Để gió cuốn đi: Cuộc hội ngộ của những tấm lòng

31/03/2024 07:14 GMT+7

Để có được cuộc 'hội ngộ' của những nghệ sĩ lớn là nhóm bạn thân họa sĩ Đinh Cường, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và liệt sĩ - thi sĩ Ngô Kha tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế, những người giàu tâm huyết đã dày công giữ gìn, hiến tặng, sưu tầm… các tác phẩm hội họa.

KHI "MÂY GIANG HỒ" DỪNG CHÂN Ở BẢO TÀNG

Một ngày đầu tháng 8.2022, Bảo tàng Mỹ thuật Huế đón nhận tin vui khi nhóm nghệ sĩ đất cố đô có tên Gác Trịnh (hoạt động từ năm 2012 - 2015) hiến tặng bức tranh Như là mây giang hồ cho bảo tàng. Tác phẩm do cố họa sĩ Đinh Cường vẽ chân dung người bạn thân mình - nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bằng chất liệu sơn dầu trên khung giấy đặt nằm dọc (kích thước 40 x 15 cm), họa sĩ đã khắc họa phía bên dưới chân dung người bạn với vầng trán cao, mái tóc dài lãng tử và cặp kiếng mắt tròn thân thuộc. Trên cùng bức họa là màu mây trắng trên nền xanh da trời... Lễ tiếp nhận được tổ chức sau đó trong không khí trang trọng, ấm cúng với sự chứng kiến của người đứng đầu ngành văn hóa Thừa Thiên-Huế, ông Phan Thanh Hải.

Để gió cuốn đi: Cuộc hội ngộ của những tấm lòng- Ảnh 1.

Nhóm Gác Trịnh (bên trái) hiến tặng bức tranh Như là mây giang hồ cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế vào năm 2022

ảnh: S.X

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên-Huế, đại diện cho nhóm Gác Trịnh, kể thêm về cơ duyên nhóm sở hữu bức tranh đặc biệt này. Đó là sau cuộc triển lãm tranh tại Gác Trịnh (căn nhà nơi cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng sinh sống trên đường Nguyễn Trường Tộ, TP.Huế), họa sĩ Đinh Cường đã quyết định tặng lại bức tranh cho nhóm. Như là mây giang hồ được họa sĩ Đinh Cường sáng tác vào năm 2006. Năm 2013, cùng với nhiều tác phẩm khác, bức tranh lần đầu tiên ra mắt công chúng tại cuộc triển lãm ở Gác Trịnh.

"Sau triển lãm, phần nhiều tranh của họa sĩ đã được giới nghệ sĩ và bạn hữu sưu tập. Họa sĩ Đinh Cường không bán 2 bức, gồm bức vẽ về Dao Ánh và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Theo tôi biết, sau đó bức vẽ Dao Ánh được tặng cho chính nhân vật. Còn chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được họa sĩ Đinh Cường tặng lại cho nhóm Gác Trịnh như là một món quà kỷ niệm", nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc kể.

Sau khoảng thời gian cẩn thận lưu giữ, nhóm Gác Trịnh đã quyết định tặng lại Như là mây giang hồ cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế với mong muốn tác phẩm sẽ được bảo quản tốt hơn và được giới thiệu đến đông đảo công chúng thưởng lãm. "Bức tranh mang giá trị độc đáo bởi người vẽ lẫn nhân vật được vẽ là đôi bạn thân thuở trai trẻ. Cả hai đều là những nghệ sĩ tài hoa, tên tuổi của xứ Huế. Hiến tặng bức tranh cho bảo tàng cũng là cách tốt để phát huy giá trị tác phẩm", ông Ngọc nói.

Sưu tầm thêm tranh vẽ Trịnh

Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế, khi kể về bức tranh Như là mây giang hồ đã bày tỏ sự trân quý nghĩa cử của nhóm Gác Trịnh. Theo bà Trai, bức tranh vốn được họa sĩ Đinh Cường tặng tập thể các nghệ sĩ, nhóm Gác Trịnh tiếp tục mang bức tranh đó hiến tặng bảo tàng. "Bức tranh chân dung Trịnh Công Sơn là một tài sản quý giá của bảo tàng. Nhờ sự hiến tặng của Gác Trịnh mà bảo tàng có thêm tác phẩm về vị nhạc sĩ tài hoa. Và nhất là khi tác phẩm đặt vào bộ sưu tập chung của họa sĩ Đinh Cường vẽ chân dung những người bạn của mình là những nghệ sĩ lớn, nó càng thêm ý nghĩa. Trong đó, bên cạnh chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chân dung về liệt sĩ - thi sĩ Ngô Kha về với bảo tàng trước đó đã tạo nên cuộc "hội ngộ" hết sức thú vị", bà Trai chia sẻ.

Để gió cuốn đi: Cuộc hội ngộ của những tấm lòng- Ảnh 2.

Như là mây giang hồ được cố họa sĩ Đinh Cường sáng tác vào năm 2006

Bức sơn dầu vẽ chân dung thi sĩ Ngô Kha, kích thước 45 x 65 cm, được họa sĩ Đinh Cường đưa từ Mỹ về và từng tham gia triển lãm tại Huế. Sau đó, bức tranh được đưa vào TP.HCM. Một thời gian, bức tranh trở lại Huế khi thuộc sở hữu của một nhà sưu tập. Khi nhận được thông tin về sự trở lại của bức tranh, Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã thành lập hội đồng chuyên môn để nghiên cứu, đánh giá bức tranh trước khi sưu tầm. Qua tiếp xúc, các họa sĩ gạo cội đã tìm hiểu kỹ lưỡng giá trị mỹ thuật cũng như những câu chuyện xung quanh tác phẩm. "Tác phẩm chân dung Ngô Kha có giá trị rất đặc biệt về lịch sử, văn hóa… Như một cơ duyên lạ lùng, sau đó không lâu, Như là mây giang hồ cũng về với bảo tàng làm nên cuộc "hội ngộ" ly kỳ của những người thiên cổ, ngay chính trên đất Huế", bà Trai xúc động.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế kể thêm, sau khi tiếp nhận bức Như là mây giang hồ, bảo tàng thấy được trách nhiệm phải bảo quản và gìn giữ thật tốt bức tranh vốn có chất liệu bằng giấy. Về việc phát huy giá trị bức tranh, bà Đinh Thị Hoài Trai cho hay, lần xuất hiện trước công chúng gần nhất là vào tháng 12.2023 trong dịp triển lãm 5 năm thành lập bảo tàng. Sau đó, vì cơ sở hạ tầng của bảo tàng chưa đảm bảo không gian nên bức tranh vẫn đang được lưu giữ cẩn thận trong kho. "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tính toán để trưng bày, giới thiệu bức tranh đến với giới yêu mỹ thuật cũng như những người mến mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ngoài ra, bảo tàng cũng sẽ có kế hoạch sưu tầm tranh của những họa sĩ người Huế, trong đó sẽ sưu tầm thêm tranh vẽ cố nhạc sĩ", bà Trai nói. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.