"Tiền ăn còn chật vật xoay xở thì lấy gì về quê"
Quê ở tỉnh Bạc Liêu, anh Võ Hồng Mến (36 tuổi), ngụ tại đường số 14, khu phố 4, P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức đến TP.HCM sinh sống và làm việc nhiều năm nay. Thế nhưng 2 năm trở lại đây kinh tế khó khăn khiến vợ chồng anh phải đau đầu, khổ sở gấp bội vì chuyện tiền bạc. "Cả vợ chồng đều xa quê, tôi ở Bạc Liêu còn vợ quê Quảng Ngãi. Mọi năm làm cũng đủ trang trải nhưng 2 năm trở lại đây cứ bù lỗ", anh Mến chia sẻ.
Anh Mến đang làm việc cho một công ty ở TP.Thủ Đức còn vợ mới sinh em bé được 4 tháng nên ở nhà vừa trông con vừa buôn bán với xe bún bò nhỏ ngay trước nhà. Nhìn vào rổ bún đang còn đầy ắp, chị Lê Thị Niên (34 tuổi, vợ anh Mến) thở dài: "10kg bún mà bán cả ngày nay vẫn không được một nửa. Dạo này kinh tế khó khăn, nhiều người cũng thắt chặt chi tiêu, hạn chế ăn ngoài nên buôn bán ế ẩm lắm. Nhiều ngày liền cả nhà phải ăn bún thay cơm, ăn hoài phát ngán nhưng biết làm sao được".
Chị Niên rầu rĩ: "Ngày nào cũng lấy công bù lỗ. Vì lỡ thuê mặt bằng ở đây rồi nên vợ chồng cố gắng cầm cự chứ không thể bỏ được. Nhiều hồi nghĩ chả lẽ bây giờ phải về quê chứ làm ăn thế này không biết ráng được đến bao giờ".
Tiền kiếm được từ xe bún bò chẳng bao nhiêu nên mọi chi tiêu, sinh hoạt trong nhà đều phụ thuộc vào tiền lương công nhân hằng tháng của anh Mến. Thế nhưng vì không có đơn hàng, thời gian dài không được tăng ca, có tuần nghỉ tận 3 ngày nên lương mỗi tháng của anh Mến cũng chỉ 7 triệu đồng. Tiền lương ít ỏi nhưng rất nhiều khoản chi tiêu bủa vây.
"Tiền bỉm sữa cho con nhỏ, học phí cho đứa lớn, nặng nhất là tiền nhà, chỗ này tôi thuê 1 tháng tính luôn điện nước là 7 triệu đồng. Chưa kể con đau ốm, tiêm vắc - xin rồi tiền ăn uống nữa. Thử hỏi lương 1 tháng làm sao xoay đủ. May là trước kia vợ chồng đi làm dành dụm được một ít nên lấy ra bù thêm vào. Nếu số tiền dành dụm kia hết thì cả nhà chẳng biết làm thế nào. Suốt hơn 1 năm nay 2 vợ chồng không dám sắm bộ quần áo mới", anh Mến tâm sự.
"Mỗi lần đến tết là nhớ nhà kinh khủng nhưng mình không có điều kiện về nên chỉ gọi điện video về nhà rồi cảm nhận không khí tết quê qua màn hình điện thoại. Tết năm nay cũng định ở lại thành phố vì tiền ăn còn chật vật xoay xở thì lấy gì về quê, nhưng khi nghe thông tin được hỗ trợ vé xe vợ chồng mừng lắm. Giờ chỉ trông nhận được vé cho cả nhà về quê thôi", chị Niên tâm sự.
"Nhớ nhà nhưng chỉ biết khóc"
Đến phòng trọ của Trần Thị Thu Hương (30 tuổi) ở đường ĐHT 09, P.Đông Hưng Thuận, Q.12 (TP.HCM) lúc gần 20 giờ, chiếc áo đồng phục của công ty may Nam Thiên vẫn chưa được thay ra, Hương kể hôm nay tăng ca nên vừa về đến nhà. Quê ở xã Thanh Thạch, H.Tuyên Hóa, một vùng núi xa xôi của tỉnh Quảng Bình, sau khi học hết lớp 9, Hương vào TP.HCM làm công nhân may, đến nay đã hơn 10 năm. Trước kia khi chưa có gia đình tết năm nào cô gái này cũng háo hức vì được về nhà, thế nhưng từ khi có chồng con, điều kiện không cho phép nên đã 5 cái tết Hương chưa về quê.
"Suốt 5 năm mình chưa được về nhà lần nào chứ không phải riêng gì dịp tết. Nhớ nhà, nhớ quê lắm nhưng nhiều lúc chỉ biết khóc thôi chứ tiền đâu mà về. Ngày thường đi làm nên không có thời gian về còn tết vé xe cao ngất ngưỡng, nếu ghế ngồi là 1,5 triệu đồng/người còn giường nằm đến 1,8 triệu đồng chứ không ít", Hương rưng rưng nước mắt nói.
Nhìn đôi mắt sưng húp thiếu ngủ của Hương, hỏi ra mới biết sáng cô đi làm lúc mặt trời chưa mọc, khi về đến nhà thì đã tối mịt. Cuối năm công ty cho tăng ca liên tục nhưng tiền lương cũng không nhiều hơn bao nhiêu, một tháng nhiều lắm Hương cũng chỉ nhận được 8 triệu đồng.
Hương kể tiền trọ 1 tháng là 2,5 triệu đồng, tiền học cho 2 đứa con mỗi tháng hơn 3 triệu đồng, gánh nặng tiền bạc đè lên vai. Còn chồng Hương làm thợ mộc cho một công ty tư nhân nhưng thỉnh thoảng mới có việc nên tiền lương chẳng có bao nhiêu, thu nhập bấp bênh. Do vậy, phần lớn mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình đều phụ thuộc vào đồng lương công nhân của Hương.
"Lương công nhân chẳng có bao nhiêu, quần áo chật mình cũng ráng mặc chứ không dám mua mới. Cả tuần đi làm còn ngày nghỉ chỉ ở nhà, không có tiền nên con cái cũng không được ra ngoài vui chơi. Buổi sáng mình dậy từ 5 giờ để nấu cơm hoặc ăn mì gói chứ tiền đâu ăn ngoài, bình thường cũng ăn uống qua loa cho qua bữa. Tiền lương tháng nào tiêu hết tháng đó, có khi thiếu trước hụt sau mình phải đi vay nợ. Nhiều khi khổ quá cũng nghĩ hay mang con về quê gửi cho ông bà rồi vợ chồng đi xuất khẩu lao động, khổ tâm lắm", Hương ngậm ngùi.
Chuyến xe mùa xuân
Nhằm hỗ trợ cho các công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đoàn tụ cùng gia đình vào ngày tết, Báo Thanh Niên phối hợp cùng Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM tổ chức chương trình "Chuyến xe mùa xuân - Hy vọng 2024 - Đưa công nhân về quê đón tết Giáp Thìn" với sự tài trợ chính từ nhãn hàng OMO. Chương trình trao tặng 1.500 vé xe đưa công nhân, người lao động từ TP.HCM về quê đón tết tại 14 tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Các chuyến xe sẽ khởi hành vào ngày 5.2.2024 (nhằm ngày 26 tháng chạp).
Khi được hỏi nhiều năm không về quê vậy nhớ nhà sao chịu nổi? Cô gái 9X thở dài rồi nói: "Không có tiền thì chịu thôi, mình đâu còn sự lựa chọn nào khác. Tết ở đây buồn lắm vì bình thường có người ra vào còn tết chẳng có ai, xung quanh vắng hoe. Nhìn vậy mình lại càng nhớ nhà, tự nhiên tủi thân rồi khóc. Ba mẹ ở quê cũng mong, cứ hỏi sao lâu quá không về".
Cũng 2 năm liền không có điều kiện về quê đón tết cùng gia đình, chị Phạm Thị Ngọ, ngụ tại đường số 11, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức (TP.HCM) mong lắm chuyến xe về đoàn tụ cùng cha mẹ già ở H.Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam). Vì thời gian dài không về nhà nên ba mẹ cứ giục chị về quê làm. Bản thân cũng muốn gần ba mẹ thế nhưng về quê thì biết làm gì mà sống, chưa kể đứa con trai của chị sẽ bị lỡ dở việc học. Do đó dù khó khăn nhưng chị Ngọ vẫn ráng bám trụ lại thành phố.
"Trước kia vợ chồng đều làm ở công ty nhưng do cắt giảm biên chế nên chồng mất việc 2 năm nay, giờ ai thuê gì làm đó còn không thì chỉ ở nhà. Tiền lương mỗi tháng của tôi ở công ty may cũng chỉ hơn 6 triệu đồng. Tháng nào cũng xoay quanh tiền nhà trọ, ăn uống, học phí cho con mà đau hết cả đầu. Nhiều tháng xoay không đủ nên phải vay mượn để đắp vào, thì lấy đâu ra tiền về quê", chị Ngọ tâm sự.
Làm quần quật cả năm không dư được đồng nào nên cách đây 3 năm để có tiền về quê ăn tết, chị Ngọ phải mượn đỡ 5 triệu đồng. Nhưng để trả được số tiền đó chị phải để dành tận 2 năm trời. Chị Ngọ chia sẻ: "Tết đến tôi mong được về quê lắm nhưng làm cả năm còn không đủ ăn thì chịu. Tiền thưởng tết cũng chẳng được bao nhiêu, nên mấy năm nay đành ngậm ngùi ăn tết quê qua màn hình điện thoại".
Bình luận (0)