hiệu quả chung cho đất nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.