Ngày nay, không ít người Ai Cập phải đến Israel để tìm kế sinh nhai, thậm chí làm lao động phi pháp. Thực tế này chắc hẳn khiến các pharaon, nếu còn sống, sẽ phải đau lòng bởi không ngờ thời cuộc thay đổi đến vậy. Hơn 3.000 năm trước, người Do Thái phải chịu không ít thiệt thòi dưới ách thống trị của các pharaon trên đất Ai Cập. Đây là thời điểm mà văn minh Ai Cập bao phủ cả một khu vực rộng lớn.
Xa dần hào quang
Có thể, 3.000 năm là khoảng thời gian quá lâu nên “vật đổi sao dời” cũng chẳng có gì lạ. Tuy nhiên, vị thế quan trọng của Ai Cập đối với khu vực Trung Đông thực ra vẫn được duy trì đến tận thập niên 1970.
|
Năm 1952, cuộc cách mạng, do vị đại tá trẻ Gamal Abdel Nasser phát động, đã lật đổ chế độ quân chủ để thiết lập nhà nước cộng hòa ở Ai Cập. Đến năm 1954, sau khi hạ bệ một cộng sự của mình, ông Nasser chính thức nhậm chức tổng thống ở xứ sở các pharaon. Kể từ đây, Ai Cập, dưới thời Tổng thống Nasser, liên tục khẳng định vị thế của mình đối với khu vực Trung Đông cũng như các nước Ả Rập. Năm 1956, Cairo tuyên bố quốc hữu hóa kênh đào Suez, đồng nghĩa với việc cắt đứt một nguồn lợi quan trọng của phương Tây tại đây. Vụ việc khiến Anh và Pháp nổi giận nên đã “đi đêm” với Israel để triển khai quân đội tiến chiếm bán đảo Sinai. Thế nhưng, sau cùng, cả Paris lẫn London đều không đạt được mục đích là lật đổ Tổng thống Nasser. Nhờ đó, vị thế của ông lại càng tăng cao trong khu vực, Ai Cập đóng vai trò đầu tàu đối với nhiều nước Ả Rập, đặc biệt là trước Israel.
Thế nhưng, sau khi ông Nasser qua đời (1970) rồi đến thời Tổng thống Anwar Sadat (1970-1981), vị thế của Ai Cập ngày càng đi xuống. Vai trò đầu tàu ngày nào của Cairo cũng dần mất đi, nhất là khi Ai Cập phát động cuộc tấn công Israel vào năm 1973 nhưng cuối cùng chẳng đạt kết quả nào khả dĩ. Trong khi đó, ảnh hưởng của Mỹ đối với Ai Cập ngày càng trở nên rõ nét hơn. Năm 1979, việc ký kết Hiệp ước hòa bình giữa Ai Cập với Israel, được cho là có sự tác động lớn từ Mỹ, đã diễn ra tại thủ đô Washington.
Bóng dáng tiền Mỹ
Thực sự, chẳng có gì vô lý khi giới nghiên cứu nhận định Tổng thống Sadat đã khiến Ai Cập dần lệ thuộc vào Mỹ. Theo một tài liệu về quan hệ Mỹ - Ai Cập do cơ quan khảo cứu quốc hội Mỹ công bố hồi cuối tháng 6.2013, mức viện trợ của Washington cho Cairo đã tăng nhanh dưới thời ông Sadat. Cụ thể, con số này chỉ là 1,5 triệu USD hồi năm 1972 đã tăng lên đến 370 triệu USD vào năm 1975 rồi gần 2,6 tỉ USD vào năm 1979. Từ đó đến nay, hằng năm, Washington luôn duy trì mức viện trợ từ 1,5 - 2 tỉ USD cho Cairo.
Tuy nhiên, viện trợ của Mỹ dường như ngày càng xa rời mục tiêu hỗ trợ Ai Cập phát triển kinh tế. Bằng chứng là sau khi ông Hosni Mubarak trở thành Tổng thống Ai Cập hồi năm 1981, Washington dần tập trung USD vào cánh quân đội ở Cairo. Năm 1982, viện trợ quân sự của Mỹ cho Ai Cập tăng nhanh từ con số 0 của năm trước lên 200 triệu. Con số tiếp tục tăng thành 425 rồi 465 triệu USD vào năm 1983 và 1984. Từ năm 1985, mức viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Ai Cập vượt mức 1 tỉ USD mỗi năm và dần duy trì ở mức 1,3 tỉ USD hằng năm cho đến nay. Do đó, giới quan sát nhận định Mỹ luôn giữ quan hệ khắng khít với giới quân đội Ai Cập. Mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama dù bày tỏ lo ngại việc quân đội truất phế ông Morsi nhưng chẳng hề dùng từ “đảo chính” trong bài phát biểu của mình.
Ngoài ra, Mỹ còn bị cho là đứng sau lưng nhiều hoạt động vận động chính trị ở Ai Cập thông qua những tổ chức phi chính phủ. Từ tháng 2.2012 - 6.2013, Ai Cập bắt đầu xét xử 43 công dân nước ngoài, trong đó có 19 công dân Mỹ, với cáo buộc tiếp nhận trái phép nguồn quỹ hàng triệu USD từ nước ngoài. Trong số các công dân Mỹ bị xét xử, có Sam LaHood là con trai của ông Ray LaHood - người vừa rời ghế Bộ trưởng Giao thông Mỹ vào ngày 2.7.2013.
Từ những thực tế trên, theo tờ USA Today, cả 2 lực lượng, ủng hộ và phản đối cựu Tổng thống Mohamed Morsi, đều cho rằng chính Mỹ gây ra bất ổn, cản trở quá trình tự quyết của người dân Ai Cập, nhất là khi quân đội dường như đóng vai trò quyết định trong những biến cố vừa qua tại Ai Cập. Vì thế, suốt những cuộc xuống đường gần đây của 2 lực lượng, ủng hộ và phản đối ông Morsi, người ta vẫn nhìn thấy điểm chung là họ cùng lên tiếng “chống Mỹ”.
Bởi vậy, dường như cái bóng Washington vẫn đang bao phủ những hậu duệ của các pharaon ngày nào.
Dự báo ảnh hưởng cho israel Theo tờ USA Today, Israel hiện rất quan tâm đến những gì đang diễn ra tại nước láng giềng Ai Cập. Hơn thế nữa, bán đảo Sinai trên đất Ai Cập bị cho là nơi mà các tay súng Hồi giáo chống Israel thường xuyên hoạt động. Trước đây, khi ông Mohamed Morsi nhậm chức Tổng thống Ai Cập, không ít người lo lắng rằng ông là người theo dòng Sunni và mối quan hệ của lực lượng Huynh đệ Hồi giáo nên sẽ thân thiết hơn với Hamas. Thế nhưng, thực tế hoàn toàn khác. Tờ USA Today dẫn lời Ruth Wasserman Lande, cựu quan chức tại Đại sứ quán Israel ở Ai Cập, khẳng định lo ngại trên là “vô căn cứ”. Ông Lande còn nhận xét chính quyền của Tổng thống Morsi đã thể hiện một sự quyết đoán nhất định đối với Hamas. Bán đảo Sinai đã bị kiểm soát chặt chẽ hơn, nhiều đường hầm vận chuyển hàng hóa và vũ khí bị phá sập. Vì thế, các lực lượng vũ trang khó sử dụng Sinai làm bàn đạp tấn công Israel. Mặc dù tự tin rằng quan hệ giữa Tel Aviv và Cairo sẽ tiếp tục được giữ vững thời hậu Morsi, nhưng ông Lande lo ngại nếu tình hình tiếp tục lộn xộn thì lực lượng an ninh Ai Cập khó lòng kiểm soát hiệu quả Sinai. Lo lắng này thực tế chẳng thừa khi vài ngày qua liên tục xảy ra các vụ tấn công, đấu súng tại đây. |
10 nước nhận viện trợ nhiều nhất của Mỹ năm 2013 |
Ngô Minh Trí
>> AU “treo” tư cách thành viên của Ai Cập
>> Binh sĩ Ai Cập bắn chết 3 người biểu tình
>> Giao tranh bùng phát ở Ai Cập
>> Ai Cập bắt lãnh đạo của phong trào Huynh đệ Hồi giáo
>> Quân đội phế truất tổng thống Ai Cập
>> Adli Mansour chính thức làm Tổng thống lâm thời Ai Cập
>> Quân đội Ai Cập đóng cửa các đài truyền hình
>> Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour: Một thẩm phán lâu đời
>> Mỹ xem xét viện trợ Ai Cập, Anh kêu gọi các bên bình tĩnh
>> Cựu Tổng thống Ai Cập bị bắt giữ
>> Quân đội Ai Cập phế truất Tổng thống Morsi
>> Quân đội Ai Cập chuẩn bị kế hoạch hậu Morsi
>> Tổng thống và quân đội Ai Cập thề “một mất một còn”
>> Giá dầu lên gần 102 USD/thùng vì bất ổn tại Ai Cập
Bình luận (0)