Để điện ảnh Việt vươn tầm

15/09/2019 09:37 GMT+7

Năm 2000, doanh thu điện ảnh tại VN chỉ đạt khoảng 2 triệu USD. Đến năm 2018, con số này tăng lên gần 150 triệu USD.

Tuy nhiên, trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 40 - 45 phim Việt ra rạp, một con số quá khiêm tốn so với khoảng 250 phim ngoại nhập và chỉ chiếm 20 - 30% thị phần về doanh thu.
Điều đáng nói, số lượng phim nghệ thuật, độc lập ra rạp mỗi năm lại càng ít ỏi. Không chỉ vậy, với những dòng phim này, nhà làm phim gặp rất nhiều khó khăn để đưa ra rạp chiếu. Làm thế nào để tăng số lượng và chất lượng phim Việt cùng với đó là tỷ lệ thị phần doanh thu, đưa phim Việt (nhất là dòng phim nghệ thuật, độc lập) đến với đông khán giả hơn... là những câu hỏi đang được đặt ra.

Cần thêm chính sách ưu đãi

Mới đây, trên trang Facebook của mình, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đã phải nhờ khán giả “giải cứu” bộ phim Thưa mẹ con đi, bởi vì bộ phim có số lượng suất chiếu ít và lịch chiếu chủ yếu vào khung giờ “hành chính” trong buổi sáng và buổi chiều, trong khi chỉ có một số suất chiếu vào buổi tối. Việc nhiều phim Việt bị xếp vào khung giờ không thuận lợi như Thưa mẹ con đi đã là chuyện không còn lạ. Cuối năm ngoái, hai bộ phim Việt 100 ngày bên em Lật mặt 3 cũng bị “bom tấn” Avengers: Infinity War “đè bẹp” khi ra rạp vào cùng thời điểm.
Các nhà làm chính sách cần phải thấy chính các bộ phim nghệ thuật, độc lập mới giúp điện ảnh VN có một tiếng nói rõ ràng với thế giới. Tiếc rằng tôi chưa thấy bất kỳ sự ủng hộ cụ thể nào về mặt tài chính từ cơ quan quản lý nhà nước cho các phim dạng này
Đạo diễn Phan Đăng Di
“Rõ ràng nếu có những chính sách hỗ trợ phim nội địa thì phần nào sự cạnh tranh khốc liệt của phim Việt với dòng phim giải trí Hollywood sẽ dễ thở hơn. Nên chăng có những quy định về số ngày chiếu tối thiểu của phim Việt ở rạp, hay thời điểm phát hành nào đó trong năm ưu tiên dành cho phim Việt”, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc đề xuất.
Luật Điện ảnh đã quy định: Tỷ lệ số buổi chiếu phim truyện VN đảm bảo đạt ít nhất 20% so với tổng số buổi chiếu. “Tuy nhiên, quy định này còn sơ sài và trên thực tế không được đảm bảo thực thi đầy đủ, ví dụ như phân bổ phim Việt vào các phòng chiếu nhỏ, giờ chiếu ít khách”, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó tổng giám đốc Công ty BHD, bày tỏ. Bà Hạnh cũng đưa ra ví dụ về bài học từ những nền điện ảnh trong khu vực như Hàn Quốc trong việc bảo hộ điện ảnh: Ở thời kỳ điện ảnh Hàn Quốc chưa phát triển như VN hiện nay, chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng tỷ lệ giờ chiếu tối thiểu cho phim nội địa là 40%. Chỉ sau vài năm, nền công nghiệp điện ảnh nước này đã phát triển đến mức không cần sự hỗ trợ của nhà nước, và khi đó, nhà nước cũng bỏ quy định về tỷ lệ giờ chiếu tối thiểu. “Cần có quy định tỷ lệ giờ chiếu tối thiểu vào giờ vàng cho phim VN là 50% với lộ trình phù hợp và cụ thể trong giai đoạn từ 3 - 5 năm”, bà Hạnh kiến nghị.

Hai Phượng (ảnh trên), Lật mặt 4 là những phim Việt đã tạo nên kỷ lục phòng vé trong năm 2019 và được chiếu tại thị trường nước ngoài

Ảnh: ĐPCC

Mặt khác, hãng phim, nhà sản xuất trong nước cũng cần được nhà nước hỗ trợ thêm về chính sách thuế ưu đãi trong việc sản xuất và phát hành phim. “Bởi so với các nhà sản xuất nước ngoài tại VN, các hãng phim, nhà sản xuất trong nước có nguồn vốn thấp hơn nhiều trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này”, chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước lý giải.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh cũng cho rằng nhà nước cần có những chính sách ưu đãi về thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân ở mức tối đa cho những tổ chức, cá nhân đầu tư vào điện ảnh, trong đó có kinh doanh rạp chiếu. Bởi thực tế, hiện nay, 63% phòng chiếu thuộc về doanh nghiệp nước ngoài là điều không có lợi, dễ khiến đầu ra phim Việt bị phụ thuộc, thậm chí chèn ép. Tỷ lệ phân chia doanh thu bán vé phim Việt hiện nay đang bị “ép” chủ yếu ở mức dưới 50%, trong khi tỷ lệ với phim Hollywood là 60%. “Cần có các quy định cụ thể về tỷ lệ phân chia doanh thu bán vé bình đẳng giữa các doanh nghiệp cũng như giữa phim điện ảnh trong nước và nước ngoài”, bà Hạnh đề xuất.
Khán giả vẫn quan tâm đến phim Việt bên cạnh các phim nhập tại rạp chiếu NGỌC DƯƠNG

Khán giả vẫn quan tâm đến phim Việt bên cạnh các phim nhập tại rạp chiếu

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Ở góc độ nhà làm phim, đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng nhà nước cần tạo ra một cơ chế cạnh tranh công bằng trong việc tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất phim từ ngân sách. Chẳng hạn nên có chính sách hỗ trợ tài chính cho các bộ phim đầu tay, bất kể đó là phim từ hãng phim nhà nước hay tư nhân; thành lập các hội đồng thẩm định kịch bản cho những phim hưởng tiền đầu tư từ ngân sách với đại diện là các nhà làm phim uy tín, đang tham gia vào guồng máy sản xuất phim; các kịch bản được chọn vào vòng cuối phải trải qua vòng pitching (bảo vệ dự án) công khai trước khi được cấp tiền hỗ trợ sản xuất. Một trong những chính sách khác mà đạo diễn cho rằng cần có là sự thông thoáng trong kiểm duyệt.

Ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực

Theo đạo diễn Phan Đăng Di, việc đào tạo nguồn nhân lực nên là vấn đề đầu tiên phải nói đến trước khi bàn sâu và xa hơn về chiến lược phát triển. “Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất sẽ cản trở cơ hội phát triển bền vững nền điện ảnh VN trong thời gian tới là chất lượng nguồn nhân lực yếu và thiếu nền tảng đào tạo hiện đại, bài bản. Tôi cũng cho rằng các cơ sở đào tạo điện ảnh chúng ta đang có không đủ sức để tạo ra một nguồn nhân lực đủ sức cạnh tranh với thế giới. Chúng ta vẫn phải gửi người đi học ở các nước như Mỹ hay Hàn”, ông nhìn nhận.
Theo đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030, đã có những sinh viên điện ảnh được đưa sang đào tạo tại Mỹ, Úc... Tuy nhiên, cần làm sao để việc đào tạo này phát huy hiệu quả.
Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cho rằng một nền điện ảnh tồn tại và mạnh mẽ hay không vẫn nằm ở vấn đề con người. Theo bà, đào tạo cần quan tâm tới cả trong nước và nước ngoài, cũng như thực hành làm việc trong những đoàn làm phim quốc tế chuyên nghiệp. “Quan trọng là chúng ta phải học hỏi được một quy trình làm phim có hệ thống. Chỉ khi mọi thứ được vận hành một cách có hệ thống và bài bản thì chúng ta mới có thể đi xa được”, bà Ngọc bày tỏ.
Cũng theo mục tiêu của Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì đến năm 2030, điện ảnh Việt có những tác phẩm đoạt giải thưởng quốc tế cao và tài năng điện ảnh tầm cỡ trong khu vực và thế giới. Theo đạo diễn Phan Đăng Di, trong khoảng 10 năm trở lại đây, điện ảnh VN được biết đến ở nước ngoài chủ yếu thông qua dòng phim nghệ thuật độc lập. “Các nhà làm chính sách cần phải thấy chính các bộ phim nghệ thuật, độc lập mới giúp điện ảnh VN có một tiếng nói rõ ràng với thế giới. Tiếc rằng tôi chưa thấy bất kỳ sự ủng hộ cụ thể nào về mặt tài chính từ cơ quan quản lý nhà nước cho các phim dạng này. Tất cả các phim độc lập nghệ thuật của VN được sản xuất ra chủ yếu đều từ tiền của các nguồn hỗ trợ quốc tế hoặc của các nhà đầu tư tư nhân”, đạo diễn nói.
Năm 2019, tại một số liên hoan phim quan trọng của thế giới như Locarno, Busan, sự hiện diện mạnh mẽ của các nhà làm phim VN đã cho bạn bè thế giới và khu vực phải kinh ngạc. Cơ hội của điện ảnh VN rõ ràng là rất lớn trong khu vực nếu chúng ta có những chính sách phù hợp để hỗ trợ nền điện ảnh, hỗ trợ các nhà làm phim trẻ tài năng.

Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc

Có chiến lược nghiêm túc về đào tạo. Minh bạch, công tâm trong chính sách hỗ trợ tài chính sản xuất phim. Cởi mở trong kiểm duyệt. Biết trọng người tài. Nếu có bốn thứ đó thì điện ảnh sẽ tự khắc phát triển.

Đạo diễn Phan Đăng Di

Đừng để kiểm duyệt là rào cản

Không ít nhà đầu tư phim vẫn e ngại trước những vấn đề còn tồn tại trong kiểm duyệt phim.
“Việc thẩm định và xét duyệt phim hiện tại có muôn vàn khó khăn với các thể loại phim có sử dụng yếu tố bạo lực hoặc tính dục trong phương thức kể chuyện phim (thông thường với các phim thuộc thể loại kinh dị, hành động...). Khi gặp khó khăn với đường hướng làm phim này, những người làm phim Việt đành phải chọn các thể loại phim “hài nhảm” với các câu chuyện ngôn tình để đảm bảo an toàn trong quy trình kiểm duyệt phim hiện có, từ đó cũng đã vô thức giới hạn và tạo nên thế “triệt buộc” với rất nhiều dự án phim có tính thể nghiệm hoặc mong muốn tạo đột phá trong phương cách thể hiện ngôn ngữ điện ảnh mạnh bạo và đa thể loại phối trộn”, chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước nhìn nhận.
Điện ảnh VN đã có hệ thống phân loại phim theo độ tuổi mới. Tuy nhiên, theo đạo diễn Phan Đăng Di, trong khi hệ thống này được nhiều quốc gia tiên tiến áp dụng chủ yếu để tránh tình trạng phải cắt phim khi chiếu ra cho công chúng, trong đó có cả trẻ em, thì chúng ta đang làm ngược lại: vừa yêu cầu cắt phim, vừa hạn chế độ tuổi.
“Việc này giống như là kiểm duyệt 2 lần, và trong nhiều trường hợp, điều đó vừa gây ức chế cho nghệ sĩ, vừa tốn kém cho nhà sản xuất mà hiệu quả thực tế không cao, vì cho dù không được tiếp cận với bản phim hoàn chỉnh ngoài rạp, khán giả có thể dễ dàng xem bản hoàn chỉnh trên mạng”, đạo diễn nói. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.