Để học sinh vẫn có đủ kiến thức lịch sử dù là môn lựa chọn

19/05/2022 08:47 GMT+7

Dư luận băn khoăn và các trường THPT bối rối trước thông tin môn lịch sử cấp THPT sẽ trở thành môn bắt buộc. Nếu điều này xảy ra, có thể phá vỡ mục tiêu định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT.

Giải pháp nào cho vấn đề vừa đảm bảo coi trọng giáo dục lịch sử cho học sinh (HS) nhưng không phá vỡ mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Nếu tăng môn học bắt buộc sẽ thất bại như phân ban

Theo Howard Gardner, một giáo sư giáo dục Mỹ, sáng tạo thuyết đa trí tuệ, mỗi cá nhân là độc lập và duy nhất với những năng khiếu, sở thích và đam mê khác nhau cần được nuôi dưỡng và phát triển dần từ tiểu học đến cấp THCS, THPT, càng lên cấp, lớp cao sự phân hóa theo năng khiếu, sở thích và đam mê càng cao.

Do đó, ở cấp THPT, HS nhiều nước trên thế giới đã giảm số môn học bắt buộc, tăng số môn học tự chọn theo thiên hướng, nghề nghiệp của mình. Vì vậy, chương trình GDPT 2018 của Việt Nam xác định 2 giai đoạn giáo dục cơ bản, từ lớp 1 đến lớp 9 và định hướng nghề nghiệp, từ lớp 10 đến lớp 12, phù hợp với đường lối chính sách phát triển giáo dục - đào tạo của Đảng, Nhà nước ta; phù hợp với khoa học giáo dục hiện đại và thông lệ quốc tế.

Học sinh lớp 10 tại TP.HCM trong giờ học môn sử

NHẬT THỊNH

Việc phân hóa HS cấp THPT có thể thực hiện như phân ban hoặc tự chọn. Tuy nhiên, việc phân ban như chương trình giáo dục hiện hành có thể nói là thất bại, vì không linh hoạt, phù hợp với năng khiếu, sở thích, định hướng nghề nghiệp vô cùng đa dạng đối với HS ở thế kỷ 21. Vì vậy, xác định phân hóa theo hình thức tự chọn, có 7 môn và hoạt động giáo dục là bắt buộc gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh (GDQPAN), giáo dục địa phương và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, tất cả môn còn lại đều tự chọn, là một điểm tiến bộ đáng kể của chương trình GDPT 2018. Nếu như tăng thêm môn học bắt buộc, từ 7 lên 8 môn và thêm 4 hoặc 5 môn tự chọn, HS sẽ quá tải, học tập không hiệu quả, dẫn đến thất bại không tránh khỏi như chương trình phân ban.

Hoạt động ngoại khóa môn sử của học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM)

clb lqd

Bổ sung 2 chuyên đề lịch sử vào môn GDQPAN

Để đảm bảo giáo dục lịch sử đối với tất cả HS, nhưng không phá vỡ cấu trúc chương trình và mục tiêu giáo dục cấp THPT, cần bổ sung thêm 2 chuyên đề lịch sử quan trọng vào môn GDQPAN để tất cả HS đều được học.

Đó là chuyên đề “Kinh nghiệm chống ngoại xâm, chống đồng hóa dân tộc của dân tộc Việt Nam” và chuyên đề “Kinh nghiệm bảo vệ hòa bình, xây dựng đất nước của dân tộc Việt Nam”. Chiến tranh và hòa bình là 2 chuyên đề rất rộng, vì nó xuyên suốt chiều dài lịch sử hơn 4.000 năm của dân tộc Việt Nam, và cũng là 2 vấn đề quan trọng của lịch sử các quốc gia trên thế giới. Do đó, có thể được giảng dạy và học tập một cách linh hoạt bằng việc hình thành các dự án học tập liên quan đến 2 chuyên đề trên trong từng giai đoạn. Ví dụ, chia ra nhiều dự án nhỏ như “Kinh nghiệm chống giặc ngoại xâm của nhà Trần”, “kinh nghiệm xây dựng đất nước của nhà Lý”... giao cho các nhóm HS thực hiện, giáo viên lịch sử, giáo viên quốc phòng là người hướng dẫn. Hoặc có thể chuyển 2 chuyên đề, trong các chuyên đề lịch sử ở cấp THPT sang môn GDQPAN.

Nếu phương án này được chấp nhận sẽ không tăng số môn học bắt buộc, mà chỉ sẽ tăng thêm số tiết của môn GDQPAN. Việc lựa chọn các tổ hợp môn không có gì thay đổi theo phương án tự chọn của chương trình GDPT 2018. Điều quan trọng là mục tiêu định hướng nghề nghiệp cấp THPT ở chương trình GDPT 2018 không bị phá vỡ.

Giáo dục lòng yêu nước không chỉ nhờ vào môn lịch sử

Mục tiêu của chương trình GDPT 2018 là hình thành và phát triển 5 phẩm chất (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm) và 10 năng lực (tự chủ và tự học, giải quyết vấn đề và sáng tạo, giao tiếp và hợp tác, năng lực toán học, năng lực ngôn ngữ, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thể chất và năng lực thẩm mỹ)... Tuy nhiên, lịch sử đóng vai trò quan trọng đối với giáo dục lòng yêu nước. Vì vậy, chương trình GDPT 2018 xác định lịch sử giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.