Ngay khi công bố dự án, đạo diễn người Anh Ridley Scott nổi tiếng với loạt phim Blade Runner, Alien, Thelma & Louise, Gladiator… đã khiến công chúng sục sôi chờ đón bản anh hùng ca về một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất lịch sử. Một chính trị gia ham quyền lực, một thiên tài yêu nước, một bạo chúa hay một người đàn ông có vóc dáng nhỏ bé nhưng mang khối óc và tư duy khổng lồ.
Ridley Scott tường thuật cuộc đời của Napoléon Bonaparte (do nam diễn viên đoạt giải Oscar Joaquin Phoenix thủ vai) đồng hành với các dấu mốc lịch sử như cuộc Cách mạng Pháp, vụ hành quyết nữ hoàng Marie Antoinette, từ lúc còn giữ chức vụ đại úy pháo binh sang chức tướng quân, chiến thắng trong cuộc vây hãm Toulon năm 1793, lên ngôi Hoàng đế năm 1804 cho đến khi ông bị phế truất, lưu đày rồi qua đời trên đảo Saint - Helena năm 1821. Phim tái hiện một số chiến công hiển hách của ông khắp châu Âu, châu Phi và cả thất bại đau đớn ở Waterloo.
Tác phẩm còn khai thác mối quan hệ giữa Napoléon và người vợ đầu Joséphine de Beauharnais (Vanessa Kirby). Góa phụ hơn ông sáu tuổi, đã là mẹ của 2 đứa trẻ nhưng chinh phục Napoléon từ ánh mắt đầu tiên và cũng là mối tình khiến ông đau đáu suốt đời.
Bộ phim biến tấu lịch sử
Ngay khi ra mắt, phim vấp phải sự phản đối của các nhà sử học nước Pháp về tính xác thực của câu chuyện. Ridley Scott đáp lại rằng có hàng ngàn cuốn sách nghiên cứu về Napoléon và tất cả đều không sống ở thời đại ấy để kiểm chứng.
Nam chính Joaquin Phoenix cũng trả lời tờ Empire: “Nếu bạn muốn thực sự hiểu Napoléon, thì có lẽ nên tự nghiên cứu và đọc sách. Bởi nếu bạn xem bộ phim, trải nghiệm này sẽ được kể qua con mắt của Ridley”.
Tất nhiên, không thể đòi hỏi độ chính xác của một phim giải trí Hollywood và có thể chấp nhận việc các nhân vật thoại và hát La Marseillaise, hô “Vive la France” (Nước Pháp muôn năm) với giọng đặc sệt Anh - Mỹ.
Phim được kể theo lối tuyến tính với các mốc sự kiện hiện rõ trên màn hình. Tuy vậy, có một số sai sót về thời gian, từ lúc Napoléon gặp Joséphine, ngày ký kết hiệp ước Fontainebleau cho tới cái chết của ông. Ridley Scott cũng phóng tác quá đà khi thêm một số chi tiết hình ảnh. Ví như cảnh quân Pháp bắn đại bác nổ kim tự tháp để minh họa cho việc họ chiếm Ai Cập.
Dù trải dài hơn 20 năm nhưng các nhân vật không có nhiều biến đổi về tạo hình. Napoléon của Joaquin ngay cảnh chào sân (giai đoạn 24 tuổi) trông đã như một ông bác trung niên khổ hạnh. Và suốt những năm sau đó, nhân vật chỉ thể hiện sự già đi bằng việc thêm vài cọng râu lún phún và độn cho cơ thể mập hơn đôi chút.
Mãn nhãn với cảnh chiến đấu
Được coi là bậc thầy dòng phim chiến tranh, Ridley Scott tạo nên các cảnh chiến đấu phi thường, bi thương với quy mô hoành tráng. Những cảnh viễn cho thấy toàn bộ chiến trường lấp đầy khung hình với điểm nhìn của Napoléon từ trên cao. Có những cảnh cần huy động 300 diễn viên và 100 con ngựa. Hàng trăm đại bác khi dàn trận, khói lửa bùng lên, những chiếc thuyền bốc cháy, đội quân lao qua cánh đồng bất chấp cái chết. Đạo diễn đã truyền tải thành công sự hỗn loạn, sức nóng và độ khốc liệt của chiến tranh.
Một trong những cuộc chiến có bước ngoặt với lịch sử được tái hiện là trận Austerlitz (trận Tam Hoàng) khi Napoléon bày mưu với mặt hồ đóng băng. Đạo diễn sử dụng tông màu xám lạnh, càng làm nổi bật màu máu đỏ thẫm của quân liên minh Nga - Áo khi vùng vẫy rồi chìm trong làn băng sương giá.
Cảnh duy nhất được phủ màu sắc rực rỡ là buổi Napoléon đăng quang, cùng câu nói nổi tiếng của ông khi tuyên thệ “Ta tìm thấy vương miện của nước Pháp dưới rãnh nước và dùng kiếm nhặt lên".
Lấy cảm hứng từ một số kiệt tác của các danh họa Jacques-Louis David và Jean-Léon Gérôme, Đế chế Napoleon sở hữu hình ảnh táo bạo, thiết kế mỹ thuật và phục trang kỳ công cùng kỹ thuật quay phim và ánh sáng xuất sắc.
Để làm giãn bầu không khí căng thẳng của các mâu thuẫn chính trị và tàn khốc nơi thao trường, kịch bản do David Scarpa chấp bút cũng thêm thắt nhiều khoảnh khắc dí dỏm và câu thoại châm biếm hài hước, sâu sắc.
Cốt truyện dàn trải, nhân vật thiếu chiều sâu
Napoléon nỗ lực đề cập toàn bộ sự nghiệp của chính khách vĩ đại cùng với thăng trầm thời cuộc. Tuy nhiên, Scott sa đà vào việc xây dựng hai cốt truyện về con đường chính trị lẫn đời sống tình cảm và bi kịch hoàng cung của Napoléon mà thiếu tính liên kết. Đây đều là bối cảnh tạo sự thúc đẩy cho Napoléon, mang đến góc nhìn đa chiều nhưng khiến mạch truyện rối rắm và rời rạc. Bản thân việc nén câu chuyện hơn 20 năm vào 2 giờ 38 phút đã là điều khó truyền tải lên màn ảnh.
Vanessa Kirby bị nghi ngại liệu có phù hợp vai Joséphine khi kém Joaquin tới 14 tuổi trong khi Napoléon lại trẻ hơn vợ. Tuy nhiên, cô đã hoàn thành tốt vai diễn. Vanessa lột tả sự quyến rũ, tươi vui, lúc cộc cằn, tuyệt vọng, cả cách cô thao túng chồng hay bị ông khống chế ngược lại. Một điểm cuốn hút của Joséphine mà phim không truyền tải được, đó là vai trò hậu phương và sự nhạy bén của bà khi là cầu nối cho Napoléon với triều đình và giới quý tộc.
Joaquin Phoenix lại không gây ấn tượng như bạn diễn. Joaquin không mang tới năng lượng tuổi trẻ trong những năm tháng trưởng thành của Napoléon. Anh vẫn diễn ổn, cho thấy sự uy nghiêm, mạnh mẽ lẫn hài hước nhưng thiếu sức hút của một “ông hoàng cô độc mộng mơ".
Nhà sử học François Houdecek nhận xét: “Nhân vật này rất đa diện, anh ấy là một nhà lập pháp, một nhà cải cách, một nguyên thủ quốc gia, một nhà chiến lược kiệt xuất… Nhưng chúng tôi không nhìn thấy những tầm nhìn này qua bộ phim”. Quả thật, nhân vật chính được đặt vào một chuỗi sự kiện như chứng nhân lịch sử, không chỉ rõ động lực và phương thức khiến ông thâu tóm quyền lực. Khép lại bộ phim khán giả vẫn tự hỏi Napoléon Bonaparte là người thế nào?
Tuy vậy, điểm đáng khen là Ridley Scott không xây dựng Napoléon như một kẻ độc tài man rợ. Ông gây chiến để có hòa bình, ông trân trọng đồng đội và quân dân. Nhân vật chính cũng có khuyết điểm, cũng có những phút yếu lòng.
Mối quan hệ giữa Napoléon Bonaparte và Joséphine tạo nên nhịp điệu câu chuyện: Tình yêu mãnh liệt của họ, đôi khi làm tổn thương nhau nhưng vẫn bền bỉ theo năm tháng. Bất chấp cách trở, bất chấp phải buông tay vì vận mệnh dân tộc nhưng vẫn hướng về nhau.
Một trong những phân đoạn giàu cảm xúc là khi Napoléon mang người thừa kế mới lọt lòng tới gặp Joséphine nay đã là vợ cũ. Những lá thư của Napoléon gửi bà nơi phương xa cũng đong đầy tình cảm. Và lời trăn trối của Napoléon được đưa lên phim “Nước Pháp, quân đội, chỉ huy quân đội, Joséphine” đại diện cho những gì ông trân quý và trăn trở cả đời.
Tác phẩm hoàn toàn có thể đạt tới những điểm chạm hoặc khiến khán giả suy ngẫm. Tiếc là phim ôm đồm nhiều tình tiết và diễn biến quá nhanh để trôi đi khoảnh khắc đáng giá. Các nhân vật phụ đều diễn tốt nhưng không có nhiều cơ hội thể hiện. Tuyến nhân vật có thể giải thích quá trình hình thành tính cách và lý do Napoléon đam mê quyền lực như mẹ và em trai cũng chỉ được miêu tả hời hợt.
Tóm lại, phim không thể khắc họa hết con người và sự nghiệp của một trong những hoàng đế vĩ đại nhất nước Pháp. Song, tác phẩm vẫn có giá trị truyền cảm hứng, để nhiều người tìm hiểu cuộc đời đầy thú vị của vị tướng tài hoa và người phụ nữ ông yêu cùng thời đại hoàng kim của châu Âu.
Trailer phim 'Đế chế Napoléon'
Bình luận (0)