Để gió cuốn đi: Chuyện thú vị về tượng Trịnh giữa làng gốm

04/04/2024 08:17 GMT+7

Vì đam mê âm nhạc và mến mộ con người, triết lý âm nhạc của Trịnh Công Sơn nên vợ chồng nghệ nhân Lê Quốc Tuấn (60 tuổi, làng gốm Thanh Hà, TP.Hội An, Quảng Nam) đã nặn một bức tượng chân dung cố nhạc sĩ với tất cả tấm lòng.

KHI NGHỆ NHÂN GỐM MÊ NHẠC TRỊNH

Nghệ nhân tại làng gốm Thanh Hà, nằm ở phía hạ lưu sông Thu Bồn, có thể làm ra hàng loạt sản phẩm gốm trang trí, gốm mỹ nghệ, gốm lưu niệm độc đáo, nhưng hiếm khi có người nặn tượng danh nhân. Bởi vậy, khi thấy bức tượng bán thân được đặt ở một ngôi nhà nằm chính giữa làng, nhiều người không khỏi tò mò về thân thế của nhân vật: ông ấy là ai, có vai trò thế nào với làng nghề gốm…? Cứ mỗi lần như thế, nghệ nhân Lê Quốc Tuấn (người nặn bức tượng) lại giải thích, đó là tượng một nhạc sĩ tài hoa của nền tân nhạc Việt. Và rồi, câu chuyện về niềm đam mê nhạc Trịnh của ông cứ thế lan tỏa đến mọi người.

Để gió cuốn đi: Chuyện thú vị về tượng Trịnh giữa làng gốm- Ảnh 1.

Nghệ nhân Bích Tuyến cùng chồng vì đam mê nhạc Trịnh đã nặn bức tượng và đặt ở vị trí trang trọng

Hoàng Sơn

Thời trai trẻ, ông Lê Quốc Tuấn đã trải qua nhiều nghề mưu sinh vì khi ấy làng gốm 500 tuổi đứng trước ngưỡng lụi tàn. Năm 1999, TP.Hội An bắt đầu phát triển du lịch, ông Tuấn quyết định trở lại quê hương dựng lò nung, tìm kiếm nguồn nguyên liệu với hy vọng "chấn hưng" nghề xưa. Là nghề cha truyền con nối qua 4 thế hệ, ông nhanh chóng thành thục những kỹ thuật khó. Gốm do ông làm ra được nhiều người yêu thích và ông nhận được những đơn đặt hàng có giá trị "khủng" vào thời điểm năm 2001. Quãng 10 năm sau đó, bức tượng khắc họa chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ra đời.

"Vì tay nghề cao, có khả năng làm ra những sản phẩm gốm có độ khó, tinh xảo nên năm 2011 anh Tuấn được chọn để tạo tác các công trình thu nhỏ mang tính biểu tượng các nước và các kỳ quan thế giới cho Công viên đất nung Thanh Hà, như tháp Big Ben (Anh), tháp nghiêng Pisa (Ý), Tử Cấm thành (Trung Quốc)… Tượng Trịnh Công Sơn cũng được nặn trong dịp này. Sau khi giao hàng cho đối tác, bức tượng nhạc sĩ được giữ lại và trở thành vật lưu niệm đối với gia đình chúng tôi", bà Nguyễn Thị Bích Tuyến (56 tuổi, vợ ông Tuấn) kể.

Bức tượng được ông bà đặt ở vị trí dễ thấy, bên cạnh không gian phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm như một hình ảnh minh chứng cho tay nghề thuộc vào hàng đỉnh cao của nghệ nhân gốm Thanh Hà.

'NỢ ANH SƠN MỘT CHIẾC KÍNH…'

Vợ chồng ông Tuấn quen nhau từ thuở còn trẻ và có chung niềm đam mê nhạc Trịnh. Thế hệ ông bà, nhạc Trịnh thấm vào trí nhớ bởi chất giọng được đánh giá là "ma mị" của danh ca Khánh Ly. Những bài hát Cát bụi, Một cõi đi về, Như một lời chia tay, Biển nhớ… đã làm thổn thức trái tim của những nghệ sĩ sáng tạo trên đất sét. Thế mới có chuyện, khi dựng lò gốm (lò úp) để nung các công trình kỳ quan thế giới thu nhỏ, vợ chồng ông Tuấn không ai bảo ai đều nghĩ đến sẽ nặn tượng chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thật đẹp để thể hiện tình yêu của mình đối với cố nhạc sĩ.

Để gió cuốn đi: Chuyện thú vị về tượng Trịnh giữa làng gốm- Ảnh 2.

Bức tượng Trịnh Công Sơn nhận được nhiều lời khen vì độ chân thực

Ông Tuấn cho biết tượng Trịnh Công Sơn được nặn hoàn toàn bằng tay từ loại đất sét tốt vùng hạ lưu sông Thu Bồn để gốm không bị thô, nứt nẻ. Khi nặn xong, tượng được đặt chung với các sản phẩm khác vào lò. Do kích thước, độ dày tượng Trịnh thuộc loại "khủng" nên vợ chồng ông Tuấn phải túc trực để đun củi, đốt trong 2 ngày 2 đêm. Ngày mẻ đất nung đưa ra khỏi lò, vợ chồng ông Tuấn mừng vui vì tất cả sản phẩm đều "chín tới". Tượng cố nhạc sĩ có bề mặt mịn, bật tông màu gạch đặc trưng… làm nhiều người đến chiêm ngưỡng đều khen ngợi.

Điều khiến nhiều người phải trầm trồ, đó là bức tượng bán thân lột tả được thần thái của cố nhạc sĩ, sống động trong từng đường nét. Khuôn mặt gầy, cổ cao, để lộ yết hầu. Mái tóc của Trịnh được vuốt ngược ra sau... Dù bức tượng diễn tả cố nhạc sĩ cười nhẹ bởi những nếp nhăn hằn trên má nhưng hàng chân mày, ấn đường nhíu lại khiến người xem dễ nhận thấy hình ảnh quen thuộc về một Trịnh Công Sơn đầy suy tư.

"Khi bắt tay vào nặn tượng Trịnh, chúng tôi cũng trăn trở lắm. Vì một nhạc sĩ có thể viết ra được những ngôn từ sâu sắc đến thế phải là một con người từng trải, giàu bao dung, nhân văn… Làm sao để khi nhìn vào tượng, người ta phải thấy nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với một khí chất khác biệt. May thay, chúng tôi là những người yêu nhạc Trịnh cháy bỏng, nghe nhạc của ông đã lâu, nghe mỗi ngày nên chất nhạc của ông đã thấm sâu, khi nặn tượng ông những cái khó đó đã dễ dàng hóa giải", bà Tuyến chia sẻ và cho biết thêm: "Bức tượng khi mới nặn xong chưa đem nung còn chân thực hơn nữa vì nhờ cặp kính mắt. Tiếc là khi đưa tượng ra khỏi lò, phần kính đã bị gãy mất. Chúng tôi nợ anh Sơn một chiếc kính và sẽ làm để bức tượng hoàn thiện…". 

Độc đáo 2 tượng đất Trịnh Công Sơn

Công viên đất nung Thanh Hà có một không gian dành riêng cho tượng các danh nhân với hàng chục bức tượng được nặn từ chất liệu đất sét. Trong đó, riêng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có đến 2 tượng do điêu khắc gia Đoàn Xuân Hùng và điêu khắc gia Nguyễn Sang - Kim Thanh sáng tác. Tại làng gốm cổ Thanh Hà, tượng Trịnh Công Sơn do nghệ nhân Lê Công Tuấn sáng tác được xem là duy nhất với kích thước lớn hơn nhiều so với 2 bức tượng đã nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.