Để hạn chế mâu thuẫn trong chuyện tình cảm

21/12/2022 07:00 GMT+7

Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ tan vỡ hôn nhân, thậm chí giết người vì tình. Từ những vụ việc đau lòng ấy, các chuyên gia khuyên người trẻ cần học các khóa học hôn nhân gia đình và các kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong chuyện tình cảm.

Có kiến thức, kỹ năng, sẽ hạn chế mâu thuẫn

Trao đổi với PV Thanh Niên về vấn đề này, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Khoa Xã hội và nhân văn, Trường ĐH Văn Lang, nhìn nhận từ trước đến nay nhiều người vẫn cho rằng “trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng” là điều hiển nhiên, theo bản năng tự nhiên của con người. Tuy nhiên, nếu cứ ứng xử và bước vào đời sống hôn nhân bằng những kinh nghiệm tự có thì rất hay mắc sai lầm và lúc đó sẽ không đủ bản lĩnh, kỹ năng để xử lý vấn đề.

“Chính vì thế, mọi người rất cần có kỹ năng làm chồng, làm vợ, làm dâu - rể, làm cha và mẹ. Những kỹ năng đó có thể được trang bị từ những khóa học hôn nhân gia đình. Khi có kiến thức và kỹ năng vững vàng thì mỗi người sẽ chủ động, khéo léo hơn trong cuộc sống hôn nhân, hạn chế những xung đột, mâu thuẫn xảy ra”, thạc sĩ tâm lý Đào Lưu chia sẻ.

Cũng cho rằng các khóa học về hôn nhân gia đình rất cần thiết với giới trẻ, thạc sĩ tâm lý Lê Đào Anh Khương, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Các khóa học giúp các bạn trẻ hiểu được thế nào là tình yêu, thế nào là việc mình chăm sóc, yêu thương ai đó, hiểu được ngôn ngữ mình bày tỏ khi yêu ai đó và cả những giới hạn trong đời sống hôn nhân thế nào phù hợp cho cả hai”.

Để tránh những mâu thuẫn không đáng có, người trẻ nên tham gia các lớp học về hôn nhân gia đình

Nữ Vương

Theo chuyên gia tâm lý Đào Lưu, hiện nay có rất nhiều khóa học, nhiều thông tin về hôn nhân gia đình từ các kênh truyền thông chính thống, sách báo. Ngoài ra, bạn trẻ có thể tìm đọc những cuốn sách về giao tiếp, ứng xử, theo học các khóa học ở trung tâm ứng dụng tâm lý hoặc xem những chương trình truyền hình về tâm lý tình yêu hôn nhân, gia đình… Tuy nhiên, các bạn cũng cần tìm hiểu thật kỹ những trung tâm, chương trình và những kênh thông tin có uy tín, chất lượng để tránh “tiền mất tật mang”.

Luôn học hỏi, vị tha, bao dung và vun vén

Thạc sĩ Đào Lưu cũng cho rằng người trẻ đã bước vào cuộc sống hôn nhân, hoặc một mối quan hệ tình cảm, thì hãy trang bị cho mình tâm thế luôn luôn học hỏi, vị tha, bao dung và vun vén, xây đắp cho cuộc tình của mình. Ngoài ra, người trẻ cũng cần rèn luyện kỹ năng quản lý cảm xúc cá nhân để không hành xử theo cảm tính trong mọi tình huống.

“Khi xảy ra mâu thuẫn, việc đầu tiên là không đẩy xung đột cao hơn, theo kiểu “chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa, muôn đời không khê”. Mục đích của việc này là giảm tối đa những tình huống bạo lực và những hành động đáng tiếc có thể phát sinh khi giận quá mất khôn. Khi cả hai đã bình tĩnh thì có thể ngồi lại, thẳng thắn trao đổi những nguyên nhân, vấn đề gây ra mâu thuẫn. Bất cứ việc gì cũng có thể bình tĩnh giải quyết. Bạo lực chỉ là cách hành xử làm cho vấn đề thêm trầm trọng hơn”, chuyên gia Đào Lưu nhấn mạnh.

Theo thạc sĩ Lê Đào Anh Khương, một số người trẻ thiếu cảm nhận về cảm xúc của nhau trong mối quan hệ tình cảm, không hề cảm nhận hay chia sẻ về cuộc đời của nhau, từ đó dẫn đến sự chai sạn và nảy sinh những mầm mống hủy diệt đời sống hôn nhân, tình cảm.

Chuyên gia Anh Khương nhìn nhận khi các cặp đôi nhận thấy khó khăn trong việc gắn kết, giải quyết mâu thuẫn thì nên tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý, những người có thể đồng hành và giúp họ giải quyết vấn đề từ căn nguyên.

“Nếu như cặp đôi đủ nghị lực và sự bao dung thì họ có thể xây dựng lại bản đồ tình yêu và phải thống nhất không để cho 4 thứ hủy diệt đời sống tình cảm như chỉ trích, phòng vệ quá mức, khinh bỉ nhau và đặc biệt không để rơi vào tình trạng cả hai dựng lên bức tường ngăn cách về cảm xúc”, anh Khương nói.

Trong trường hợp không thể tiếp tục và phải kết thúc một cuộc tình, một cuộc hôn nhân, chị Đào Lưu khuyên các bạn trẻ không nên nói xấu người yêu cũ, chồng/vợ cũ trên mạng xã hội hoặc bất cứ nơi đâu.

“Bạn hình dung nói xấu người cũ giống như việc cầm bùn ném vào người khác, nếu người ta bẩn thì tay mình cũng đâu còn sạch. Hành vi nói xấu người khác là hành vi thiếu văn minh. Bạn nói xấu hoặc chì chiết người cũ thì khác gì bạn thừa nhận trước đây mắt nhìn người của mình đã rất kém. Chính vì thế, cuộc tình dù đúng dù sai thì khi chia tay cũng không nên nói xấu lẫn nhau”, chị Đào Lưu gửi gắm.

Còn thạc sĩ Anh Khương thì nhắn nhủ: “Rất hy vọng những bạn trẻ khi còn có thể nuôi dưỡng đời sống cặp đôi thì cố gắng làm sao đừng để đời sống đó ngày càng chai sạn, thiếu đi sự gắn kết. Hành trình trong đời sống cặp đôi lúc nào cũng có thăng trầm, khi nhận thức được những khó khăn thì họ nên tìm sự hỗ trợ để kết nối và tiếp tục đồng hành”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.