Nhiều bài học FDI
Thu hút và kêu gọi đầu tư nước ngoài, nhất là đầu tư FDI đã mang lại nhiều cái lợi, nhất là những thay đổi đáng kể về nền kinh tế. Tuy vậy, bên cạnh đó, chúng ta cũng trả giá khá nhiều, trong đó có những chiêu trò của các nhà đầu tư nước ngoài mà luật của chúng ta chưa dự liệu được. Bất kỳ nhà đầu tư nào cũng mong mỏi thu được càng nhiều lợi nhuận càng tốt. Vì vậy việc tăng năng suất, sản lượng, tận dụng nhân lực, thời cơ… để đẩy mạnh quá trình sản xuất, cũng đồng nghĩa với việc xả thải gấp nhiều lần, hủy hoại môi trường mạnh mẽ hơn nếu chất thải không an toàn.
Vũ Ngọc Đăng (TP.Tuy Hòa, Phú Yên)
Khó hiểu
Sau dự án trên sông Đồng Nai thì đến nay lại thêm dự án dọc sông Hậu chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường tổng thể nhưng vẫn cho phép thi công và chuẩn bị đi vào hoạt động. Một nhà máy lớn chứ không phải một công trình nhỏ, khuất tầm mắt. Ấy vậy mà chẳng hiểu sao các cơ quan chức năng từ T.Ư đến địa phương lại dễ dàng, ưu ái với doanh nghiệp này như vậy. Nếu báo chí không lên tiếng, phản ánh về câu chuyện này thì có lẽ đến khi cá trên sông Hậu chết hàng loạt thì người dân mới biết chuyện, đến lúc đó đã quá muộn rồi.
Đỗ Tiến Đức (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Đừng quá ưu ái
Đành rằng các tỉnh nghèo, chưa phát triển cần phải thu hút, kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, không phải vì thành tích, vì sự phát triển trước mắt của địa phương mà phải hy sinh nhiều thứ, trong đó có môi trường. Ai cũng biết môi trường một khi đã bị ảnh hưởng, bị hủy hoại thì rất khó cũng như vô cùng tốn kém để khôi phục. Do vậy, đừng vì bất kỳ lý do gì mà chính quyền một số địa phương lại quá ưu ái đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngô Thanh Tuyên (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ)
Hơi muộn
Nhà máy giấy Lee & Man (Hậu Giang) nằm bên sông Hậu hay bất kỳ khu vực nào không quan trọng. Quan trọng là khâu xử lý nước thải của họ như thế nào, có đảm bảo an toàn trước khi xả ra môi trường hay không. Dự án này đến nay đã chuẩn bị vận hành thì bàn chuyện cấp phép hình như đã muộn. Vấn đề quan trọng bây giờ là phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng nước thải ra môi trường.
Hồ Công Cường (Q.1, TP.HCM)
Ban CTBĐ (tổng hợp)
Nguyễn Đình Vinh (Q.Tân Bình, TP.HCM)
Nguyễn Đình Phước (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
|
Bình luận (0)