Để công nghiệp văn hóa xứng với tiềm lực

23/12/2023 07:09 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá ngành công nghiệp văn hóa thì rộng, tiềm năng thì lớn, phong phú đa dạng nhưng chính sách cơ chế rồi kể cả thể chế còn hạn hẹp, chưa tương xứng với cơ hội và ưu thế cạnh tranh.

Ngày 22.12, lần đầu tiên Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa VN được tổ chức tại Văn phòng Chính phủ, kết nối trực tuyến tới các điểm cầu ở các địa phương. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng điều hành hội nghị.

Để công nghiệp văn hóa xứng với tiềm lực- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Nhật Bắc

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa VN, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phát triển công nghiệp văn hóa Việt.

Theo Thủ tướng, thời gian qua, các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng. Đặc biệt, việc đầu tư nguồn vốn vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH. Tuy nhiên, so với một số ngành khác thì các ngành công nghiệp văn hóa vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế. Do đó, để công nghiệp văn hóa nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa VN.

"Thắt cổ chai" chính sách và tiền

Phát biểu tại hội nghị, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng giám đốc BHD, vừa bấm đốt ngón tay vừa "đếm" giấy phép của các đoàn làm phim khi mỗi đoàn cần quay ở một địa điểm thì cần có khoảng 7 giấy phép: giấy phép của phường, giấy phép của Công ty Công viên cây xanh, giấy phép của ngành giao thông, giấy phép của quản lý phòng chống cháy nổ... Đấy là quay ở một điểm, còn nếu trong ngày đoàn phim di chuyển liên tục thì không biết bao nhiêu giấy phép. "Công nghiệp văn hóa ở nước ta đã có hơn chục năm, nhưng quản lý vẫn là quản lý văn hóa mà không phải quản lý công nghiệp văn hóa. Hai việc đó rất là khác nhau", bà Ngô Thị Bích Hạnh nói.

Bà Hạnh cũng chia sẻ về việc các tài sản trí tuệ hiện chưa thể dùng để vay vốn ngân hàng theo luật VN. Tài sản này cũng chưa được bảo hộ khi dù có ăn trộm phim vài chục tỉ cũng chỉ bị phạt hành chính. Việc vay tiền cũng rất khó. "Liệu nhà nước có thể cho vay làm văn hóa với lãi suất như nông nghiệp được không? Các quỹ sáng tạo của nhà nước mở rộng cho đầu tư nội dung số có được không? Liệu rạp chiếu ở nơi xa có thể được giảm tiền thuê đất được không? Thuế xuất khẩu hiện 0%, nhưng xuất khẩu nội dung sang Mỹ ngoài thuế ở Mỹ vẫn phải nộp VAT ở VN", Giám đốc BHD đặt vấn đề.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group, đề cập cái khó khi đầu tư vào các dự án du lịch văn hóa. "Thứ nhất, các dự án về du lịch, văn hóa đòi hỏi các nhà đầu tư quan tâm chấp nhận việc đầu tư tài chính dài hạn, với thời gian thu hồi vốn chậm. Cần có cơ chế, chính sách cụ thể nhằm thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, ví dụ cơ chế ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, cơ chế khuyến khích đối với các nhà đầu tư tham gia đầu tư lĩnh vực du lịch, văn hóa và hạ tầng kết nối", bà Hoài Anh nói.

Bên cạnh đó, bà Hoài Anh cũng nói lên cái khó của đầu tư thiết chế văn hóa như nhà hát, trung tâm thể dục thể thao, công viên…, vốn đang bị kêu thiếu liên tục. Các nhà hát không có nhà để hát, người dân thiếu nơi để tập thể dục thường xuyên, tỷ lệ diện tích xanh của công viên trên đầu người cũng quá thấp từ hàng chục năm nay. "Về cơ chế xã hội hóa đầu tư, đề nghị có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án công trình văn hóa như nhà hát, trung tâm thể dục thể thao, công viên văn hóa… theo hình thức đối tác công tư", bà Hoài Anh nêu.

Để công nghiệp văn hóa xứng với tiềm lực- Ảnh 2.

Lễ hội âm nhạc quốc tế TP.HCM HOZO

Nhật Thịnh

Các bộ phải cùng vào cuộc

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chia sẻ những ý kiến về thuế do các đơn vị làm công nghiệp văn hóa nêu lên. Ông đề nghị các đơn vị cùng tổng hợp lại để có kế hoạch thảo luận, sửa các quy định thuế liên quan đến công nghiệp văn hóa, sau đó báo cáo Chính phủ để điều chỉnh.

"Doanh nghiệp nên có danh sách, đề xuất các vấn đề cần thay đổi chính sách gửi lên. Điều chỉnh để các ngành công nghiệp văn hóa có điều kiện phát triển tốt nhất", ông Chi nói và cho biết thêm sự điều chỉnh này cũng sẽ được áp dụng với các đơn hàng nhà nước về sáng tạo. Hiện nay, ngay cả phim điện ảnh do nhà nước đặt hàng cũng đang gặp khó vì chi phí vẫn được quy định tính toán theo cách cũ, không phải tính theo lĩnh vực đổi mới sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Trần Thanh Lâm đề xuất nhà nước nên có thêm vai trò thúc đẩy công nghiệp văn hóa bằng cách tham gia thị trường văn hóa như một khách hàng. "Nhà nước trở thành khách hàng lớn của công nghiệp văn hóa - một khách hàng khó tính của văn hóa nhưng có đủ nguồn lực để trang trải. Hiện nay, việc nhà nước mua dịch vụ công có nhiều vướng mắc về thể chế, xác định giá, quy trình thẩm định phức tạp. Năm nay là năm chúng ta sửa thể chế để thực hiện luật Giá sửa đổi, giải phóng tiềm lực ở các đơn vị sự nghiệp công, trong đó có lĩnh vực văn hóa, tôi xin đề xuất cải cách để nhà nước tham gia thị trường như một khách hàng", ông Lâm nhấn mạnh.

Dành gói tín dụng ưu đãi khoảng 20.000 - 30.000 tỉ đồng

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 5 cơ sở chính trị rất quan trọng để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, gồm 2 nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và XIII, 2 nghị quyết chuyên đề của T.Ư và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc: "Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh".

"Tôi có thể nói một câu khái quát thế này, công nghiệp văn hóa thì rộng, tiềm năng thì lớn, phong phú đa dạng nhưng chính sách cơ chế rồi kể cả thể chế còn hạn hẹp, chưa tương xứng với cơ hội và ưu thế cạnh tranh của chúng ta", Thủ tướng đánh giá thực trạng hiện nay.

Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa không phải nhiệm vụ của riêng Bộ VH-TT-DL mà cần cả các cấp, các ngành, các địa phương, cả hệ thống chính trị vào cuộc mới có thể thực hiện được một lĩnh vực rộng, phong phú như thế. Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ VH-TT-DL và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan. Trong đó có chính sách ưu đãi đầu tư, hợp tác công - tư, quản lý tài sản công, thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là trong những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi (trước mắt khoảng 20.000 - 30.000 tỉ đồng) cho ngành công nghiệp văn hóa.

Thủ tướng cho rằng chỉ với một hội nghị sẽ không thể giải quyết ngay được tất cả các vấn đề đặt ra, nhưng tin tưởng rằng sau hội nghị này, chúng ta sẽ vững tin hơn, có khí thế mới, động lực mới trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.