Dè chừng với lãi suất vay trực tuyến

12/12/2018 16:22 GMT+7

Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) mới đưa ra hàng loạt lưu ý khi thực hiện vay tiền trực tuyến.

Cụ thể trong quý 3/2018, sự sụp đổ của hàng loạt mô hình cho vay trực tuyến, kéo theo các vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, tính mạng của người dân tại Trung Quốc đã đặt ra nhiều vấn đề mang tính cấp bách cho các nền kinh tế trong khu vực châu Á.
Từ thực tế ghi nhận trong thời gian qua, cơ quan này cho rằng người tiêu dùng phải cẩn trọng khi cung cấp thông tin để đăng ký khoản vay. Ví dụ chính sách thu thập thông tin của công ty nhằm mục đích gì? Tránh trường hợp cung cấp thông tin thiếu kiểm soát, dễ gây ảnh hưởng tới quyền lợi của bản thân, gia đình và bạn bè.
Quan trọng hơn, trước khi chấp nhận vay phải nghiên cứu kỹ các điều khoản của bên vay đưa ra. Đặc biệt như lãi suất vay là bao nhiêu? Cách thức tính ra sao và thanh toán như thế nào, thời hạn thanh toán...
Cơ quan quản lý nhấn mạnh: Đối với giao dịch cho vay trực tuyến có liên quan đến hoạt động kinh doanh cầm đồ, theo quy định tại khoản 1, Điều 468 của luật Dân sự 2015, lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.
Tuy nhiên, một số đơn vị sẽ tính thêm các chi phí khác như phí tư vấn, phí quản lý khoản vay… Vì vậy, người tiêu dùng nên tìm hiểu xem tổng cộng phải trả cụ thể bao nhiêu tiền? Bên cạnh đó, người vay nên yêu cầu bên cho vay cung cấp tài liệu xác nhận về thời hạn được hủy giải ngân, quy định về chi phí và cách thức gia hạn khoản vay để có thể chủ động, kịp thời xử lý khi có nhu cầu.
Vay tiền qua mạng luôn có mức lãi suất cao kèm theo nhiều chi phí khác Đ.N.Thạch
Ngoài ra, người tiêu dùng nên hỏi rõ về hình thức hợp đồng giao kết và cách thức công ty gửi cho người tiêu dùng hợp đồng để lưu giữ.  
Cuối cùng, một yếu tố khác mà cơ quan quản lý đưa ra là khách hàng cần cân nhắc khả năng tài chính trước khi vay trực tuyến. Theo ghi nhận, chi phí vay trực tuyến khá cao so với mặt bằng cho vay tại các ngân hàng. Vì vậy, mặc dù là vay các khoản có giá trị nhỏ nhưng người tiêu dùng nên có tính toán cụ thể, chắc chắn để đảm bảo khả năng trả nợ đúng hạn, tránh tình trạng phát sinh các chi phí cao và không cần thiết.
Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, trong vài năm gần đây đã có sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng, rộng rãi của các mô hình cho vay trực tuyến (online), thường được biết đến với tên gọi như: “Vay tiền nhanh online”; “Vay tiền không thế chấp”, “Vay tiền không cần gặp mặt”... Tùy vào mô hình hoạt động mà người cho vay có thể được xác định cụ thể là một đối tác hợp tác với công ty tư vấn (ví dụ như mô hình của ucash.vn; ATMonline.vn, avay.vn, clickvay.vn, doctordong.com; monily.vn, olava.vn, fastdong.com, dongshopsun.vn…) hoặc không được xác định cụ thể, có thể là tổ chức, cá nhân bất kỳ có đăng ký cho vay trên hệ thống của công ty tư vấn (ví dụ như mô hình của tima.vn; vaymuon.vn - các mô hình hiện được biết đến trên thị trường thế giới với tên gọi là mô hình cho vay ngang hàng (Peer to Peer, P2P).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.