Để học sinh lớp đầu cấp không hụt hơi

20/08/2018 07:57 GMT+7

Bước vào những lớp đầu cấp như lớp 6, lớp 10, học sinh thay đổi môi trường và phương pháp học tập, do vậy cần có sự chuẩn bị để việc học đạt kết quả tốt nhất.

Đặc biệt với những học sinh (HS) lớp 10, việc học trong giai đoạn này hoàn toàn thay đổi do mang tính hướng nghiệp để chuẩn bị cho đại học.
Rèn tính tự học
Nói về giai đoạn chuyển cấp này, ông Nguyễn Cảnh Tân, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM), xác nhận đây là khoảng thời gian vô cùng quan trọng, có sự tác động không nhỏ đến quá trình và kết quả học tập ở bậc THPT của HS. Sự thay đổi môi trường và phương pháp học tập diễn ra cùng lúc với thời điểm các em có những thay đổi về tâm sinh lý nên rất cần sự phối hợp giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh. Việc làm này sẽ giúp các em không có cảm giác lo sợ, mất thăng bằng trong môi trường mới.

Để khoảng thời gian này nhanh chóng trôi qua mà không bị gặp áp lực, thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), chia sẻ 5 “bí kíp”: “Trước hết, hãy tập làm quen với các bạn mới. Hãy nhớ rằng mình đã bước sang một môi trường khác, một tập thể khác. Sự hòa đồng cởi mở sẽ giúp mình hòa nhập nhanh hơn. Thầy cô sẽ không quá quan tâm HS như hồi HS còn thơ bé. Các thầy cô có khuynh hướng rèn luyện cho HS tính độc lập, tự chủ trong học tập. Thảo luận nhóm, làm dự án… sẽ là những hình thức học phổ biến ở bậc THPT. Tích cực tham gia các câu lạc bộ, đội nhóm, việc tham gia này sẽ giúp HS phát huy được sở trường, rèn luyện bản lĩnh, thể hiện cá tính của mình”.
Ông Đăng Du nói thêm, HS hãy rèn luyện tính tự lập ngay từ ngày đầu đi học và tập cởi mở chính bản thân mình. Hãy nhớ thời THPT sẽ là thời thanh xuân tươi đẹp nhất. Khi gặp trục trặc và không tìm thấy niềm vui trong môi trường mới, đừng ngại ngùng chia sẻ, tâm sự với thầy cô hoặc bất cứ người bạn nào mà mình cảm thấy tin tưởng.
Còn giáo viên Võ Duy Thái, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), hướng dẫn: “Trước hết, xác định mục tiêu học tập cần hướng tới, ví dụ ban mà HS chọn học để phân bố thời gian hợp lý cho các môn chủ lực. Lên THPT kiến thức sâu rộng hơn nên có thể tạo nhóm để học tập cho hiệu quả. Đồng thời học nhóm giúp giải quyết triệt để khối lượng bài tập giáo viên giao về nhà. Tăng thời gian tự học vì điều này giúp HS tiến bộ hơn nhiều so với việc chỉ chú trọng tất cả thời gian cho việc học thêm. Thường xuyên hệ thống lại kiến thức vì nội dung quá nhiều khiến HS dễ quên kiến thức cũ”.
Tương tự, giáo viên Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), nhấn mạnh học trò không nên trông chờ vào giáo viên đọc cho chép mà cần chủ động trong việc tiếp nhận kiến thức. Việc học trên lớp không phải là tất cả mà phải tự nghiên cứu tài liệu nhiều hơn. Nên đến các câu lạc bộ để hỏi han các anh chị lớp trên về cách học.
Rèn luyện kỹ năng
Giáo viên Trương Minh Đức, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), chia sẻ lớp 10 chủ yếu là rèn kỹ năng, nền tảng, lớp cuối cấp tập trung kiến thức. Đồng thời do xu hướng ra đề thi theo hướng thực tiễn, những văn bản ngoài nhà trường, nên kỹ năng là yếu tố quan trọng. Ông Minh Đức cho rằng giáo viên cũng đừng đòi hỏi quá nhiều mà hãy trân trọng những gì HS làm được. Động viên HS, khơi gợi cho các em sự mạnh dạn. “Chẳng hạn, đầu năm chỉ nên cho các em học kỹ năng, ôn tập kiến thức cơ bản và thường xuyên cho điểm cộng để tạo sự hưng phấn trong học tập”, ông Đức đề nghị.
Riêng đối với môn ngữ văn là môn học khiến HS e ngại, ông Đức nhắc nhở, ở lớp 10, HS chỉ cần nắm vững kỹ năng phân tích thơ, viết đoạn văn, thao tác lập luận để khi gặp bất cứ nội dung, đề tài nào thì sử dụng kỹ năng, thao tác vào thực hiện.
Còn ông Cảnh Tân cho rằng nhiều HS không kịp bắt nhịp nên tháng đầu tiên của bậc THPT, giáo viên cần tổ chức lớp học sao cho có một chút giống bậc THCS và thay đổi từ từ. Đa số ở bậc THCS, điểm số của học sinh khá cao nhưng có thể bây giờ sẽ có sự thay đổi. Phụ huynh cũng không nên hốt hoảng khi nhận điểm số của con em, đừng vội nghĩ con mình học kém mà phải cùng nhà trường quan tâm đến các em.
Nguyễn Trần Công Đạt, thí sinh duy nhất tại TP.HCM đạt điểm 10 môn toán trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, chia sẻ kinh nghiệm học tập của mình: “Hầu như HS nào cũng bỡ ngỡ trong thời gian đầu của lớp 10 nên cần phải có sự bình tĩnh. Cách dạy của giáo viên ở bậc THPT nhanh hơn những bậc học dưới cho nên những HS không quan tâm đến việc học sẽ rất dễ “lạc nhịp”. Tuy nhiên, mấu chốt vẫn là cần tập cho mình thói quen tự học, tự tìm tòi, bổ sung kiến thức. Đây là việc làm lâu dài, HS cần có sự yêu thích môn học và xác định sự cần thiết của việc học”.
Học sinh vào lớp 6 cần tập viết nhanh
Theo giáo viên Huỳnh Lê Ý Nhi, Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú, TP.HCM), từ tiểu học lên THCS, môi trường học thay đổi, lúc này, HS cần có tính độc lập và có trách nhiệm nhiều hơn đối với việc học và sinh hoạt của mình.
Thời gian đầu của lớp 6, phần lớn HS đều có những chệch choạc bởi thay đổi từ việc học có phần chăm sóc sang cách học của sự tự giác.
Để nhanh chóng vượt qua những bỡ ngỡ, HS cần lưu ý chủ động viết nhanh hơn so với lớp 5. Bởi ở những lớp học dưới, các em học chủ yếu với giáo viên chủ nhiệm còn lên lớp 6, mỗi giáo viên dạy một môn. Do vậy, đừng chờ thầy cô nhắc nhở chép bài mà khi thầy cô giảng thì chú ý nghe, khi thầy cô viết bảng thì tập trung viết vào vở. Kết thúc mỗi tiết học này sẽ chuyển sang tiết học khác, nếu không viết bài kịp sẽ ảnh hưởng đến quá trình học những tiết sau.
Nếu trước đây, HS chỉ có 2 bài kiểm tra trong một học kỳ thì nay sẽ có các bài kiểm tra 15 phút, kiểm tra một tiết, kiểm tra miệng. Thế nên phụ huynh hãy nhắc nhở và đồng hành cùng con trong giai đoạn đầu. Việc quan tâm của phụ huynh sẽ giúp HS tạo sự chủ động trong việc học bài, làm bài ở nhà, nhẹ nhàng bước qua các bài kiểm tra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.