Để cái tết không còn là… mối hoạ

16/02/2016 06:00 GMT+7

Ngày tết, khi những lời chúc tụng và ước vọng may mắn, bình an vẫn âm vang thì khắp cả nước, nạn nhân của các tai hoạ trong những ngày tết chắc cũng không thua gì một cuộc chiến. Vì đâu nên nỗi…?

Ngày tết, khi những lời chúc tụng và ước vọng may mắn, bình an vẫn âm vang thì khắp cả nước, nạn nhân của các tai hoạ trong những ngày tết chắc cũng không thua gì một cuộc chiến. Vì đâu nên nỗi…?

Cảnh chen lấn trong lễ hội Chùa Hương hàng năm luôn là cơ hội để đạo trích ra tay - Ảnh: Tuấn NguyễnCảnh chen lấn trong lễ hội Chùa Hương hàng năm luôn là cơ hội để đạo trích ra tay - Ảnh: Tuấn Nguyễn
Vui quá mà… chết?!
Theo các thống kê, chỉ riêng tai nạn giao thông, trong tám ngày tết, cả nước đã có 334 vụ làm cho hơn 30.000 con người phải… ăn tết trong bệnh viện và hơn 200 người phải ra nghĩa trang. Đó là chưa kể đến hơn 3.400 ca phải nhập viện cấp cứu vì đánh nhau.
Đa số các trung tâm cấp cứu trong ngày tết đều quá tải và có lẽ các bác sĩ, nhân viên y tế của các trung tâm này là những người ăn tết kém vui nhất do phải tất bật cứu chữa những nạn nhân của các cuộc vui quá đà trong những ngày xuân.
Thật vậy, nếu thử làm một thống kê khác có lẽ sẽ thấy đa số các tai nạn giao thông hay các vụ bạo hành ngày tết đều dính dáng đến chuyện ăn nhậu sa đà.
Một tệ nạn cũng rất phổ biến trong những ngày tết là nạn móc túi. Hãy thử đi du lịch trong các ngày xuân để thấy, ở bất cứ danh lam thắng cảnh, chùa chiền, miếu mạo nào hễ có đông người tạp trung là ở đấy vang lên không phải là những lời chúc xuân, những câu kinh tụng niệm, mà là lời nhắc hãy giữ gìn đồ đạc tài sản để tránh kẻ gian trà trộn ra tay hành nghề. Những lời nhắc nhở này nghe như có mùi “khủng bố” du khách và cho thấy sự bất lực của các lực lượng giữ gìn trật tự.
Một hướng dẫn viên du lịch cho biết, ở một ngôi chùa có tiếng, cứ sau mỗi ngày tết là các vị sư phải tìm cách liên lạc với các nạn nhân của tệ móc túi để trả lại các bóp (ví) trong đó chỉ còn lại giấy tờ tuỳ thân của họ, sau khi các băng móc túi “nhân đạo” gửi trả lại cho chùa hàng rổ các vật dụng đã từng căng phồng những món tiền tiêu tết của các nạn nhân.
Một nạn móc túi “đường đường chính chính” và “hoành tráng” khác nữa chính là nạn “chém giá” trong ngày tết. Ngay như ở Đà Nẵng, thành phố vẫn tự hào là có nếp nang, quy củ trong dịch vụ du lịch, cũng có cả những quán “chém” 200.000 đồng một hộp cơm và còn niêm yết hẳn hoi. Đi du lịch ngày tết, chắc không mấy ai chẳng từng đau đớn với nạn “móc túi công khai” mà chẳng ai làm gì được này…
Quản lý quá tồi…?
Có hai nguyên nhân dẫn đến những tệ nạn ngày tết: một là nhiều người trở nên xấu tính hơn trong ngày tết và hai là khả năng quản lý xã hội trong ngày tết bị thả lỏng hay quá yếu kém.
Như những nhận xét của các nhà xã hội học, các lễ hội là những dịp để cho con người nới lỏng phần nào các quy phạm của pháp luật và đạo đức đã ràng buộc con người trong suốt năm. Ta có thể thấy điều này qua các lễ hội carnival trên khắp thế giới. Cụ thể hơn, trong ba ngày tết, ta dễ thấy các cuộc ăn chơi lan tràn, tình trạng vi phạm luật giao thông và các cuộc bài bạc gần như công khai khắp cả nước.
Các lực lượng quản lý xã hội với hàng chục sắc phục cũng lo ăn tết như những người thường và chỉ chia nhau những ca trực nên thường không đủ quân số cho việc giữ gìn trật tự ở các địa điểm tập trung “biển người” như các điểm du lịch hay các điểm tụ hội.
Lẽ ra, ngày tết chính là các ngày hoạt động tích cực nhất của các lực lượng này để bảo đảm cho niềm hạnh phúc và sự an toàn của người dân. Vì chức năng của mình, họ bắt buộc phải hy sinh niềm vui ngày tết chứ không thể cũng ăn cái tết bình thường như mọi công dân khác.
Một ví dụ điển hình cho việc này chính là lễ hội chùa Hương năm nay. Với sự “ra quân” đồng lòng của khoảng 200 cán bộ, chiến sĩ của các ngành công an, cái lễ hội thanh lịch vốn đã trở thành “bát nháo” nhiều năm gần đây đã có sự an toàn, trật tự, quy củ hẳn.
Quản lý tốt trong những ngày lễ hội chính là sự “cứu rỗi” cho những lễ hội. Như tập tục đốt pháo trong ngày tết chẳng hạn, đã “chết” hẳn trong mấy chục năm qua chỉ vì chúng ta quản lý quá kém. Tình trạng lén đốt pháo hay qua các tỉnh biên giới Trung Quốc giáp ranh với ta để chơi pháo trong ngày tết cho thấy nhiều người dân nước ta vẫn rất “thèm thuồng” với tập tục cổ truyền này.
Ngày xuân, nói chuyện quản lý nghe ra hơi “oải”, nhưng có lẽ chỉ có thế chúng ta mới tránh bớt được những mối hoạ chực chờ trong những ngày vui vẻ và hạnh phúc nhất trong năm…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.