Lăng kính bạn đọc:

Để giáo viên chuyên tâm với nghề

M.Giao
(tổng hợp)
13/05/2024 06:16 GMT+7

Nhiều bạn đọc bày tỏ mong muốn sớm có chính sách mới đối với nhà giáo, để ngăn chặn việc nhiều giáo viên nghỉ việc, cũng như thu hút được nhiều thí sinh đến với ngành sư phạm.

Như Thanh Niên đã thông tin, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, tính từ tháng 8.2023 - 4.2024, vẫn còn 7.215 giáo viên (GV) nghỉ việc, chuyển việc.

Trong số giáo viên nghỉ việc, giáo viên bậc mầm non chiếm số lượng lớn nhất

Trong số giáo viên nghỉ việc, giáo viên bậc mầm non chiếm số lượng lớn nhất

Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Tuy vậy, số GV nghỉ việc, chuyển việc của năm học này đã giảm khoảng 2.000 người so với cùng khoảng thời gian năm trước đó, tương đương giảm khoảng 22,4% (khoảng thời gian này năm học 2022 - 2023 có 9.295 GV bỏ việc, chuyển việc, cả năm học có 12.090 GV nghỉ việc, chuyển việc).

Trong số 7.215 GV nghỉ việc, số GV bỏ nghề ở bậc mầm non chiếm tỷ lệ cao (1.600 GV mầm non) và giảm dần theo các cấp học từ thấp đến cao.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, tỷ lệ GV bỏ việc ở tuổi dưới 35 còn nhiều. GV nghỉ việc chủ yếu tập trung ở các vùng kinh tế - xã hội phát triển, GV có nhiều sự lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn...

Lý giải về việc nhiều GV bỏ nghề, Bộ GD-ĐT nêu do áp lực công việc lớn, thu nhập còn thấp, nhất là đối với GV trẻ. Điều kiện làm việc và chế độ, chính sách đãi ngộ nhà giáo chưa tương xứng; lương nhà giáo còn thấp so với mặt bằng chung của các ngành nghề (trong 5 năm đầu, lương nhà giáo trung bình chỉ đạt 5 triệu đồng/tháng), chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 29. Mức lương và chế độ chưa tạo được động lực trong bối cảnh áp lực công việc của nhà giáo ngày càng lớn.

Theo Bộ GD-ĐT, tổng thu nhập của nhân viên trường học (bao gồm cả các loại phí đóng bảo hiểm) có thời gian công tác dưới 15 năm dao động từ 3,6 triệu đồng đến dưới 7 triệu đồng/tháng; trong khi khối lượng công việc rất lớn, đồng thời phải kiêm nhiều nhiệm vụ khác nhau.

"Để GV gắn bó với nghề và cũng để tiếp tục thu hút những người có tài, có tâm vào ngành giáo dục, chính sách đối với nhà giáo là vấn đề Bộ rất quan tâm", Cục trưởng Vũ Minh Đức nêu quan điểm.

Cơm áo gạo tiền không đùa được !

"Yêu nghề cũng không tránh khỏi việc bị chi phối của cơm áo gạo tiền. Nhà hai người làm GV (không dạy thêm, không làm thêm việc khác) liệu có nuôi được một sinh viên và một học sinh cấp 2 - 3 không? Muốn thu hút được người giỏi thì cần nhiều yếu tố, trong đó lương là vấn đề quan trọng nhất. Vì vậy phải tính toán làm sao để GV hay công chức mới ra trường phải nuôi sống được bản thân và con cái họ", bạn đọc (BĐ) Xuanvuong Manh chia sẻ.

Cùng ý kiến, BĐ Trần Phong Phú nói thêm: "GV nghỉ việc, chuyển việc trước 35 tuổi chiếm tỷ lệ khoảng 60% không phải vì họ không đam mê, không yêu nghề. Mà bởi vì sau 35 tuổi họ không thể tìm được việc khác ổn định. Yêu nghề, nhiệt huyết với cái bụng đói và biết bao áp lực từ phía quản lý, phụ huynh, xã hội thì làm sao được?". BĐ Thanh Tú Nguyễn kể: "Năm 2019 em đậu biên chế cấp 2. Năm đầu tiên tập sự với lương 2,8 triệu, sang năm thứ 2 được hơn 3,1 triệu. Chán quá, em nghỉ luôn, dù yêu nghề cũng không sống nổi với mức lương ấy!". BĐ Dương Hòa Quang thì cho rằng: "Nghề nào cũng vậy thôi, không lo được cho cuộc sống gia đình thì không một ai mà tâm huyết được cả".

BĐ Thắn Thẳng cũng góp ý: "Còn nhiều bất cập trong ngành GD-ĐT. Cho nên, một là phải sửa lại quy chế tuyển dụng; hai là lương phải đủ sống; ba là phải giảm bớt các việc làm không đáng có, để GV có thời gian nghỉ ngơi".

Mong sớm có luật Nhà giáo

Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ hoàn thiện dự án luật Nhà giáo để trình Chính phủ vào giữa tháng 7 năm nay. Trước đó, ngày 7.7.2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP về xây dựng pháp luật, trong đó thông qua đề xuất của Bộ GD-ĐT về đề nghị xây dựng luật Nhà giáo với 5 chính sách nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo, tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo.

Được biết, luật Nhà giáo sẽ được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10.2024).

Là một GV, BĐ Nguyen Quoc Lien bày tỏ: "Câu chuyện lương GV thấp, rồi nào là dạy thêm - học thêm, bệnh thành tích, lạm thu… và những chuyện không hay trong ngành GD-ĐT thì các GV, báo chí và xã hội đã nói nhiều rồi. Điều mà tôi mong muốn là Bộ GD-ĐT hãy làm thật kỹ dự án luật này, để trình Quốc hội xem xét, thông qua luật Nhà giáo. Rất mong luật Nhà giáo này sẽ góp phần nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo, tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo. Được như vậy, GV như tôi sẽ rất vui mừng". BĐ có nickname rút gọn là KQL cũng cho biết: "Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Khi lương GV đủ sống thì họ sẽ không phải làm thêm nghề tay trái và có thể chuyên tâm với nghề giáo".

GV khổ thật. Theo tôi biết lương GV là ngành thấp nhất, nhiều bậc phụ huynh xem thường ngành này. Nhà nước cần có chính sách thu hút GV… (Anh Phuoc)

Mình cũng là GV, hiện tại cũng có ý định nghỉ việc. Không phải do lương thấp không đủ sống mà do áp lực công việc, nhất là đạo đức học sinh làm cho mình chán quá… (Levanut36)

Nói chung là lương thấp, GV phải kiêm nhiều việc, làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. (Thủy Nguyễn Xuân)

Ngành nghề nào cũng là đóng góp cho xã hội, mỗi ngành nghề có đặc thù riêng, ngành nào lương thấp thì điều chỉnh tăng lương, chứ nói GV lương cao nhất tôi nghe mà buồn quá! (Lân Kì)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.