Thanh Niên vừa có bài phản ánh, phân tích khá chi tiết liên quan đến “lương khởi điểm của giáo viên (GV)”. Theo đó, lương khởi điểm của GV còn thấp được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới thiếu hoặc nghỉ việc của GV.
Với các quy định hiện hành, tổng thu nhập của GV mới ra trường sau khi đã trừ 10,5% các loại bảo hiểm thì chỉ còn nhận được khoảng hơn 4 triệu đồng (chưa kể các khoản phí, đóng góp khác). Điều đó có nghĩa, nếu dạy ở trường công thì lương GV mới ra trường còn thấp hơn sinh hoạt phí mà sinh viên sư phạm đang được nhận. Ngành giáo dục cũng đã nhận ra hậu quả: Năm học này, ngành đang đối mặt với tình trạng thiếu GV trầm trọng…
Nếu dạy ở trường công, lương giáo viên mới ra trường hiện nay thấp hơn sinh hoạt phí mà sinh viên sư phạm đang nhận |
ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH |
Chính sách cần phải kịp thời
Bạn đọc (BĐ) Ly Van Mai chia sẻ: “Bộ GD-ĐT đang xây dựng chính sách lương mới, có nghĩa là Bộ đã quá hiểu thực trạng vì sao xảy ra tình trạng thiếu GV hoặc GV nghỉ dạy xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Bản thân từng là GV cấp 2, nay đã nghỉ dạy để làm công việc kinh doanh tự do, đôi lúc khi đưa, đón 2 con đi học, tôi cũng “nhớ nghề”. 10 năm trước, tôi cũng từng đọc được thông tin Bộ GD-ĐT cho GV sống được bằng đồng lương… Thế nhưng, đến nay, khi xảy ra thực trạng lương khởi điểm của GV thấp, có nghĩa rằng sự chuyển động trong nỗ lực nhằm cải tạo thu nhập cho nghề giáo còn chưa bắt kịp với cuộc sống. Bộ cho biết đang xây dựng chính sách lương mới, đây là điều đáng mừng. Nhưng dưới góc độ người từng được đào tạo trong ngành sư phạm và từng có thời gian đi dạy, tôi góp ý thêm rằng khâu làm chính sách cần phải kịp thời, để tránh tình trạng khi chính sách mới được thông qua và áp dụng, thì đã không còn phù hợp với những biến chuyển của cuộc sống và… vật giá”.
Đồng quan điểm với BĐ Ly Van Mai, BĐ Giang Minh cho rằng tiền lương trong ngành giáo dục đã được cải cách nhiều lần. Quan trọng là cần thống kê xem hiệu quả của những lần trước thế nào trước khi xây dựng chính sách lương mới, bởi nếu làm xong mà lạc hậu thì quá tốn kém.
“Yêu cầu mới về chuẩn đào tạo GV từ tiểu học trở lên đều là tốt nghiệp ĐH (thay vì trung cấp như trước khi luật Giáo dục 2019 ra đời). Cùng với đó, để đáp ứng nhu cầu đào tạo, GV được yêu cầu phải thường xuyên nâng cao kiến thức, tay nghề... Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là tiền lương cũng phải tương xứng với chất lượng của đội ngũ GV”, BĐ Minh nêu ý kiến.
Cần nhìn xa hơn…
Còn BĐ G.L thì đặt vấn đề: “Ngành giáo dục nhiều địa phương, từ chỗ thừa GV phải áp dụng tinh giảm biên chế thì đến nay phải “đau đầu” vì tình trạng thiếu GV; tuyển dụng không ai vào làm việc”. Từ đó, BĐ G.L cho rằng cần xem lại chính sách thu hút đối với ngành sư phạm, với những GV vẫn đang trong ngành lẫn lứa sinh viên có ý định học ngành sư phạm.
Đơn cử cho ý kiến nêu trên là tình huống mà thực tế BĐ Ngọc Tuấn nêu ra: “Bộ GD-ĐT cần xem xét khi thăng hạng phải căn cứ theo năm công tác, năm GV tự học tập để nâng cao trình độ. Như trong trường hợp của tôi và nhiều GV khác, học xong ĐH 10 năm mới được xếp lương ĐH thì thua thiệt quá!”.
Nhìn nhận vấn đề “tiền lương cho GV” ở góc độ vĩ mô, xây dựng chính sách, BĐ Đào Tuấn Vũ phân tích việc thừa, thiếu GV còn liên quan công tác dự báo, thống kê, quy hoạch… Đối với vấn đề tiền lương, chưa chắc Bộ GD-ĐT nói được là được, bởi vấn đề này còn nằm trong tổng thể chung của chính sách tiền lương, không phải mỗi ngành này, ngành kia.
Đồng tình với ý kiến này, BĐ Nguyễn Mạnh cho rằng cần nghiên cứu giải pháp đồng bộ. Ngành y tế kêu ca thì giải quyết y tế, ngành giáo dục kêu thì giải quyết giáo dục… thấy chưa ổn. Do vậy, cần nhìn xa ra, rộng hơn để giải quyết tất cả các ngành, không chỉ ngành giáo dục, mà còn là chế độ tiền lương cho đội ngũ: công chức, viên chức, người lao động...
* Nghề GV cao quý đến đâu thì vẫn là một con người. Họ cũng cần tiền để trang trải cuộc sống. Lương giáo viên mới ra trường hiện nay sau khi trừ đi các khoản, chỉ còn khoảng 3 triệu đồng/tháng. Thử hỏi làm sao lo đủ cho bản thân, đó là chưa nói đến lo, gánh vác cho gia đình?
Nam Nguyen
* Vợ tôi trước đây dạy mầm non (có bằng ĐH mà vẫn phải nghỉ) do lương thấp và áp lực công việc nhiều. Chính vì vậy, tôi đã khuyên vợ nên nghỉ luôn, chuyển nghề khác thu nhập cao hơn. Nhưng tiếc nuối nhất là bằng ĐH ngành sư phạm. Bao nhiêu năm đi học và tiền bạc đổ vào...!
D.N
Bình luận (0)