Những nỗ lực xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam, thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam đang bị làm hỏng bởi tệ nạn lừa gạt, bắt chẹt, chặt chém du khách. Ông Vũ Thế Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN - bộc bạch: “Những chuyện chặt chém, lừa đảo rộ lên gần đây thực chất đã tiếp diễn hàng chục năm nay, ngành du lịch không thể chống chọi với toàn bộ cướp giật lừa đảo được. Việc chặt chém, cướp giật khách nước ngoài không chỉ diễn ra thường xuyên mà còn rất nhiều trường hợp khác. Những trường hợp đó, các doanh nghiệp du lịch đã gửi thư tố cáo, Hội cũng lên tiếng gửi công văn cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên đều không có hồi âm. Vấn đề là chính quyền địa phương có thật sự quan tâm hay không. Nếu có quan tâm thì cách giải quyết sẽ rất khác. Ví dụ như trường hợp du khách bị chém giá xích lô 1,3 triệu đồng hay vụ dắt khách Pháp đến khách sạn khác trên phố cổ, chỉ có một ngày đã tìm ra thủ phạm ngay lập tức”. Về việc yêu cầu các nhà hàng, khách sạn công khai đường dây nóng để khách phản ánh về dịch vụ, ông Bình cho rằng: “Điều này đã có quy định trong văn bản pháp luật về du lịch. Nghị định 92 cũng ghi rõ. Nhưng mà đường dây nóng gọi cho ai? Tổng cục Du lịch thì không đủ người. Cũng không có công an trong tay. Cảnh sát du lịch (CSDL) cũng không có”.
|
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Công an Q.Hoàn Kiếm thừa nhận: “Trong số 29 quận, huyện của Hà Nội, Q.Hoàn Kiếm là điểm thu hút nhiều du khách nước ngoài tham quan và lưu trú nhất. Cũng vì thế, công an các phường trên địa bàn đã nhiều lần bắt những người lừa đảo, bắt chẹt du khách viết cam kết, xử phạt hành chính không phải là ít, nhưng không giải quyết được dứt điểm tình trạng trên”.
Ông Lã Quốc Khánh - Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM - nhận định: “Mức độ phát triển của sản phẩm du lịch ở các điểm đến tại Việt Nam phát triển chậm, trình độ kinh tế, nhận thức của chúng ta kém phát triển hơn các nước xung quanh nên đã xảy ra nạn chặt chém du khách. Cần xây dựng ý thức tự bảo vệ của chính du khách, các hướng dẫn viên của các doanh nghiệp lữ hành sẽ giúp trang bị cho du khách của mình những kiến thức này. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn phải là trách nhiệm của chính quyền địa phương, phải nỗ lực quản lý để tạo nên sự an toàn cho du khách”.
Nhiều giải pháp bảo vệ du khách đã được TP.HCM đề ra, mô hình CSDL cũng được tính đến, tuy nhiên hiện nay chỉ mới dừng ở mức ý tưởng. “Lực lượng TNXP tại TP.HCM chỉ là bán chuyên nghiệp nên không được sử dụng các công cụ hỗ trợ trong những tình huống khẩn cấp. Đồng thời không được đào tạo về chuyên môn nên chủ yếu vẫn là hỗ trợ du khách” - ông Lã Quốc Khánh nhìn nhận. Theo ông Khánh, các nước như Thái Lan hay Campuchia đều đã thành lập CSDL, Việt Nam cần giải quyết các vướng mắc về hệ thống tổ chức quản lý để thành lập lực lượng này. Một khi có CSDL, tình hình xâm phạm du khách chắc chắn sẽ được giảm thiểu.
Q.Thuần - Hà An - Trinh Nguyễn
>> Nạn “chặt chém” trắng trợn ở chùa Bà
>> Nạn “chặt chém” ở hội chùa Hương
>> Vũng Tàu chống nạn “chặt chém” khách du lịch
Bình luận (0)