Dời từ mặt bằng... lên xe di động
Hai vợ chồng Đặng Hưng Sang (33 tuổi) và Nguyễn Thị Lệ Chi (30 tuổi), quê ở H.Thủ Thừa, Long An, từng có một sạp để kinh doanh rau, củ, quả trên đường Hồ Học Lãm, Q.Bình Tân, TP.HCM, nơi tập trung khá nhiều công nhân ở trọ.
Thời gian gần đây, việc buôn bán không còn thuận lợi, khách mua không còn đông như trước, nên Sang và Chi quyết định trả mặt bằng để đỡ chi phí thuê giá 1,6 triệu đồng/tháng.
Và thay vì bán tập trung một chỗ, cả hai đã đưa hàng hóa lên xe và bán ở khắp mọi nẻo đường. "Nhờ vậy mà lượng hàng bán ra khá ổn. Chỉ có điều hơi cực hơn trước vì phải chạy xe di chuyển liên tục", Sang kể.
Anh Nguyễn Thái Duy (35 tuổi), quê ở H.Ninh Sơn, Ninh Thuận, cũng từng thuê mặt bằng trên đường Linh Trung, TP.Thủ Đức để kinh doanh dép, chuyên cung cấp sỉ và lẻ những mẫu mã dép bình dân cho người có thu nhập thấp.
Hai tháng trước, Duy cảm thấy nguồn thu từ việc kinh doanh không nhiều hơn số tiền chi ra để thuê nơi bán (là 800 ngàn đồng/tháng) nên quyết định không tiếp tục thuê mặt bằng. Thay vào đó, Duy mua xe ba gác và rong ruổi khắp nơi để bán dép. Có nhiều khi, Duy chạy xe để bán dép ở cả TP.Thủ Đức, TP.Dĩ An (Bình Dương), Q.12, Q.Gò Vấp...
Chia sẻ mặt bằng
Nguyễn Lê Việt Quang (31 tuổi), quê ở TP.Đà Lạt, Lâm Đồng, thuê một mặt bằng với giá 40 triệu đồng/tháng để kinh doanh đồ nướng trên đường Phạm Văn Đồng, Q.Bình Thạnh. Quang cho biết có những thời điểm việc kinh doanh khá ảm đạm, trong khi giá thuê không giảm, nên nhiều lần Quang thoạt nghĩ trả mặt bằng tìm nơi khác buôn bán.
"Nhưng nếu bỏ đi thì mất khá nhiều lượng khách quen. Và mở một quán mới phải tốn thời gian, công sức rất nhiều. Cũng như là chưa hẳn địa điểm mới sẽ thu hút khách như vị trí hiện tại", Quang nói.
Và sau nhiều lần suy đi tính lại, Quang quyết định giữ lại mặt bằng. Nhưng để giảm gánh nặng tiền thuê, Quang chia sẻ mặt bằng với người khác. Theo đó, vì đặc thù việc kinh doanh chỉ hoạt động vào 16 giờ trở về khuya nên Quang cho một chủ khác kinh doanh cà phê và đồ điểm tâm vào buổi sáng. Quang cũng làm vách ngăn ở khu vực phía trước quán để cho người khác thuê lại bán mỹ phẩm.
"Nhờ cho thuê lại như vậy nên mỗi tháng chỉ còn tốn tiền mặt bằng khoảng 25 triệu đồng. Trong thời buổi vật giá leo thang thì tiết kiệm được khoản nào sẽ đỡ khoản đó", Quang nói.
Cũng ở con đường bán buôn sầm uất, nơi được mệnh danh là "cung đường ăn uống", tập trung nhiều người trẻ này, việc chia sẻ mặt bằng khá nhiều.
Huỳnh Thanh Chí (28 tuổi), ở Q.8, kinh doanh quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng khoảng gần 1,5 năm qua. Vào đầu tháng 5, Chí cảm thấy không thể gồng gánh nổi chi phí mặt bằng lên đến 30 triệu đồng/tháng cùng áp lực mỗi ngày buộc phải có doanh thu ít nhất 1 triệu đồng (chưa tính chi phí điện nước, nguyên vật liệu, tiền công nhân viên) nên đã nghĩ đến cách cho thuê lại mặt bằng.
Giờ đây, Chí đã có 3 người cùng thuê. Chí vẫn kinh doanh cà phê, có nhạc, có DJ... vào mỗi tối. Hai người còn lại, một người kinh doanh quán ăn, một người mở cơ sở làm nhà kho ký gởi.
Chị Nguyễn Thị Hồng Thúy (35 tuổi), ở Q.Bình Tân, thuê mặt bằng trên đường số 2, Q.Bình Tân, với giá 6 triệu đồng/tháng để mở spa. Vài tháng gần đây, cảm thấy không thể kham nổi chi phí thuê nên chị Thúy đã đăng tin chia sẻ mặt bằng và có những người chuyên dịch vụ làm móng, gội đầu... đồng ý thuê lại.
Thạc sĩ Đỗ Trọng Hậu, Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, cho rằng việc chia sẻ mặt bằng là cách giải hay và thông minh của người trẻ khởi sự kinh doanh trong bối cảnh việc buôn bán không thuận lợi, sức mua giảm.
"Không thể cứ ôm lấy mặt bằng khi mà chi phí thuê ngốn cả lợi nhuận, doanh thu không thể bù chi phí. Để tránh việc phải "tháo chạy", rơi vào làn sóng trả mặt bằng và không thể tiếp tục kinh doanh, thì việc chia sẻ mặt bằng, để người khác cùng gánh chi phí thuê là cách để duy trì việc buôn bán", ông Hậu nói.
Bình luận (0)