Để gió cuốn đi: Tạc chân dung Trịnh trên… gốc tre

03/04/2024 07:33 GMT+7

Sau hơn 30 năm trong nghề, nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ mới tạc ra được bức tượng Trịnh Công Sơn đầu tiên trên gốc tre.

"NẾU DỄ THÌ ĐÃ KHÔNG MẤT TRÊN DƯỚI 30 NĂM"

Sở hữu tài khoản TikTok và trang Facebook Gốc tre Hội An với hàng trăm ngàn lượt theo dõi, tên tuổi nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ (51 tuổi) trở nên quen thuộc với nhiều người dân và du khách khi đến TP.Hội An (Quảng Nam). Sau 10 năm tôi gặp lại, từ chuyên tạc tượng trên gốc tre với tượng Phúc - Lộc - Thọ, Quan Công, Phật…, nay nghệ nhân đã nâng lên một "trình" mới. Đó là tạc tượng những danh nhân với kỹ thuật, tay nghề, óc sáng tạo rất cao, trong đó tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thuộc vào hàng khó nhất nhì.

Để gió cuốn đi: Tạc chân dung Trịnh trên… gốc tre- Ảnh 1.

Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ và tác phẩm tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên gốc tre

Hoàng Sơn

Để gió cuốn đi: Tạc chân dung Trịnh trên… gốc tre- Ảnh 2.

"Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ vĩ đại trong nền âm nhạc nước ta. Tượng của ông được tạc, được đúc với rất nhiều chất liệu. Nếu trên gỗ, trên đá…, người nghệ sĩ có thể thoải mái xả khối như ý thì với gốc tre, hình thù nó thế nào mình phải bám vào đó để tạc tượng ông sao cho có hồn nhất. Nếu dễ làm thì tui đã không mất trên dưới 30 năm theo nghề để tạc ra bức tượng Trịnh Công Sơn đầu tiên", ông Huỳnh Phương Đỏ nói.

Để tạc chân dung Trịnh, trước hết phải chọn phôi, tức là gốc tre cỡ lớn. Bởi tượng chân dung là dạng tượng tròn, không thể tận dụng rễ tre để làm râu như những loại tượng khác. Có được gốc tre ưng ý, ông Đỏ phải ngắm nghía đủ tư thế để phác thảo bức tượng.

Sau một hồi lật tung đống gốc tre đặt bên vỉa hè để tìm kiếm, nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ cười tươi: "Đây rồi! Phôi tượng Trịnh Công Sơn phải to như lon sữa bột mới tạc được. Hồi đầu mới tạc tượng nhạc sĩ, tui phải bỏ đi 7 - 8 cái phôi rất đẹp. Thế hệ như tui, chỉ được gặp nhạc sĩ qua những thước phim, bức ảnh cũ. Bởi vậy, khi bắt tay làm tượng về ông, tui phải xem đi xem lại rất nhiều lần, xem đến độ nhập tâm, đi ngủ cũng thấy ổng. Có nhớ được nét mặt của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mình mới tả thành công được", ông Đỏ trải lòng.

Với nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ, cái khó nữa khi làm tượng Trịnh là làm sao khắc họa được những nét đặc trưng của nhạc sĩ như mái tóc bồng bềnh lãng tử, đôi mắt bao dung ẩn sau cặp mắt kiếng tròn… Khó là bởi, gốc tre vốn dĩ rất cứng, nghệ nhân phải tốn nhiều công sức để đục, khoét lấy từng miếng dăm ra khỏi phôi mà không bị sứt mẻ những chi tiết khác. "Tạc tượng Trịnh đòi hỏi sự nhẫn nại như chính ông khi yêu vậy…", ông Đỏ cười.

VỪA TẠC TƯỢNG VỪA HÁT NHẠC TRỊNH

Là một "tín đồ" nhạc Trịnh, nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ bảo đó là lợi thế của ông khi bắt tay tạc tượng vị cố nhạc sĩ tài hoa. Theo ông, tạc tượng trên gốc tre cũng như nghệ thuật điêu khắc, đòi hỏi người làm tượng ngoài nắm biết về nhân tướng học qua khuôn mặt, nắm rõ các vùng thượng đình, trung đình, hạ đình để lột tả khí chất thì cần phải am hiểu về cuộc đời của nhân vật. Đặc biệt, với một nhạc sĩ như Trịnh Công Sơn - người xem âm nhạc là cuộc đời, là máu thịt thì chuyện hiểu, thẩm, thấm những ca từ, giai điệu trong mỗi bài hát, trong mỗi giai đoạn sáng tác là cực kỳ cần thiết để mỗi nhát đục đi đúng theo ý muốn.

"Những loại tượng khác thì dễ dàng nắm bắt được mô típ, chẳng hạn quan văn thì mắt phượng, quan võ thì mắt rồng… Còn khuôn mặt của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không vuông cũng không dài, đôi mắt lại ẩn sau cặp kiếng nên rất khó tả. Nét mặt của nhạc sĩ hầu hết là đăm chiêu điều gì đó nên muốn tượng thần thái cũng cần hiểu được phần nào nhạc của ông", "múa" chiếc dùi rồi nện xuống đục một cách điệu nghệ, nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ giọng đầy trải nghiệm: "Tui mê nhạc Trịnh, đã nghe đi nghe lại hàng trăm, hàng ngàn lần những bản nhạc của ông để đưa mình vào trạng thái suy tư như những ca từ trong Một cõi đi về, Cát bụi, Diễm xưa… Mỗi lần sáng tác tượng Trịnh, tui thường mở nhạc của ông để nghe và hát theo".

Ông Đỏ thường nhớm trước vài nhát đục trước khi quyết định sẽ tạc tượng Trịnh tiếp hay không. "Những hôm rối lòng hay có bữa vợ cằn nhằn chi đó thì thôi đừng cố làm vì có đục cả ngày cũng không ra. Thôi buông đục đi uống cà phê", ông Đỏ dí dỏm.

Bởi vậy, thời điểm "vàng" sáng tác của ông là vào những lúc thanh tịnh như đêm khuya hay sáng sớm, khi không gian vắng lặng, chỉ còn ông và nhạc Trịnh nhẹ nhàng bên tai. Khi nhập tâm, bắt được mạch "công thức", ông Đỏ thường tạc rất nhanh và thường sẽ làm trong vòng 1 tháng với chủ đề tượng cố nhạc sĩ.

Dù là một nghệ nhân giỏi, tạc không biết bao bức tượng, nhưng riêng với Trịnh Công Sơn thì ông Đỏ có thể đếm chính xác được 10 bức. Vì phôi khó kiếm, khi làm thường phải đi kèm chi tiết phụ họa như sổ nhạc, khóa sol, đàn guitar… đòi hỏi phải có phôi liền khối.

Hỏi ông trong số 10 bức tượng về Trịnh, ông thích nhất bức nào, nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ dứt dạt: cái thứ 7. Đó là bức tượng cố nhạc sĩ đang đăm chiêu sáng tác. Ưng ý cũng vì nhờ chọn được phôi liền khối nên ngoài chân dung còn có hình ảnh khóa sol và cây đàn guitar.

Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ kể, ông ấp ủ tạc một bức tượng Trịnh với chân dung tươi vui. Khuôn mặt nhạc sĩ tuy không nghiêm nhưng vì ông ít cười nên để tạc một bức tượng như thế không dễ. Ông nhờ nhiều người quen lục tìm hình ảnh cố nhạc sĩ cười lúc sinh thời để xem, để cảm nét mặt...

"Chắc tui phải nghe nhiều hơn bài Quỳnh hương của ông mới được", ông Đỏ dí dỏm rồi nghêu ngao: "Em mang cho ta một chút tình/Miệng cười khúc khích trên lưng…". (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.