Để doanh nghiệp quyết giá xăng dầu được không?

04/12/2023 06:38 GMT+7

Theo Bộ Công thương, quy định mức chiết khấu riêng cho đại lý bán lẻ xăng dầu là hạn chế tính linh hoạt và cạnh tranh chi phí giữa các thương nhân. Vậy có thể bỏ quy định về chi phí định mức, định mức lợi nhuận để tiến đến thị trường xăng dầu thực sự hay không?

Định mức chiết khấu: Bộ nói không, DN nói cần thiết

Liên quan đến chi phí kinh doanh định mức trong giá thành cơ sở, doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu nhiều lần kiến nghị cần có quy định mức chiết khấu riêng cho đại lý bán lẻ xăng dầu trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu. Mới đây, Bộ Công thương đã có thư trả lời rằng chi phí kinh doanh định mức và quy định về mức chiết khấu trong công thức giá xăng dầu cơ sở đã được xem xét đánh giá và xử lý trong quá trình xây dựng Nghị định số 80/2023. Nếu quy định mức chiết khấu riêng cho đại lý bán lẻ xăng dầu sẽ hạn chế tính linh hoạt cũng như hạn chế sự cạnh tranh về chi phí giữa các thương nhân.

Để doanh nghiệp quyết giá xăng dầu được không ? - Ảnh 1.

Theo một số chuyên gia, nghị định mới về kinh doanh xăng dầu đang điều hành xăng dầu theo thị trường cạnh tranh hơn

ĐÀO NGỌC THẠCH

Chưa kể theo Thông tư 104/2021 của Bộ Tài chính, chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là khoản chi phí tổng hợp tối đa chỉ có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu. Chi phí này bao gồm chi phí lưu thông xăng dầu trong nước (chi phí bán buôn, bán lẻ) của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, đã bao gồm chi phí dành cho thương nhân phân phối, nhận quyền bán lẻ, tổng đại lý, và đại lý xăng dầu. Nghĩa là mức chiết khấu cho đầy đủ các đối tượng liên quan khi tham gia chuỗi cung ứng xăng dầu đã được tính trong chi phí kinh doanh xăng dầu định mức và do các DN tự thỏa thuận trong hợp đồng, dựa trên các cơ sở: phát triển hệ thống phân phối, quy mô, sản lượng tiêu thụ; phương thức thanh toán, điều kiện giao hàng và quan hệ mua bán giữa các DN.

"Chiết khấu cũng là một trong những yếu tố cạnh tranh quan trọng giữa các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu để mở rộng thị phần của mình. Hiện thương nhân tham gia trong chuỗi kinh doanh xăng dầu dưới các loại hình: thương nhân đầu mối kinh doanh, đầu mối sản xuất, phân phối, tổng đại lý, đại lý bán lẻ, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu… Nên nếu quy định mức chiết khấu riêng cho đại lý bán lẻ xăng dầu thì cũng phải quy định tương tự cho các loại hình thương nhân khác trong chuỗi kinh doanh xăng dầu nói trên. Nếu quy định như vậy sẽ hạn chế tính linh hoạt cũng như hạn chế sự cạnh tranh về chi phí giữa các thương nhân", Bộ Công thương nêu quan điểm.

Trao đổi với Thanh Niên, một số DN bán lẻ xăng dầu phía nam cho rằng lý giải của Bộ Công thương chưa thỏa đáng do khoản chi phí định mức và lợi nhuận định mức không rõ ràng nên DN bán lẻ luôn trong tâm thế bị đầu mối "ép" chiết khấu. "Ngày nào còn duy trì chi phí định mức và lợi nhuận định mức, cần có hội đồng phân chia lại giá trị 2 khoản này theo các khâu trong hệ thống phân phối nhằm tránh sự chèn ép. Như vậy mới cạnh tranh công bằng. Ngoài ra, dữ liệu của Bộ Tài chính để đưa ra chi phí định mức cho Bộ Công thương tham vấn tại mỗi kỳ điều chỉnh giá cần có sử dụng dữ liệu của bán lẻ…", một DN bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM nêu quan điểm.

Bỏ được không?

Đó là câu hỏi nhiều người đặt ra, nhất là trong bối cảnh chúng ta luôn mong muốn và hướng tới một thị trường xăng dầu cạnh tranh thực sự.

Chuyên gia về giá, Chủ tịch Hội Thẩm định giá VN Nguyễn Tiến Thỏa nhấn mạnh: "Ngay từ khi Nghị định về kinh doanh xăng dầu đang sửa đổi, tôi có quan điểm rõ về quản lý giá. Đó là giá cơ sở xăng dầu tại mỗi kỳ điều chỉnh nên mang tính định hướng, còn lại để DN được quyết định theo cung cầu thị trường. Chi phí định mức cũng vậy, chỉ nên định hướng và để DN quyết định cụ thể. Hiện trong quản lý giá xăng dầu, chúng ta đang lạm dụng công tác bình ổn và tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu hay áp dụng giải pháp này, giải pháp khác về giá, cũng nên mang tính định hướng mà thôi. Đằng này, việc điều hành từ định hướng biến thành chỉ đạo cứng khiến thị trường khó có thể hoạt động bình thường và có cạnh tranh như mong muốn được". 

Cũng theo ông Thỏa, hiện chu kỳ tính giá đang được rút ngắn từ 10 ngày xuống 7 ngày, việc cập nhật các chi phí đưa xăng dầu về nước được tính đúng, tính đủ kịp thời sẽ giúp giá trong nước sát với giá thế giới hơn, giảm thiểu sự lệch pha giữa giá trong nước và thế giới. Bên cạnh đó, DN bán lẻ được lấy hàng từ nhiều nguồn, yếu tố cạnh tranh giữa các đầu mối, phân phối cũng cao hơn. Từ đó, tình trạng giảm mạnh chiết khấu, găm hàng chờ giá mới hay tăng chiết khấu mạnh để xả kho… sẽ giảm đáng kể.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế - tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng chi phí định mức hiện tại chính là mức định hướng, theo tính toán từ dữ liệu của các DN đưa lên. Giá mới công bố vào ngày thứ năm hằng tuần theo Nghị định 80 cũng là giá cơ sở, bán ra thị trường không được cao hơn mức đó. Như vậy, giữa bán buôn và bán lẻ phải có mức giá mua thỏa thuận thấp hơn mức giá bán ra do nhà nước quy định. Trước mỗi kỳ điều chỉnh giá, Bộ Tài chính vẫn có thông báo cho Bộ Công thương để có giá cơ sở sát thực tế. 

Đó là định hướng. Vấn đề nảy sinh ở đây là các DN bán lẻ độc lập, không phải đại lý thuộc hệ thống kinh doanh của các DN đầu mối hay thương nhân phân phối, như vậy, mức chiết khấu bán lẻ thế nào phải phụ thuộc vào thỏa thuận giữa 2 bên. 

Ông nói: "Nghị định về kinh doanh xăng dầu sửa đổi và bổ sung từ 2 nghị định cũ cho thấy quyền lợi của nhà bán lẻ xăng đầu được đề cập cụ thể hơn và đó cũng là vấn đề DN bán lẻ kiến nghị trước đây. Đó là một DN bán lẻ được phép lấy hàng từ nhiều nguồn (tối đa 3 nguồn), thay vì chỉ một nguồn theo quy định cũ. Nếu lấy hàng từ nhiều nguồn, sẽ có sự cạnh tranh về chiết khấu và chi phí bán hàng. Có thể thương nhân phân phối A đưa ra mức thù lao bán hàng 500 đồng/lít, nhưng ông B đưa ra mức 450 đồng/lít, ông C lại đưa mức 700 đồng/lít. 

Đó là cạnh tranh, chính các bên thỏa thuận, tự tính với nhau giữa các khâu bán buôn và bán lẻ. Rõ ràng để cạnh tranh, bán được hàng nhiều hơn, các đầu mối, phân phối phải đưa ra mức thù lao hấp dẫn hơn. Khi các chi phí đưa xăng dầu về nước, từ nhà máy về cảng được cập nhật thường xuyên, nhà kinh doanh nào cũng tranh nhau để lấy hàng về bán càng nhiều càng tốt. Bán lẻ có sự chọn lựa lấy nguồn hàng từ nhiều nơi, yếu tố cạnh tranh giữa bên bán và bên mua đã hình thành tương đối tốt hơn, yếu tố độc quyền cũng giảm dần".

Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho rằng nhà nước đang quản lý giá xăng dầu cũng như giá điện nên việc bỏ hẳn chi phí định mức hay lợi nhuận định mức cho DN nói chung là chưa thể được. "Chúng ta đang điều hành để tiến đến thị trường xăng dầu sát thị trường thế giới. Yếu tố mới cần ghi nhận là có cạnh tranh khi rút ngắn thời gian điều chỉnh giá, để DN lấy hàng từ nhiều nguồn… Như vậy, giá cả trong thực tế chính các chủ thể đàm phán với nhau mà không vượt mức nhà nước quy định. Nghị định mới sửa đổi đã trao quyền cho DN tại các khâu nhiều hơn, DN vận hành theo nguyên tắc thị trường hơn…", PGS-TS Đinh Trọng Thịnh bổ sung. 

Hiện không có quy định mức chi phí định mức bao nhiêu cho từng khâu trong chuỗi phân phối vì hạn chế sự cạnh tranh và chi phí giữa các thương nhân song chi phí định mức tổng lại được đưa vào trong tính giá cơ sở. Tháng 11.2022, Bộ Tài chính thông báo cho điều chỉnh tăng chi phí định mức từ 5 - 83%, tương ứng với 60 - 660 đồng/lít/kg so với trước đó.

Cụ thể, xăng nền để phối trộn xăng E5 RON92 là 640 đồng/lít; xăng RON95 là 1.280 đồng/lít; dầu diesel 730 đồng/lít; dầu hỏa 1.740 đồng/lít; dầu mazut 1.350 đồng/kg. Các khoản này sẽ được Bộ Tài chính xem xét, thông báo khi có dữ liệu mới từ báo cáo của các DN đầu mối xăng dầu tại các kỳ điều chỉnh giá. Ngoài ra, lợi nhuận định mức tối đa được áp dụng trong công thức tính giá cơ sở là 300 đồng/lít.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.