Đó là lo ngại của nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Nhà nước không được "đuổi dân về" đăng trên Thanh Niên ngày 25.8.
Trách nhiệm ở đâu ?
Chủ tịch Quốc hội nói rất đúng, người dân khi có chuyện, đến bước đường cùng thì mới nhờ tòa án phân xử chứ chẳng ai muốn "vô phúc đáo tụng đình cả". Thiết nghĩ, một khi ban hành luật là phải cố gắng lường hết tất cả những tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống, chứ không nên cố gắng tìm cách để né việc. Để người dân tự xử có thể gây ra nhiều hậu quả khó lường.
Nguyễn Minh Khang ([email protected])
Đừng làm mất niềm tin
Hiện nay, có một thực tế là khi người dân gửi đơn đến cơ quan nhà nước vẫn bị hành đủ thứ nhằm tìm cách trả lại đơn. Nếu người dân có việc thì cứ nhận đơn, hoặc hướng dẫn người dân làm đúng thủ tục, còn việc giải quyết như thế nào là chuyện tính sau. Không nên tìm cách từ chối đơn của người dân ngay khi họ vừa nộp, điều này dẫn đến tâm lý bị ức chế, mất niềm tin vào pháp luật và cơ quan công quyền.
Trần Xuân Hoàng ([email protected])
Phải bao quát
Thực tế vẫn còn rất nhiều vụ việc sát với đời sống con người, phát sinh trong đời sống xã hội mà vẫn không thuộc trường hợp bộ luật Dân sự giải quyết. Như vậy, vô tình tạo ra kẽ hở cho nhiều người lợi dụng. Vì vậy, trong các quy định của luật, đặc biệt là luật dân sự, cần phải bao quát hết tất cả những lĩnh vực đời sống xã hội, không nên chỉ bó hẹp trong một số vụ việc nhất định.
Đỗ Viết Dũng ([email protected])
Thời gian qua, nhiều vụ việc xuất phát từ những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ nhặt nhưng không được giải quyết rốt ráo đã dẫn đến những vụ án mạng đau lòng. Nếu cơ quan nhà nước có trách nhiệm, cố gắng tiếp nhận và giải quyết tất cả những vụ việc của người dân thì có lẽ sẽ không có những vụ việc đáng tiếc đó.
An Phong - Hải Nam (thực hiện)
|
Bình luận (0)