Để hiểu về Việt Nam nhiều hơn

23/07/2018 07:14 GMT+7

Những trung tâm nghiên cứu VN học mới hình thành trên thế giới. Người nghiên cứu VN học trong nước có nhiều nghiên cứu công bố quốc tế hơn. Việc nghiên cứu VN đã đa dạng hơn trước rất nhiều.

Dịch chuyển trung tâm nghiên cứu VN lớn
Mạng lưới gắn kết những người nghiên cứu VN có tên Hiểu về VN (UVF) vừa ra đời. “Diễn đàn này kết nối học giả trong nước, những người có lợi thế khi tiếp xúc với các vấn đề địa phương. Trong khi hiện tại, nói về VN học ở các diễn đàn quốc tế hầu như chỉ có học giả nước ngoài. Khi có nhiều tác giả VN học người Việt trên các diễn đàn VN học quốc tế, cách người ngoài nhìn VN cũng sẽ khác”, TS Nguyễn Thu Giang, một thành viên của mạng lưới, cho biết
Khi TS Howard Limbert, Hội Hang động Hoàng gia Anh, công bố nghiên cứu của mình về Phong Nha - Kẻ Bàng tại Hội thảo quốc tế VN học 4, nghiên cứu đó không chỉ đơn thuần về địa chất địa mạo. Đó là một nghiên cứu đa ngành và cũng là một nghiên cứu địa phương trong xu hướng toàn cầu hóa.
Theo đó, ông và nhóm các nhà khoa học của ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng cần quản lý du lịch đồng bộ với môi trường vùng karst của di sản thế giới UNESCO Phong Nha - Kẻ Bàng. Việc quá nhiều khách du lịch vào hang, cộng với trang trí đèn phục vụ du lịch, theo nhóm nghiên cứu này, đã làm hang xuống cấp và cân bằng sinh học ở đây có nguy cơ bị phá vỡ. Họ cũng đề nghị 1 năm Phong Nha - Kẻ Bàng cần được đóng cửa “nghỉ phép” để thạch nhũ tái tạo.
Theo PGS-TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Địa chất khoáng sản: “Hàn Quốc, Bỉ, Anh, Pháp đang nổi lên như những nước cùng nghiên cứu VN mạnh nhất trong ngành địa chất khoáng sản. Hàn Quốc thì đặc biệt đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu trong khoảng 10 năm gần đây”.
PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, cho biết trước đây ở lĩnh vực khảo cổ học, thời kỳ đầu, chúng ta chủ yếu hợp tác với Liên Xô, Bulgaria. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta có hợp tác đầu tư nhiều nhất với Nhật Bản, Hàn Quốc. Chẳng hạn, với người Nhật, chúng ta có dự án lớn đầu tiên làm chung ở Làng Vạc (Nghệ An, một di chỉ thuộc thời kỳ Đông Sơn) và sau đó là nhiều dự án nghiên cứu gốm sứ. Với người Hàn Quốc hiện nay, có nhiều hợp tác nghiên cứu trao đổi chuyên gia.
“Đã có những thay đổi lớn trên bản đồ VN học của thế giới”, GS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện VN học và Khoa học phát triển, nhận định. Các trung tâm VN học tại Đức, Nga từng hùng mạnh trước đây gần như biến mất hoặc ít ảnh hưởng hơn do giữ cách tiếp cận cũ. Trong khi đó, có những trung tâm VN học lại phát triển hơn. Hiện tại, Nhật Bản, Pháp và Mỹ là những nước có nghiên cứu VN học mạnh nhất. Ngoài ra, CH Czech, Hàn Quốc là những nước mới trên bản đồ nghiên cứu VN học. Với Hàn Quốc, có cả câu chuyện xuất hiện càng nhiều gia đình đa văn hóa Việt - Hàn. Hoặc tại CH Czech, thế hệ thứ hai của cộng đồng lớn người Việt định cư tại đây đang khiến giới nghiên cứu của họ bắt đầu đặt vấn đề nghiên cứu VN. Một số nước khác như Mông Cổ, Lào, Triều Tiên cũng muốn nghiên cứu VN hơn vì chúng ta là một ví dụ về sự thành công của việc giữ thể chế, ổn định chính trị.
Mạng lưới học giả trẻ, đa dạng
GS Phạm Hồng Tung cũng xác nhận xu hướng nghiên cứu VN học trong 20 năm gần đây đã thay đổi nhiều. Trong khoảng 10 năm gần đây, lý thuyết khu vực học trong liên quan tới toàn cầu đã được áp dụng. Có nghĩa là, các vấn đề nghiên cứu ở VN cũng không khoanh vùng trong nghiên cứu cơ bản lịch sử, văn hóa, dân tộc học như trước nữa. Chúng ta có thêm những người nghiên cứu VN học cũng là nhà nhân học, xã hội học và từ các nhà nghiên cứu tự nhiên. Các nhà nghiên cứu VN học cũng nghiên cứu nhiều vấn đề hơn, và hướng tới việc nghiên cứu đó được sử dụng vào thực tế như thế nào. “Nhờ đó, kết quả nghiên cứu VN học có thể trở thành đầu nguồn chính sách”, ông Tung nói.
Ở trong nước, các đề tài nghiên cứu trở nên đa dạng hơn. Chẳng hạn, với nghiên cứu lịch sử, đã có những người chọn nghiên cứu về kinh tế, giao thương thành hướng đi chuyên sâu của mình. PGS-TS Hoàng Anh Tuấn (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) đã có các nghiên cứu về các công ty Đông Ấn Hà Lan ở Đại Việt, về thương điếm Anh ở Đàng Ngoài, về tiền Nhật Bản và biến chuyến với kinh tế xã hội Đàng Ngoài thế kỷ 17… Ông cũng xuất bản sách bằng tiếng Anh về các đề tài thương mại VN. GS Tung cho rằng, đây là một hướng nghiên cứu VN học dựa trên lý thuyết khu vực rất đáng chú ý. Nó có thể giúp chúng ta chứng minh chủ quyền trên Biển Đông.
Các nhà nghiên cứu trong nước cũng có những khuôn mặt mới có nhiều công bố quốc tế. Trong đó, TS Phạm Lê Huy đã có những nghiên cứu lịch sử dựa trên nhiều nguồn tư liệu đa dạng ở nước ngoài. PGS-TS Tạ Quỳnh Phương, Viện Nghiên cứu văn hóa, đã xuất bản sách ở nước ngoài về Trần Hưng Đạo và đạo Mẫu. TS Nguyễn Thu Giang (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn) cũng có các nghiên cứu về truyền hình được công bố quốc tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.