Nếu trước đây, những người buôn hàng Trung Quốc phải tự sang bên kia biên giới lấy hàng, tốn kém chi phí di chuyển, phải biết tiếng để trao đổi với bạn hàng, rủi ro bị lừa, rủi ro làm thủ tục qua biên giới, bị thu hàng... thì nay, với sự hỗ trợ của công nghệ và các dịch vụ trung gian, ai cũng có thể buôn lậu.
Với cách hàng hóa nhập lậu rầm rộ hiện nay, không chỉ thất thu thuế, phí; không chỉ rủi ro về chất lượng hàng hóa không được kiểm duyệt; ngay cả những sản phẩm xuyên tạc văn hóa, lịch sử cũng có thể được “order” dễ dàng. Cụ thể, trước những lời quảng cáo đặt hàng giá rẻ từ Trung Quốc mà chẳng lo thuế hay phí, chúng tôi đặt thử 5 ấn phẩm. Trong đó có 1 bản đồ thế giới được in bởi người Trung Quốc đương nhiên không thể thiếu những thông tin sai lệch về lãnh thổ, và 1 cuốn sách là What one needs to know about South China Sea - một cẩm nang sai trái của Trung Quốc về Biển Đông.
Nếu như nhập khẩu chính thống, các tài liệu về bản đồ hay về chủ quyền phải trải qua rất nhiều khâu kiểm duyệt, thì việc nhập qua các kênh trung gian trên lại khá dễ dàng, nếu bị xét chặn thì chủ yếu “tùy tâm kiểm duyệt” từ người bán. Cụ thể, với đơn hàng trên, chúng tôi chỉ bị nhà trung gian từ chối bán 1 quyển sách về chiến tranh VN và 1 quyển sách lịch sử quân sự với lý do “đây là hàng thuộc danh mục cấm của bộ văn hóa”. Thế nhưng, 3 ấn phẩm còn lại mà trong đó có cuốn sách về Biển Đông và bản đồ thế giới vẫn được chấp nhận. Chúng tôi chuyển khoản số tiền đặt cọc (90% giá trị hàng) và được yêu cầu đợi 7 - 10 ngày. Trong quá trình này, người mua có thể theo dõi đường đi của kiện hàng: từ nhà cung cấp về kho tại Trung Quốc và về kho VN.
Sau khi đợi khoảng 1 tuần, tiếp tục 2 trong 3 ấn phẩm đã đặt hàng (là bản đồ thế giới và 1 cuốn sách về chiến tranh VN) bị từ chối với lý do “nhà cung cấp hết hàng”. Cuối cùng, đúng hẹn, chúng tôi vẫn nhận được cuốn sách What one needs to know about South China Sea vốn là cẩm nang sai trái của Trung Quốc về Biển Đông. Đây là cuốn sách chứa tràn ngập những thông tin sai sự thật về chủ quyền biển đảo, với bản đồ “đường lưỡi bò” ngay trang đầu tiên, sau mục lục.
Từ thực tế trên, thì không quá khó hiểu tại sao các món “đồ chơi giáo dục” có bản đồ “đường lưỡi bò” đã vào và được bán rộng rãi trên sàn thương mại điện tử Shopee tại VN mà Thanh Niên đã phản ánh hồi tháng 8.
Vô cùng tai hại
Trả lời Thanh Niên, chuyên gia Nguyễn Minh Đức, Phòng Thương mại - Công nghiệp VN, chia sẻ sự bất ngờ về việc buôn lậu quá dễ, và “thấy thương cho các doanh nghiệp chân chính bị làm khó”. Cơ chế “khuyến khích ngược” này sẽ vô cùng tai hại cho đất nước.
|
Bình luận (0)