Để học sinh tự tin khi học toán

09/03/2018 09:01 GMT+7

Một trong những điểm mới quan trọng trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông môn toán là yêu cầu xây dựng 'niềm tin trong học toán'.

Đây không phải là yêu cầu mới trong chương trình giáo dục phổ thông hiện đại, nhưng lần đầu tiên được nhắc tới trong chương trình ở VN.
Kiến thức giảng dạy phải phù hợp với năng lực học sinh
Niềm tin trong học toán thể hiện ở sự tin tưởng của học sinh (HS) vào ý nghĩa của việc học tập môn toán và sự tự tin khi học tập môn này. Từ tin tưởng và tự tin sẽ dẫn đến đam mê, rồi say mê, từ đó tác động tích cực tới kết quả học tập.
Toán luôn được coi là một môn học khó. Tuy nhiên, vì được coi là quan trọng, là môn bắt buộc nên tất cả HS dù thích hay không cũng phải đầu tư rất nhiều thời gian cho môn học này.
Với cách tiếp cận giáo dục theo nội dung, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) trước đây hướng tới việc truyền thụ một lượng kiến thức chuẩn mực cho người học. Như vậy yêu cầu về nội dung là trung tâm, người học phải đáp ứng yêu cầu đó. Với cách tiếp cận theo năng lực, dự thảo chương trình GDPT mới, môn toán nhằm giúp HS phát triển năng lực, với yêu cầu đầu ra là hình thành và phát triển năng lực toán học.
Như vậy người học, năng lực của người học là trung tâm. Vì thế chương trình cần được thiết kế sao cho những kiến thức được giảng dạy phù hợp với khả năng tiếp thu của HS tại thời điểm giảng dạy. Nội dung kiến thức phù hợp hay không phù hợp với khả năng tiếp thu là yếu tố then chốt khiến việc học tập trở nên nặng nhọc hay nhẹ nhàng.
Sự tự tin trong việc học tập cùng với sự say mê và kết quả học tập môn toán liên hệ mật thiết và chi phối nhau, đặc biệt đối với HS tiểu học, lứa tuổi mà chơi và học vẫn chưa thực sự tách rời. Sự tự tin và kết quả học tập tốt kích thích say mê; tự tin và say mê tất yếu nâng cao kết quả; say mê và kết quả tốt cũng khiến trẻ tự tin hơn trong học tập. Ở cấp tiểu học thì không gì quan trọng hơn trong việc tạo ra sự tự tin của đứa trẻ là việc dạy học phù hợp với năng lực.
Bỏ bệnh thành tích dựa vào điểm số
Chủ trương không đánh giá học tập đối với HS tiểu học, nhất là ở hai năm đầu, là hoàn toàn đúng đắn. Ngoài ra, cần học tập một nguyên tắc bí mật thông tin cá nhân, không công bố chung điểm số của các HS trong lớp.
Cần nói thêm là quan điểm dùng điểm số để khuyến khích thi đua, trên cái nền lớn hơn là bệnh thành tích của giáo dục VN, đã trở nên lạc hậu khi chúng ta hướng tới một nền giáo dục đại chúng. Không nên vì mục tiêu khuyến khích việc học tập của một số ít HS giỏi mà hy sinh sự tự tin của phần lớn các HS còn lại. Tai hại hơn nữa của bệnh thành tích là tình trạng “ngồi nhầm chỗ” trong HS.
Dạy những điều có ích cho cuộc sống
Niềm tin về sự có ích của toán học đối với cuộc sống sau này cần phải được giáo dục và củng cố trong mỗi HS. Đây mới là động lực chính của việc học tập môn toán. HS cần thấy được rằng học tập là để có kiến thức, có năng lực đáp ứng cho tương lai của bản thân mình, rồi gia đình mình, để đóng góp cho đất nước, chứ học tập không chỉ để có thành tích, để đáp ứng các kỳ thi: đó mới chính là thực học.
Yêu cầu cao nhất của việc giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực là đào tạo ra những cá nhân có năng lực để tồn tại trong xã hội, để có thể tự mưu cầu hạnh phúc. Toán học cũng cần được giảng dạy với mục đích này. Hiện nay “học giỏi toán” đang được coi là tiêu chí xác định năng lực HS. Vì thế việc dạy toán được nhấn mạnh về chiều sâu, yêu cầu HS giải những bài toán khó và phức tạp nhưng thuần túy lý thuyết, hàn lâm. Trong một nền giáo dục đại trà, cách hiểu đó không hoàn toàn đúng nữa. Khi toán học được dạy cho tất cả các HS thì tiêu chí đầu tiên là nó phải có ích cho cuộc sống và công việc của các em sau này.
Trước tiên, việc học toán cần giúp HS hình thành và phát triển các đức tính kỷ luật, kiên trì. HS, ở mức độ đại trà, cần được giáo dục một cách cẩn thận và kỹ càng những kiến thức căn bản nhất của toán học, những kiến thức cần thiết và có thể sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Việc dạy thêm các nội dung nâng cao cần phải được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng với những đối tượng có chọn lọc. Việc nhồi nhét quá nhiều bài tập khó là giết chết vẻ đẹp toán học trong mắt HS, khiến toán học trở nên vô giá trị, làm mất đi niềm tin với toán học của HS. Như thế HS cũng như phụ huynh sẽ coi việc học toán như là hành động khổ ải để đạt tới thành công chứ không nghĩ kiến thức toán học là hành trang cần thiết cho cuộc đời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.